banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 12/11/2017
Cập nhật lúc 08:10 ngày 13/01/2017

Ngành than phải tái cơ cấu mạnh mẽ đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng Tại Hội nghị tổng kết năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Phó Thủ tướng yêu cầu TKV trong năm 2017 không chỉ bảo đảm khai thác than mà còn phải là doanh nghiệp (DN) nhập khẩu uy tín.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Về tái cơ cấu doanh nghiệp, TKV được Chính phủ đánh giá là một trong những tập đoàn triển khai quyết liệt và hiệu quả việc tái cơ cấu doanh nghiệp, bảo đảm tiến độ theo đề án đã được duyệt”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý một số tồn tại, hạn chế liên quan đến tai nạn lao động cũng như công tác quản lý, chống lãng phí trong quá trình khai thác, nâng cao hiệu suất lao động. Để hoàn thành kế hoạch đặt ra, TKV phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, giảm giá thành cũng như đổi mới phương thức kinh doanh, giúp tiêu thụ sản phẩm.

Theo báo cáo của TKV, năm 2016 là một năm rất khó khăn với tập đoàn từ khi thành lập, doanh thu toàn tập đoàn ước thực hiện 101.180 tỉ đồng, trong đó doanh thu sản xuất than là 51.120 tỉ đồng, khoáng sản 7.020 tỉ đồng, sản xuất điện đạt 9.790 tỉ đồng. Lợi nhuận ước tính của TKV trong năm 2016 đạt hơn 800 tỉ đồng, thấp hơn so với dự toán đầu năm nhưng cao hơn mức 600 tỉ đồng của năm 2015.

Thông tin trên được nhiều cơ quan báo chí đăng tải trong ngày 12/1. 

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: 2017 giá điện có chắc “không ồn ào”?; Năm khó khăn, ngành than vẫn lãi 800 tỉ đồng; Bộ Công Thương cảnh báo hàng loạt doanh nghiệp Việt bị lừa đảo; Dệt may cần nhiều giải pháp căn cơ để vượt khó.

Thông tin cụ thể như sau:    

1. 2017 giá điện có chắc “không ồn ào”?


Thời báo Kinh doanh đưa tin: Ngày 10/1, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 22/12/2016. Trong đó có nội dung, Bộ Công Thương được giao hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ khung giá bán lẻ điện bình quân trên cơ sở tính toán thông số đầu vào và đầu ra của hoạt động sản xuất, kinh doanh điện để khuyến khích tiết kiệm và thu hút đầu tư, đồng thời tính toán thời điểm điều chỉnh giá điện hợp lý.

Tại cuộc họp hồi tháng 11/2016 với đại diện các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương về tình hình cung cấp điện 2017, đánh giá về tình hình cung cấp điện và giá điện năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, năm 2016 ghi nhận sự nỗ lực của cả hệ thống, góp phần bảo đảm ổn định nguồn cung điện cho cả nước, phục vụ sản xuất và sinh hoạt, phát triển đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. “Năm 2016 không phải điều chỉnh giá điện, không vướng phải bức xúc trong dư luận về tình hình giá điện. Sang năm 2017 cũng sẽ không “ồn ào” về giá điện”, Thứ trưởng nhận định.  

2. Bộ Công Thương cảnh báo hàng loạt doanh nghiệp Việt bị lừa đảo.

Một số bài báo đưa tin: Trước thông tin nhiều công ty thủy sản Việt Nam bị lừa đảo và có nguy cơ mất hàng trăm ngàn USD với một khách hàng nước ngoài, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có khuyến nghị các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất nhập khẩu khi giao dịch quốc tế. Theo Cục Xuất nhập khẩu, các DN cần lưu ý ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác với giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian.

Trong quá trình thực hiện giao dịch, DN có thể cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (như xác nhận thư tín dụng, chiết khấu miễn truy đòi, bao thanh toán xuất khẩu…) để có thêm sự đảm bảo cho khả năng đòi tiền từ phía ngân hàng cung cấp dịch vụ cũng như hỗ trợ DN tìm hiểu đánh giá các thông tin về đối tác nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.    

3. Dệt may cần nhiều giải pháp căn cơ để vượt khó.


Năm 2016 là một năm ảm đạm của ngành dệt may Việt Nam khi tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm và hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương có nguy cơ không được phê chuẩn. Năm 2017, dự báo tăng trưởng của ngành dệt may cũng không mấy sáng sủa. Nếu không có chính sách đột phá, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2017 dự báo cũng sẽ chỉ tăng khoảng 5-7% so với năm 2016. Mặc dù trong tháng đầu tiên của năm 2017, các doanh nghiệp dệt may đã có đủ hàng trong quý I với đơn hàng dồi dào, nhưng về dài hạn thì khó khăn vẫn đang hiện hữu do “dư âm” của năm cũ để lại. 

Đứng trước hàng loạt thách thức đặt ra, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, năm 2017, để ngành dệt may Việt Nam phát triển ổn định, nâng cao năng lực cạnh tranh thì thời gian tới, cần tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, quản lý tốt hơn các dự án đầu tư vào dệt may. Hơn nữa, do đơn hàng ngày càng giảm, doanh nghiệp cũng cần chuyển dần từ sản xuất gia công sang các hình thức sản xuất có hàm lượng giá trị giá tăng cao hơn; doanh nghiệp cần tìm kiếm khách hàng trực tiếp, giảm dần xuất khẩu qua trung gian, nhằm “mua tận gốc, bán tận ngọn”, giảm chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh, giành thế chủ động cao hơn trong sản xuất, kinh doanh xuất khẩu. Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, cần liên kết chặt chẽ trong phát triển thị trường, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)