Phó Thủ tướng yêu cầu Vinachem xử lý triệt để dự án Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc là thông tin được các báo quan tâm, đăng tải nhiều trong ngày 16/1. Yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) tập trung xử lý triệt để tồn tại các dự án đang gặp khó khăn như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý thực trạng hiệu quả đầu tư xây dựng của Vinachem tại một số dự án còn thấp, thậm chí yếu kém.
Năm 2017, Vinachem phải có phương án xử lý dứt điểm 4 dự án thua lỗ lớn thuộc đơn vị đồng thời khắc phục tình trạng “không biết dự án của ai” cũng như không được để xảy ra sự cố môi trường trong lĩnh vực hóa chất. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Vinachem ngày 14/1.
Liên quan đến ông Vũ Đình Duy, trao đổi với Tuổi trẻ, ông Nguyễn Gia Tường, Tổng giám đốc Vinachem, khẳng định ông Vũ Đình Duy không còn liên quan đến Tập đoàn Hóa chất.
Theo ông Tường, cùng với việc Bộ Công Thương ban hành quyết định buộc thôi việc, Tập đoàn Hóa chất đã triển khai việc khai trừ Đảng đối với ông Vũ Đình Duy. Do đó, đến thời điểm này ông Vũ Đình Duy “không còn liên quan đến tập đoàn”. Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất cũng cho biết tập đoàn đã cho mở văn phòng làm việc của ông Duy, niêm phong tất cả những đồ đạc.
Thông tin Dự án Luật thuế bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp tháng 8 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới cũng được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, đăng tải. Các báo phản ánh: Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Tiu, chủ tịch HĐQT Công ty CP xăng dầu Tự Lực I (Hà Nội), cho rằng thuế BVMT mà tăng thì chắc chắn giá xăng dầu sẽ buộc phải tăng theo. Vì đây là thuế gián thu, người tiêu dùng sẽ trả luôn khi đổ xăng dầu.
Theo ông, hiện nay 1 lít xăng đang cõng 3.000 đồng thuế BVMT. Nếu tăng thêm thì giá xăng sẽ rất cao. Dự báo giá xăng dầu thế giới trong năm 2017 và những năm sau sẽ tăng khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cắt giảm sản lượng, nếu VN không tính toán thận trọng mà tăng thuế BVMT đối với xăng dầu lên nữa thì sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách - Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, cho biết tăng khung thuế BVMT là phải sửa Luật thuế BVMT nên phải được Quốc hội thông qua. Chắc chắn Quốc hội sẽ cân nhắc thận trọng đề xuất của Chính phủ về việc này.
Bình luận về vấn đề nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng: Xăng dầu tăng sẽ dẫn đến hệ lụy là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Bộ Tài chính đã tính đến xảy ra lạm phát khi xăng dầu tăng giá chưa!? Mọi chi phí trong cuộc sống của gia đình và xã hội sẽ tăng lên. Nhưng rõ ràng chất lượng cuộc sống và những thứ kéo theo sẽ dậm chân tại chỗ. Phải tính toán thật chính xác, đừng lấy cái này bù cái kia là không hợp lý. Khi cuộc sống của người dân vẫn còn khó khăn, vất vả.
Bộ Tài chính lý giải không thuyết phục , dân còn nghèo, thu thuế BVMT thì chi cho việc BVMT, chúng ta cứ nhìn vào biểu đồ thu chi của BVMT thì thấy chi so với thu quá chênh lệch vậy mà còn đòi thu tăng thêm nữa.Tại sao không hạn chế sản xuất xe 2 và 4 bánh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, động viên không được thì tăng thuế lên mặt hàng đó gấp vài chục hoặc thậm chí vái trăm lần sẽ có tác dụng thôi. Mặt hàng xăng dầu có tầm quan trọng đối với sản xuất, nước lên thì ghe lên, thu nhập của đa số quần chúng quá nhỏ để có thể chịu đưng với mức thuế như phi mã. Hãy coi trọng đời sống và tương lai của nhân dân.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Gia hạn thỏa thuận thương mại gạo với Philipin đến hết năm 2018; Hàng loạt sai phạm ở Thiên Ngọc Minh Uy, Amway Việt Nam; Điều tra chống bán phá giá thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc; Lượng hàng phục vụ Tết Đinh Dậu tăng 10% - 15%.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Gia hạn thỏa thuận thương mại gạo với Philipin đến hết năm 2018.
Trong những năm qua, Bản Thỏa thuận trên đã được triển khai tích cực, có kết quả, đóng góp phát triển quan hệ thương mại gạo tốt đẹp giữa hai nước.
Việc gia hạn Bản Thỏa thuận thương mại gạo giữa 2 nước là hết sức cần thiết, góp phần ổn định thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong bối cảnh tình hình thị trường gạo thế giới và khu vực đang diễn biến hết sức phức tạp.
Thành công của việc gia hạn đúng thời hạn sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp đầu mối của Việt Nam (Tổng Công ty lương thực miền Bắc và Tổng Công ty lương thực miền Nam) tham gia vào các đợt đấu thầu gạo cấp Chính phủ sắp tới tại Phi-líp-pin (dự kiến đợt thầu tiếp theo sẽ được tổ chức trong tháng 01/2017).
2. Hàng loạt sai phạm ở Thiên Ngọc Minh Uy, Amway Việt Nam.
Các báo đưa tin: Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký kết luận kiểm tra đối với 2 doanh nghiệp trên sau gần một năm tiến hành kiểm tra.
Tại kết luận điều tra, Bộ Công Thương nêu 3 sai phạm lớn của Công ty TNHH Amway Việt Nam. Với công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy có 8 lỗi sai phạm, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết đều là các hành vi vi phạm quy định Nghị định 42 về quản lý kinh doanh đa cấp.
Với kết luận kiểm tra nói trên, tùy theo tính chất của hành vi có dấu hiệu vi phạm, Bộ Công Thương đã chuyển hồ sơ cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý theo thẩm quyền. Riêng đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý cạnh tranh triển khai quy trình xử lý theo quy định của Luật Cạnh tranh. Kết quả xử lý sẽ sớm được công bố công khai.
3. Điều tra chống bán phá giá thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Trước những dấu hiệu hành vi bán phá giá của thép mạ từ Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông) và Hàn Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đã ảnh hưởng tiêu cực và gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, bên yêu cầu là Công ty Luật Mayer Brown JSM đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) xem xét áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Về phía Việt Nam, Hiệp hội thép Việt Nam đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh tính toán mức bán phá giá thật sự hợp lý nhằm ngăn chặn sản phẩm thép mạ bán phá giá vào Việt Nam, bởi khi thép mạ giá rẻ từ Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, dần dần sẽ chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, có thể hình thành lợi thế độc quyền của sản phẩm thép mạ nhập khẩu gây lũng đoạn thị trường.
4. Lượng hàng phục vụ Tết Đinh Dậu tăng 10% - 15%.
Dự kiến sức mua các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ước tăng khoảng 10% - 15% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 8% - 10% so với tết năm trước. Bộ Công thương đã chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, xây dựng kế hoạch phục vụ tết, triển khai chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo.
Để tăng cường công tác kiểm soát thị trường, Bộ Công Thương đã chỉ đạo mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
LH (Nguồn VP Bộ CT)