banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 17/11
Cập nhật lúc 09:43 ngày 17/01/2017

Báo chí tiếp tục khai thác thông từ nội dung báo cáo của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) tại Hội nghị tổng kết năm 2016 diễn ra vừa qua, trên Dân trí có bài viết 4 "cục nợ" khiến Vinachem lỗ gần 3.400 tỷ đồng trong năm 2016, bài viết phản ánh lỗ phát sinh của Vinachem trong năm 2016 tập trung vào 4 đơn vị gồm: Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP - Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Đây cũng chính là 4 dự án năm trong danh sách 12 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành đang được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý.

Những hệ lụy từ dự án thép Thái Nguyên: Đắp chiếu, mỗi ngày chịu 1 tỉ đồng tiền lãi, đó là phản ánh trên Thanh niên 17/1. Trong hơn 4.500 tỉ đồng đã rót vào dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 hiện đang dở dang, chi phí ngân hàng lên tới hơn 1.200 tỉ đồng và bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp phải trả khoảng 1 tỉ đồng tiền lãi. Trao đổi với phóng viên, Tổng giám đốc gang thép Thái Nguyên (Tisco) thừa nhận doanh nghiệp gần như phá sản vì số nợ riêng với dự án mở rộng đã gấp 1,5 lần số vốn điều lệ 2.840 tỉ đồng của công ty.

Trước thực trạng dự án, lãnh đạo Chính phủ đã không ít lần chủ trì họp với các bộ ngành để tìm cách tháo gỡ. Thủ tướng cũng chỉ đạo phải làm rõ khả năng đàm phán với đối tác để có thể hoàn thiện nhà máy, vận hành và ra sản phẩm, từ đó đề xuất phương án xử lý đối với dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1.7. Vậy nhưng đến nay dự án vẫn trong tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã thành lập ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ của ngành.  Lãnh đạo Tisco vẫn tỏ ra muốn níu kéo được tiếp tục thực hiện dự án. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan vẫn chưa rõ ràng. Thậm chí, ông Trần Văn Khâm, người từng giữ vị trí chủ tịch và tổng giám đốc trong 6 năm gắn liền với những diễn biến xấu nhất của dự án hiện vẫn là Bí thư đảng ủy Tisco dù đã bị tổng công ty thép không giao nhiệm vụ đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. 

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Phát hiện nhiều sai phạm tại Dự án Đạm Ninh Bình; Giá bia lại “nhảy múa”, khan hàng; 'Cởi trói' cho xuất khẩu gạo: Mới giải quyết phần ngọn; Áp lực tăng giá điện.

Thông tin cụ thể:

1. Phát hiện nhiều sai phạm tại Dự án Đạm Ninh Bình. 

Trên một số báo đưa tin: Kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, khuyết điểm trong quản lý đầu tư xây dựng nhà máy và hoạt động của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.Cụ thể như:

Đến thời điểm hiện tại, dự án không có hiệu quả về kinh tế, dẫn đến tình trạng tạm dừng sản xuất, người lao động thực hiện nghỉ luân phiên, không đảm bảo hiệu quả về mặt xã hội; công tác dự báo còn hạn chế; Hợp đồng EPC còn có điểm bất lợi cho chủ đầu tư về trách nhiệm của nhà thầu khi vượt lượng than chạy thử; Nhà thầu EPC thi công chậm tiến độ so với hợp đồng…

Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Hóa chất VN, BQL dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm, khuyết điểm; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Giá bia lại “nhảy múa”, khan hàng. 

Theo ghi nhận của phóng viên báo Dân việt, vào thời điểm sắpđến Tết Nguyên đán Đinh Dậu, giá bia bắt đầu có sự thay đổi lớn, có loại tăng giá đến 10% so với thời điểm cách đây 1, 2 tuần. Thậm chí, một số siêu thị và cửa hàng bách hóa còn bất ngờ rơi vào cảnh khan hàng.

Các công ty sản xuất bia khẳng định mặc dù biết nhu cầu mua sản phẩm này vào dịp cuối năm thường tăng khá mạnh, nhưng cũng không thực hiện việc tăng giá, giá bia bán lẻ tăng là do thị trường quyết định.

3. 'Cởi trói' cho xuất khẩu gạo: Mới giải quyết phần ngọn

Tiền phong phản ánh: Bộ Công Thương đãbãi bỏ quyết định quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, theo các DN, việc cởi trói vẫn chỉ là “phần ngọn”. Cái gốc là đầu tư cho nông nghiệp, ngành lúa gạo vẫn còn rất thấp, chưa bài bản, nên gạo Việt Nam “thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.

Theo một số doanh nghiệp, quyết định trên của Bộ Công Thương “giống như người bị nhiều sợi dây trói, mới cởi được một hai sợi, chứ bảo được tự do thì chưa”. “Về tổng thể vẫn chưa có gì thay đổi, vì còn vướng Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo và một số quy định khác, nên cơ hội làm ăn cũng không có gì mới.

Phân tích về bất cập của nghị định 109, các chuyên gia chỉ ra rằng, VFA (chủ yếu là các TCTy lương thực nhà nước) đang nắm “quyền lực” quá lớn, tạo ra sự bất bình đẳng. Tư duy quản lý trong nghị định là lạc hậu, cơ học, không nâng cao được chất lượng gạo cũng như không làm tăng giá gạo xuất khẩu và thu nhập của nông dân.

4. Áp lực tăng giá điện. 

Tại buổi tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 mới diễn ra, Tập đoàn điện lực VN cho biết, lợi nhuận sản xuất kinh doanh điện năm vừa qua của EVN và 9 tổng công ty đều cao hơn kế hoạch. Tuy nhiên trong năm 2017, EVN sẽ gặp khó khăn vì sản xuất chỉ chiếm khoảng 43,5% nhu cầu, do đó việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc phụ thuộc lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN. Bên cạnh đó, EVN dự kiến sẽ phải huy động nguồn điện chạy dầu khoảng 2,2 tỉ kWh... Mặc dù chưa khẳng định sẽ tăng giá điện trong năm nay, nhưng các nguyên nhân đang gây áp lực lên giá điện.

​Một số chuyên gia cho rằng việc tăng giá điện của EVN là cần thiết, nhưng phải có lộ trình và lộ trình này phải được công khai, minh bạch các yếu tố cấu thành nên giá điện... Bởi giá điện tăng sẽ tác động lan tỏa đến các chỉ số kinh tế, giá thành hàng hóa dịch vụ tăng tác động đến chỉ số lạm phát, tác động tiêu cực đến đời sống người dân. 

LH (Nguồn VP Bộ CT)