Gõ từ khóa” Bộ Công Thương bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính” cho 471.000 kết quả trên Google. Các bài viết đưa thông tin: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký Quyết định số 4846 về việc phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ 15 thủ tục và đơn giản hóa 108 thủ tục trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc phạm vi Bộ quản lý. Đây được xem là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương nhiều năm nay. Tuy nhiên, về số lượng thủ tục hành chính được bãi bỏ và đơn giản hóa trên một số báo đưa số liệu không giống nhau.
Tình hình mưa lũ tại tỉnh Phú Yên đang là chủ đề được các báo tiếp tục đăng tải. Mực nước trên các sông dâng cao trở lại, cộng với thuỷ điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh và Krông H’Năng tăng cường lưu lượng xả lũ khiến hạ lưu sông Ba trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị ngập nặng. Nước lũ kết hợp với đỉnh triều đạt mức đã khiến thành phố Tuy Hòa, Phú Yên và các vùng hạ lưu Sông Ba ngập lụt nặng, dân trở tay không kịp.
86% số lao động ngành dệt may, da giày có nguy cơ mất việc do robot cũng là thông tin đáng chú ý được báo chí, dư luận quan tâm. Báo chí phản ánh, ngành dệt may, da giày sử dụng nhiều lao động là hai ngành bị đe dọa nhiều nhất về việc làm trước sự thay đổi công nghệ. Theo ILO, trong năm 2015, một nhà máy may của nước ngoài hoạt động tại Việt Nam đã sử dụng máy cắt tự động, mỗi máy thay thế 15 công nhân trong công đoạn cắt.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Hiệp hội Xăng dầu cầu cứu Thủ tướng "đòi" Bộ Tài chính 57,6 tỷ đồng tiền thuế; EVN yêu cầu các đơn vị rà soát sử dụng xe công; Việt Nam trở thành kho nhôm của thế giới với nguy cơ bị kiện vạ lây; TKV xin lùi dự án thép 2 triệu tấn/năm; Xuất khẩu gạo giảm kỷ lục vì coi thường người tiêu dùng?; Vấn đề liên quan tới hoạt động bán hàng đa cấp.
Thông tin cụ thể:
1. Hiệp hội Xăng dầu cầu cứu Thủ tướng "đòi" Bộ Tài chính 57,6 tỷ đồng tiền thuế.
Sau nhiều kiến nghị bất thành, mới đây Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng xin chỉ đạo Bộ Tài chính hoàn trả số tiền hơn 57,6 tỷ đồng mà Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) của Hiệp hội này đã tạm nộp vì quyết định ấn định thuế được cho là không đúng của cơ quan hải quan. Vì cơ quan Hải quan cáo buộc 03 lô hàng xăng dầu mà công ty này nhập khẩu bất hợp pháp, không đủ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O.
Trong văn bản do ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam ký gửi lên Thủ tướng khẳng định, PV OIL có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của 03 lô hàng xăng dầu nhập khẩu hoàn toàn hợp pháp, có xuất xứ rõ ràng. Việc thiếu chữ ký trên các C/O là khách quan vì PV OIL cũng cần các C/O hợp lệ để được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt ATIGA và thực tế việc này không làm thay đổi bản chất của các C/O.
Trước khi Hiệp hội Xăng dầu gửi kiến nghị lên Thủ tướng, PV OIL và Bộ Công Thương cũng đã có văn bản kiến nghị Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính giải trình vấn đề xung quanh C/O đối với 03 lô hàng bị cáo buộc chưa rõ ràng dẫn đến bị quyết định thu thuế sau đó. Đồng thời, chính doanh nghiệp này cũng đề nghị lập đoàn thanh tra của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan sang Singapore để truy xuất nguồn gốc lô hàng và doanh nghiệp mà PV OIL nhập khẩu. Tuy nhiên, mọi biện pháp đều vô ích, quyết định ấn định thuế vẫn được thực hiện.
2. EVN yêu cầu các đơn vị rà soát sử dụng xe công.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản gửi các đơn vị thành viên tập đoàn yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc rà soát, sắp xếp ô tô theo đúng tiêu chuẩn định mức, tiết kiệm chi phí sử dụng xe ô tô. EVN yêu cầu các đơn vị thành viên chấp hành nghiêm túc các quy định mua sắm, sử dụng xe công theo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ, quản lý, sử dụng tại Quyết định 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, thực hiện rà soát, sắp xếp xe ô tô công hiện có để sử dụng hiệu quả. Không giữ lại xe đã đủ điều kiện thanh lý và không còn nhu cầu sử dụng. EVN cũng yêu cầu các đơn vị báo cáo tập đoàn các trường hợp mua xe ô tô mới để thực hiện việc theo dõi quản lý.
3. Vụ “Việt Nam trở thành kho nhôm của Thế giới?”: Nguy cơ bị kiện vạ lây.
Sau bài “Việt Nam thành kho nhôm của Thế giới?” ngày 13/12 trên báo Tuổi trẻ, hôm nay báo này tiếp tục phản ánh: Trong khi chờ cơ quan chức năng làm rõ lượng lớn nhôm đang nằm kho ngoại quan sử dụng vào mục đích gì, nhiều chuyên gia cho rằng cần cảnh giác việc lợi dụng nguồn gốc xuất xứ (C/O) từ Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang các nước.
Theo ông Phạm Chí Cường - chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim Việt Nam, hiện Việt Nam chưa sản xuất được nhôm do chưa điện phân được alumin nên “có thể nói Việt Nam chưa có ngành sản xuất nhôm”. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sưa - phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) - cho rằng “cần hết sức cảnh giác” với kho nhôm này. Theo ông Sưa, cách đây ba năm, Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) từng sang làm việc với VSA do nghi ngờ sản phẩm tôn mạ từ Việt Nam xuất sang EU có dấu hiệu gian lận xuất xứ nguồn gốc.
4. TKV xin lùi dự án thép 2 triệu tấn/năm.
Trong văn bản vừa gửi Thủ tướng, Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho hay, thị trường thép Thế giới đang biến động nên muốn lùi thời gian thực hiện dự án thép 2 triệu tấn/năm tại Hà Tĩnh sau năm 2020 để nghiên cứu kỹ hơn.
Đây là dự án đã được Bộ Công Thương thông qua thiết kế cơ sở từ năm 2010, được Bộ Tài nguyên & Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường một năm sau đó. Tuy nhiên, TKV cho hay, theo kết quả thẩm định của cơ quan tư vấn và ý kiến các cổ đông đã bày tỏ lo ngại về việc dự án có suất đầu tư lớn và công nghệ chưa phù hợp với nguồn quặng sắt mỏ Thạch Khê.
5. Xuất khẩu gạo giảm kỷ lục vì coi thường người tiêu dùng?.
Tại Hội thảo “Định hướng xuất khẩu gạo Việt Nam” tổ chức sáng 13/12 tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, nếu doanh nghiệp còn coi thường người tiêu dùng, vẫn sản xuất chế biến trên nền nhà bẩn thỉu, silo thì có vấn đề, quạt thông gió không chạy... như hiện nay thì ngành gạo khó mà phát triển xa được.
Còn theo ông Huỳnh Thế Năng – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thay vì phải chạy đôn chạy đáo tìm đường xuất khẩu, bất chấp giá cả, chất lượng... như hiện nay, Việt Nam cần định dạng lại sản lượng gạo hàng hóa cho xuất khẩu. Với định hướng trong ngắn hạn đến năm 2020, chỉ nên xuất khẩu ở mức 2-3 triệu tấn/năm thay vì 7-8 triệu tấn/năm như hiện nay.
Đây cũng là lần đầu tiên trong 10 năm qua, xuất khẩu gạo cả nước giảm xuống mức thấp kỷ lục. Có doanh nghiệp cả năm không xuất khẩu được hạt gạo nào.
6. Vấn đề liên quan tới hoạt động bán hàng đa cấp.
Cục Quản lý cạnh tranh- Bộ Công Thương tiếp tục cung cấp các thông tin về việc xử lý, làm lành mạnh hóa hoạt động bán hàng đa cấp được người dân và báo chí quan tâm. Mới đây, Cục này thông tin, đã chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Japan Life Việt Nam (80 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên phạm vi toàn quốc. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày ban hành thông báo này, Công ty Cổ phần Japan Life Việt Nam có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đối với người tham gia bán hàng đa cấp.
Liên quan tới bán hàng đa cấp, cơ quan công an điều tra sai phạm tại Công ty đa cấp MLM. Để phục vụ công tác điều tra, Bộ Công an đã đề nghị Bộ Công Thương cung cấp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra toàn bộ tài liệu liên quan tới hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp của MLM Việt Nam. Theo nguồn tin của báo điện tử Dân trí cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C44) đang kiểm tra, xác minh Đơn tố cáo Công ty cổ phần Đầu tư sản xuất và Thương mại MLM Việt Nam trụ sở tại Hà Nội do có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
LH (Nguồn VP Bộ CT)