Sau hơn 4 năm hoạt động, đến thời điểm này, Cty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình (Nhà máy Đạm Ninh Bình) đang gặp nhiều khó khăn và phải dừng sản xuất. Nhiều người đã phải xin chấm dứt hợp đồng lao động, tìm việc khác. Một số công nhân (CN) được bố trí thay phiên nhau làm việc. Còn gần 400 CN phải nghỉ việc tạm thời và được hưởng lương, tuy nhiên, họ vẫn nuôi hy vọng được trở lại làm việc tại nhà máy.
Chia sẻ và mong gắn bó với Cty
Theo ông Nguyễn Văn Minh - PGĐ Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình - từ đầu năm đến nay, việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, càng sản xuất càng thua lỗ. Sản lượng thành phẩm tồn kho của nhà máy còn rất lớn nên nếu tiếp tục sản xuất sẽ càng gặp khó khăn. Trước tình thế bất khả kháng, nhà máy đã phải bố trí cho một số lượng lớn CN nghỉ việc tạm thời và vẫn được hưởng lương theo quy định.
Ông Minh cho hay, nhà máy đã phải ngừng sản xuất từ cuối tháng 7.2016. Từ khi ngừng sản xuất, ban lãnh đạo Cty đã bố trí cho 334 CN nghỉ việc tạm thời và hưởng mức lương tối thiểu vùng là 3,1 triệu đồng/người/tháng. “Hiện tại, Cty vẫn đang duy trì cho 606 CN làm việc luân phiên tại nhà máy, làm công việc bảo dưỡng máy móc và dọn dẹp lại trong khuôn viên. Việc duy trì, đảm bảo tốt các chế độ giúp chúng tôi giữ chân được NLĐ, khi nhà máy hoạt động trở lại sẽ bố trí công việc cho họ” - ông Minh nói. Đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 23 CN xin chấm dứt hợp đồng và chuyển công tác đi nơi khác. Đối với những trường hợp này, Cty đã giải quyết mọi chế độ của NLĐ theo quy định của pháp luật.
“Để khắc phục khó khăn, Cty tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, làm mới hình thức bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm để sớm tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho. Ban lãnh đạo Cty đang xây dựng kế hoạch để nhà máy hoạt động sản xuất trở lại vào giữa tháng 12.2016” - ông Minh cho hay.
Anh Phạm Thanh Tuấn - CN Cty - cho biết, việc nhà máy dừng sản xuất khiến thu nhập có bị giảm hơn so với trước. Tuy nhiên, theo anh Tuấn, lãnh đạo Cty vẫn thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và trả lương theo quy định và được Cty đóng bảo hiểm theo hệ số lương. “Tôi đã làm việc ở đây được hơn 4 năm, kể từ ngày nhà máy đi vào hoạt động. Là người Ninh Bình nên tôi cũng muốn được gắn bó và tiếp tục làm việc lâu dài tại nhà máy” - anh Tuấn nói.
Nguyện vọng của anh Tuấn và nhiều công nhân khác là mong muốn được tiếp tục gắn bó lâu dài với nhà máy. “Trong lúc Cty cho nghỉ việc tạm thời tôi tranh thủ đi liên hệ tìm công việc làm tạm thời khác ở bên ngoài, vừa để kiếm thêm thu nhập, đồng thời chờ nhà máy hoạt động để được trở lại làm việc” - CN Đỗ Văn Mười nói.
Công đoàn sát cánh cùng Cty và công nhân
Theo ông Phạm Đức Hậu - Chủ tịch CĐ Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình - việc cho CN nghỉ việc tạm thời hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của đơn vị. Trước khi cho CN nghỉ, ban lãnh đạo đã họp bàn với CĐ và NLĐ, trên tinh thần tự nguyện, chia sẻ, đã có 334 CN tự nguyện ký vào đơn nghỉ việc tạm thời. Trong thời gian nghỉ tạm thời, NLĐ được hưởng lương theo quy định. Ban lãnh đạo Cty cũng cam kết sẽ nhận CN quay trở lại làm việc ở vị trí như trước khi nghỉ và bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Đồng thời, trong thời gian nghỉ NLĐ vẫn được Cty đóng bảo hiểm theo mức lương, đảm bảo các chế độ về thai sản, ốm đau, hiếu hỷ, sinh nhật… cho NLĐ. Bên cạnh đó, trong thời gian nghỉ chờ việc, các cấp lãnh đạo, CĐ ngành Công Thương, CĐ Công nghiệp hóa chất cũng thường xuyên quan tâm hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân với tổng số tiền 300 triệu đồng.
Ông Lê Đình Việt - Phó Chủ tịch LĐLĐ Ninh Bình - cho biết, mặc dù CĐ Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình trực thuộc CĐ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tuy nhiên, nhà máy đóng trên địa bàn tỉnh, LĐLĐ Ninh Bình đã cử cán bộ đến tìm hiểu sự việc và phối hợp với đơn vị để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quyền lợi của NLĐ. Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vẫn thực hiện đúng quy trình quản lý, sử dụng lao động. Việc cho CN nghỉ tạm thời là hướng giải quyết trước mắt, nằm trong thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và NLĐ, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Không xảy ra tình trạng tranh chấp giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động tại nhà máy.
Nguồn Báo Lao động