banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 30/12
Cập nhật lúc 04:38 ngày 30/12/2016

Trên nhiều báo ra ngày hôm nay (30/12) đăng tải thông tin Bộ trưởng Công Thương yêu cầu không đi Tết lãnh đạo. Sau những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ban hành chỉ thị số 17/CT-BCT về việc tổ chức Tết năm 2017. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị không tặng quà Tết cấp trên, không sử dụng tiền, phương tiện, tài sản công trái quy định...

Để tổ chức tốt việc đón Tết Nguyên đán Đinh dậu 2017 cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành Công Thương, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Bộ quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong cơ quan, đơn vị và tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về việc tổ chức Tết năm 2017 đảm bảo vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội. Quan tâm chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới, hải đảo, nhất là đồng bào bị thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung.

Xử lý trách nhiệm cá nhân ở các dự án nghìn tỉ thua lỗ, cũng là thông tin đáng chú ý được nhiều báo quan tâm, đăng tải. Thủ tướng khẳng định phải sớm xử lý các dự án thua lỗ để tránh thất thoát thêm tài sản nhà nước, đồng thời xử lý cả trách nhiệm của người đứng đầu lẫn tham mưu đầu tư nhằm ngăn chặn tham nhũng. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, năm 2017 sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh các yếu tố khó lường của tình hình thế giới thì bản thân nền kinh tế cũng còn rất nhiều điểm yếu. Thủ tướng liệt kê: Đó là việc nợ xấu và xử lý các ngân hàng yếu kém rất phức tạp, nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần 65%, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, kể cả khối tư nhân còn thấp, ngoài 12 dự án thua lỗ đã công khai thì còn nhiều công trình khác cũng có vấn đề... 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không chỉ người thực hiện, quyết định dự án kém hiệu quả phải bị xử lý mà cả người tham mưu cũng phải liên đới, có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng tham nhũng, giảm thiểu nguy cơ các dự án kém hiệu quả. Thủ tướng bày tỏ, khi quyết định đầu tư một dự ánbằng tiền thuế của dân thì phải lắng nghe ý kiến người dân, phải suy xét xem nó có hiệu quả không để thể hiện trách nhiệm với từng đồng thuế của người dân.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Bộ Công Thương tiếp tục bãi bỏ một quy định "hành" doanh nghiệp; Không xử lý trách nhiệm tại Petrolimex sau kết luận của Thanh tra Chính phủ; Thêm công ty đa cấp bị thu hồi giấy phép; EU nghi tôm Ấn Độ 'đội lốt' Việt Nam xuất khẩu.

Thông tin cụ thể như sau:                                                      

1. Bộ Công Thương tiếp tục bãi bỏ một quy định "hành" doanh nghiệp. 


Trên nhiều bài viết đưa tin: Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 36/2016/TT-BCT ngày 28/12/2016 quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, thay thế Thông tư số 07/2012/TT-BCT ngày 4/4/2012.So với Thông tư 07 ban hành năm 2012, Thông tư số 36 ban hành ngày 28/12/2016 sẽ thay đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng. Theo đó, áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.

Đồng thời, cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm)… 

2. Không xử lý trách nhiệm tại Petrolimex sau kết luận của Thanh tra Chính phủ. 

Theo nội dung nêu tại bản Kết luận thanh tra đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kiến nghị “Bộ Tài chính chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, khuyết điểm trong công tác quản lý nhà nước về kinh doanh xăng dầu”. Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm để chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại nêu trong Kết luận và kiến nghị của TTCP. Tuy nhiên, qua rà soát lại vụ việc, Bộ Tài chính cho hay, các trường hợp mà TTCP nêu chưa phải thực hiện xem xét xử lý trách nhiệm về mặt hành chính hoặc các hình thức kỷ luật khác đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bộ Tài chính tiếp tục bảo lưu quan điểm của mình và đề nghị TTCP bỏ nội dung kết luận nói trên do chưa tính toán đầy đủ, toàn diện, có thể làm dự luận hiểu sai về công tác điều hành giá xăng dầu của Chính phủ.Theo Bộ Tài chính, những kết luận của TTCP đối với nội dung giá cơ sở xăng dầu là chưa thuyết phục, chưa dựa trên điều kiện thực tế quản lý điều hành giá xăng dầu của liên Bộ trong thời gian vừa qua và kỳ thanh tra… 

3. Thêm công ty đa cấp bị thu hồi giấy phép. 

Sau khi kiểm tra việc chấp hành pháp luật và kết quả giải quyết các khiếu nại, tố cáo hoạt động bán hàng của Công ty Nhượng quyền Thiên Lộc (trụ sở tại phường 12, quận Tân Bình, TP HCM), Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết đã xử phạt và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký của đơn vị này.

Cục Quản lý cạnh tranh cũng nêu rõ, việc thu hồi giấy phép không giải phóng doanh nghiệp khỏi các nghĩa vụ trước pháp luật. Theo đó, Công ty Nhượng quyền Thiên Lộc vẫn phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của các nhà phân phối, người tham gia bán hàng đa cấp trong mạng lưới bán hàng đa cấp. Theo số liệu công bố của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng một triệu người tham gia bán hàng đa cấp, tức cứ trung bình 90 người có một người bán hàng đa cấp.

4. EU nghi tôm Ấn Độ 'đội lốt' Việt Nam xuất khẩu. 

Cơ quan chống gian lận thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) cho biết, có cơ sở nghi ngờ tôm có nguồn gốc Ấn Độ đã xuất với số lượng lớn sang Việt Nam để sơ chế rồi tiếp tục xuất khẩu sang Anh, Hà Lan, Đức, Bỉ, Denmark, Ý và Pháp (từ năm 2011 đến nay). Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế GSP đối với tôm đông lạnh dạng thô khi xuất vào EU là 4.2% (cho các loại có mã HS là 030616 hoặc 030617), trong khi tôm cùng nhóm mã HS trên có xuất xứ Ấn Độ xuất vào châu Âu phải chịu thuế suất 12%. Tương tự đối với tôm đã sơ chế ở Việt Nam và xuất vào châu Âu chịu thuế suất 7%, trong khi tôm cùng loại có xuất xứ Ấn Độ xuất vào châu Âu phải chịu thuế suất 20%.

OLAF sẽ cử cán bộ điều tra sang Việt Nam để điều tra cụ thể về các Công ty, và làm việc với các bên liên quan như NAFIQAD, VCCI và Hải quan Việt Nam để làm rõ các nghi vấn gian lận xuất xứ vào thời điểm đầu năm 2017. Đối với thủy sản nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam để chế biến hàng xuất khẩu sang EU , OLAP cho rằng có 2 nguy cơ: nguyên liệu có xuất xứ từ những vùng nuôi chưa đạt tiêu chuẩn kiểm soát dịch bệnh; doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu chọn Việt Nam làm nước trung chuyển và sơ chế để tránh mức thuế cao hơn khi xuất khẩu sang EU. Việc cấp C/O Việt Nam cho các sản phẩm thủy sản chế biến từ nguyên liệu nhập khẩu không đúng quy tắc xuất xứ. Tình trạng này nếu tiếp tục gia tăng sẽ có thể khiến EU ban hành các biện pháp bất lợi.

LH (Nguồn VP Bộ CT)