Thêm 7 dự án lớn của ngành Công Thương thua lỗ nặng là thông tin kinh tế được báo chí quan tâm, đề cập nhiều nhất trong ngày hôm nay (22/12). Các báo đưa tin: Số dự án, nhà máy thua lỗ thuộc Bộ Công Thương không chỉ dừng lại ở con số 5 mà đã tăng lên 12 buộc Chính phủ phải thể hiện thái độ kiên quyết trong việc xử lý, khắc phục hậu quả. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Nhà nước nhất quyết không dùng tiền ngân sách để bù lỗ, hỗ trợ cho các dự án này nữa.
Tại cuộc họp chiều 20/12 của Chính phủ với lãnh đạo một số bộ ngành, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý những tồn tại, yếu kém của một số nhà máy, dự án thua lỗ thuộc ngành Công Thương do chính Phó thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Đáng chú ý, ngoài 5 nhà máy, dự án thua lỗ, hoạt động kém hiệu quả mà Quốc hội đã nêu lên tại nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 vừa qua (là nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất và nhà máy đạm Ninh Bình), Ban chỉ đạo cũng bổ sung sơ bộ thêm 7 nhà máy, dự án khác là: Đạm Hà Bắc, đạm DAP 1 Lào Cai , DAP 2 Hải Phòng, Ethanol Bình Phước, Ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất, dự án liên doanh giữa đối tác mỏ Quý Sa và nhà máy gang thép Lào Cai.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Bộ Công Thương ủng hộ bán bụi lò thép sang Trung Quốc; Xuất khẩu rau quả vượt xuất khẩu gạo; Chính thức khởi động thoái vốn Nhà nước tại Sabeco; Cuối tháng 12 âm lịch hàng hóa sẽ đồng loạt tăng?; Xuất khẩu da giày 2016 liệu có đạt mục tiêu?
Thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương ủng hộ bán bụi lò thép sang Trung Quốc.
Theo Bộ Công Thương, bụi lò thép là chất thải nguy hại hoặc có khả năng là chất thải nguy hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với môi trường. Trong khi, công nghệ tái chế và xử lý bụi lò thép trong nước còn hạn chế. Do vậy, việc các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm các đối tác để xuất khẩu, tái chế cần được khuyến khích.
Tuy nhiên, để đảm bảo các điều kiện vận chuyển, kinh doanh và xuất khẩu chất thải, chất nguy hại theo đúng quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế, Bộ Công Thương đề nghị Công ty liên hệ với Bộ TN&MT để được hướng dẫn và hoàn thiện các thủ tục liên quan.
Trước đó, Công ty TNHH Kim Phúc Hà có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị được xuất khẩu 300.000 tấn bụi lò thép cho Công ty Hững hạn Thương mại Phú Bang (Trung Quốc) với lý do hết chỗ chứa và trong nước chưa có đơn vị nào đủ năng lực xử lý.
2. Xuất khẩu rau quả vượt xuất khẩu gạo.
Tính đến ngày 15/12, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 2,3 tỷ USD, còn gạo xuất khẩu mới chỉ đạt 2,1 tỷ USD.
Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu các loại rau và quả của Việt Nam, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đứng sau Trung Quốc, các thị trường Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đang tiêu thụ khá nhiều rau quả Việt Nam.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay, rau quả vẫn còn nhiều dư địa để khai thác xuất khẩu nên kỳ vọng kim ngạch có thể lên hơn 2,3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm ngoái.
3. Chính thức khởi động thoái vốn Nhà nước tại Sabeco.
Hội đồng quản trị Tổng CTCP BR-NGKSài Gòn (Sabeco - SAB) mới đây vừa công bố Nghị quyết thông qua việc tổ chức đấu thầu công khai để thuê đơn vị tư vấn xây dựng phương án, các thủ tục có liên quan để thoái vốn Nhà nước tại SAB theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, HĐQT tổng công ty cho phép bộ phận quản lý vốn Nhà nước được sử dụng các nguồn lực tại Sabeco để triển khai công tác thoái vốn Nhà nước.
Thị giá cổ phiếu SAB của Sabeco trên thị trường chứng khoán sẽ là một trong những cơ sở để các đơn vị tư vấn, định giá đưa ra mức giá khởi điểm để đấu giá vốn Nhà nước tại Sabeco vào đầu năm tới. Lấy ví dụ, giá khởi điểm ngang với thị giá là 210.000 đồng như hiện nay, quy mô thoái vốn Sabeco sẽ lên tới 115.000 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với ước tính ban đầu của Bộ Công Thương.
4. Cuối tháng 12 âm lịch hàng hóa sẽ đồng loạt tăng?
Việc tăng giá xăng dầu dịp cận Tết khiến nhiều người lo ngại sẽ “thổi” giá các loại hàng hóa, dịch vụ có đầu vào là xăng dầu tăng theo.
Theo ghi nhận, trên thị trường, giá cả các loại hàng hóa thời điểm hiện tại vẫn tương đối ổn định. Song, tiểu thương tại hầu hết các chợ đều khẳng định, sang tới thời điểm nửa cuối tháng 12 âm lịch hàng hóa sẽ đồng loạt tăng. Còn tăng ở mức độ nào thị phụ thuộc vào mỗi mặt hàng.
5. Xuất khẩu da giày 2016 liệu có đạt mục tiêu?
Kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày- túi xách hết tháng 11 mới chỉ đạt mức tăng trưởng trên 8%, xa với mục tiêu 10% đã đề ra.
Nhiều lý do đã được đề cập khi phân tích về nguyên nhân dẫn đến việc khó đạt mục tiêu xuất khẩu đã đề ra. Bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn đã kéo theo việc sụt giảm lượng nhập khẩu tại nhiều thị trường lớn của ngành hàng da giày của Việt Nam.
Mặc dù không đạt kết quả xuất khẩu như mục tiêu đã đề ra trong năm 2016, nhưng xuất khẩu da giày cũng đã đạt được những thành công nhất định khi giữ được nhịp độ sản xuất tốt, lượng đơn hàng ổn định và giữ vững thị trường.
LH (Nguồn VP Bộ CT)