Việt Nam khẳng định tiếp tục đổi mới dù có TPP hay không là thông tin được nhiều cơ quan báo chí quan tâm đăng tải trong ngày 25/1.
Tiếp tục đổi mới, chuẩn bị thực thi các FTA đã và sẽ tham gia là thông điệp được Bộ Ngoại giao đưa ra khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Quan điểm nêu trên được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - Lê Hải Bình khẳng định với báo chí ngày 24/1. Ông Lê Hải Bình cho biết 6 năm qua, 12 nước trong đó có Việt Nam đã rất nỗ lực đàm phán, ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Nếu được triển khai, TPP sẽ đáp ứng lợi ích chung của tất cả các nước thành viên, không chỉ tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế - thương mại giữa các nước, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hợp tác, liên kết kinh tế và sự ổn định, thịnh vượng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Vì thế Việt Nam coi việc tham gia TPP và các FTA khác là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng, toàn diện. Đây cũng là bước đi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập, liên kết kinh tế khu vực. Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi có hiệu quả các cam kết của các FTA đã và sẽ tham gia.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Gánh nặng tỷ giá với EVN; Sự thật sau kỷ lục 4 tỷ USD nhập thép Trung Quốc.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Gánh nặng tỷ giá với EVN.
Đầu tư phản ánh: Trong giá thành điện năm 2015 vừa được công bố, các khoản chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện có chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ luỹ kế đến ngày 31/12/2015 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do Công ty mẹ EVN sở hữu 100% vốn. Theo giải thích của ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN, năm 2015, chênh lệch tỷ giá gây gánh nặng tới 9.800 tỷ đồng cho EVN. Tuy nhiên, do giá dầu thế giới giảm, kéo theo giá khí tính theo giá dầu cũng giảm, đã giúp gánh hộ được 5.000 tỷ đồng trong chênh lệch tỷ giá này. Ngoài ra, EVN đã xử lý được 3.500 tỷ đồng nhờ tối ưu hoá chi phí trong hoạt động sản xuất.
Như vậy, chỉ còn khoảng 1.500 tỷ đồng phải chuyển sang số dư chênh lệch tỷ giá và được phân bổ dần. Năm 2015, EVN cũng có mức lợi nhuận là 2.132 tỷ đồng. Tuy nhiên, câu chuyện lỗ tỷ giá xem ra vẫn còn là gánh nặng dài dài với ngành điện, trong đó EVN là đối tượng chính bởi nhu cầu đầu tư của ngành hàng năm là rất lớn, trong khi nguồn tự có và vay trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu nên vẫn phải tìm kiếm các nguồn vốn ODA, vốn vay thương mại của các tổ chức tài chính quốc tế.
2. Sự thật sau kỷ lục 4 tỷ USD nhập thép Trung Quốc.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 18,4 triệu tấn sắt thép, trị giá hơn 8 tỷ USD, tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với năm trước. Việt Nam còn chi gần 3 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm từ sắt thép. Như vậy, tổng cộng, năm 2016, Việt Nam chi gần 11 tỷ USD nhập khẩu sắt thép các loại. Con số này đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu sắt thép các loại chỉ khiêm tốn ở mức 3,9 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã nhập siêu gần 7 tỷ USD sắt thép trong năm nay.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Vietnamnet,Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), ông Trương Thanh Hoài cho biết, nhập khẩu sắt thép đạt kỷ lục cho thấy nhu cầu trong nước rất lớn. Theo Quy hoạch thép cho đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025 thiếu 20 triệu tấn. Ông Hoài cho rằng công nghiệp thép Việt nếu có các "anh cả” tức là các tập đoàn, doanh nghiệp thép quy mô lớn, sử dụng công nghệ lò cao hiện đại sẽ đủ sức cạnh tranh kể cả có áp thuế tự vệ hay không.
LH (Nguồn VP Bộ CT)