Thông tin xung quanh Hội nghị đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung – Tây Nguyên ngày 6/12 tại Đà Nẵng đã thu hút được sự chú ý, quan tâm của dư luận. Trên các báo ra ngày hôm nay 7/12 đăng tải nhiều bài viết xung quanh nội dung này.
Các bài viết nhấn mạnh: Lần đầu tiên, một cuộc đối thoại có đại diện các bên gồm nhà máy thủy điện, chính quyền và các chuyên gia sông ngòi để lắng nghe ý kiến của người dân bị tác động bởi thủy điện. Các bài báo phản ánh, dẫn nhiều ý kiến nhận xét của các chuyên gia về hệ lụy từ thủy điện, vấn đề cần xem lại việc xây dựng quy trình vận hành hiện nay, sự phối hợp liên hồ đã ổn hay chưa... Theo Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), thủy điện gây ra rất nhiều hậu quả không thể khắc phục. Đó là tình trạng khô hạn trầm trọng, thiếu hụt nguồn nước tưới cà phê, hồ tiêu tại Tây nguyên do các thủ điện rên sông Sêrêpôk ngăn nước. Hay ở thủy điện Buôn Kuôp, người dân lòng hồ thủy điện được dời đến những khu tái định cư chật chội, mất vệ sinh và thiếu đất chăn nuôi, trồng trọt... Những tác động tiêu cực đó bị bỏ qua trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Câu chuyện về những bản đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện một lần nữa lại được mang ra mổ xẻ, một số ý kiến cho rằng những bản đánh giá tác động môi trường của các đơn vị khoa học vốn quá thiếu, quá yếu về chất lượng. Nguyên nhân là một phần do không có nguồn kinh phí độc lập, một phần do hiện nay chưa có quy chuẩn nào để công nhận các đơn vị đủ tư cách pháp nhân làm việc này.
Thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước sau 1 năm cổ phần hóa phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để công khai minh bạch, chống lợi ích nhóm. Để thất thoát tài sản nhà nước là có lỗi với nhân dân cũng được nhiều báo quan tâm đăng tải.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: 6 Hiệp hội truy "một doanh nghiệp lớn" đứng sau tài trợ khảo sát nước mắm; Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ; Công ty con của Petrolimex trả lại cổ đông 100 tỷ đồng.
Thông tin cụ thể như sau:
1. 6 Hiệp hội truy "một doanh nghiệp lớn" đứng sau tài trợ khảo sát nước mắm.
Dân trí phản ánh, 6 Hiệp hội gồm: Hiệp hội nước mắm Phú Quốc, Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, Hiệp hội nước mắm Nha Trang, Hiệp hôi nước mắm Cát Hải, Hội Lương thực thực phẩm TPHM và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vừa có kiến nghị gửi lên các bộ ngành về các giải pháp phát triển nước mắm truyền thống, làm rõ đơn vị chủ trì việc tài trợ cho Công ty TNHH Liên doanh T&A Ogilvy để tiến hành các hoạt động vừa qua dẫn đến sự cố “nước mắm truyền thống nhiễm asen”.
Về việc Vinastas đăng tải văn bản xin lỗi vào ngày 24/11, nhóm các nhà sản xuất nước mắm cho rằng “Qua nội dung văn bản xin lỗi, chúng tôi cho rằng Vinastas chưa thật sự thấy lỗi quan trọng nhất của mình đó là: nhân danh Hội bảo vệ người tiêu dùng tiếp tay cho một doanh nghiệp để làm hại cho những doanh nghiệp khác; hành động này không chỉ lừa dối người tiêu dùng, đi ngược lại tên gọi của hội mà còn tạo nên một thị trường cạnh tranh không lành mạnh, tạo thế mạnh cho doanh nghiệp lớn chèn ép các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm theo phương pháp truyền thống; Văn bản này cũng không nêu trách nhiệm đền bù của Vinastas vì đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống.
2. Ống thép Hòa Phát không bị áp thuế chống bán phá giá vào Mỹ.
Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC) vừa ra phán quyết cuối cùng, quyết định không áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với ống thép các-bon (mã HS 7306) từ Việt Nam sang Hoa Kỳ. Trong khi đó hàng xuất khẩu từ các nước UAE, Pakistan và Oman đều phải chịu thuế CBPG. Ống thép Hòa Phát xuất khẩu sang Mỹ sẽ không phải chịu thuế CBPG. Đây là tin rất tích cực đối với các công ty xuất khẩu ống thép Việt Nam khi không phải chịu thuế CBPG vào thị trường Hoa Kỳ, trong khi 3 nước còn lại phải chịu thuế CBPG.
Kết quả trên là nhờ sự quyết tâm theo đuổi đến cùng vụ việc của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Ống thép Hòa Phát. Có thể coi đây là bài học kinh nghiệm điển hình khi tham gia thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong quan hệ kinh tế với các đối tác Hoa Kỳ. Kết luận của USITC cũng chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam đang dần lớn mạnh, sẵn sàng đương đầu với những thử thách trên thị trường quốc tế.
3. Công ty con của Petrolimex trả lại cổ đông 100 tỷ đồng.
Theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông tổ chức vào tháng 4, Hội đồng quản trị Công ty Đầu tư và Dịch vụ hạ tầng Xăng dầu (PLand) dự kiến hoàn tiền cho cổ đông để giảm vốn điều lệ còn một nửa. Theo đó, PLand với vốn điều lệ hiện tại là 200 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn trả 50% vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu tại ngày chốt danh sách thực hiện quyền hoàn trả vốn. Giá trị hoàn trả là 10.000 đồng một cổ phiếu và chi bằng tiền mặt. Nguồn vốn thực hiện là toàn bộ nguồn vốn chưa giải ngân hết của đợt phát hành tăng vốn năm 2010 và vốn chủ sở hữu.
Thời gian thực hiện dự kiến bắt đầu từ ngày 18/12, trong đó thời gian chốt danh sách cổ đông để thực hiện hoàn trả vốn góp là ngày 12/12. Hiện cổ đông lớn nhất của PLand là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với sở hữu 51%, ước tính việc giảm vốn sẽ mang lại cho tập đoàn 51 tỷ đồng.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)