banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 5/12
Cập nhật lúc 09:40 ngày 06/12/2016

Đáng chú ý trong thông tin báo chí ngày hôm nay 05/12, trên Tuổi trẻ có bài phản ánh “Quy chuẩn “ưu ái” ngành gây ô nhiễm”, tác giả nhấn mạnh: Quy chuẩn môi trường Việt Nam đang “ưu ái” cho những ngành gây ô nhiễm như thép, giấy và bột giấy… khi một số chỉ tiêu về môi trường được hạ thấp hơn so với quy chuẩn chung.

Theo bài viết thì thép, giấy được nới lỏng. Đặc biệt, với nước thải, ngành thép chỉ cần đáp ứng 12 chỉ tiêu trong khi quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp yêu cầu đảm bảo 33 chỉ tiêu. Đáng chú ý trong 12 chỉ tiêu ấy, chỉ tiêu quan trọng về xyanua đã được “nới”. Nếu quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp cho phép hàm lượng xyanua 0,1mg/lít khi xả thải vào nguồn nước không được dùng vào mục đích cấp nước sinh hoạt thì ngành thép được thải với hàm lượng 0,5mg/lít, cao gấp 5 lần.


Ngành giấy và bột giấy cũng được “ưu ái”. Nếu quy chuẩn chung có 33 chỉ tiêu về môi trường thì nước thải ngành giấy và bột giấy chỉ quy định có 8 chỉ tiêu (dù ban hành năm 2015). Trong đó, chỉ tiêu về dioxin được quy định đến ngày 1-1-2018 mới áp dụng. Như vậy, hiện nước thải của cơ sở đang sản xuất giấy, bột giấy... chỉ có 7 chỉ tiêu được giám sát. Trong số 7 chỉ tiêu ít ỏi trên thì chỉ tiêu về BOD được lùi xuống 3 lần.

Bài báo dẫn lời của TS. Trần Thế Loãn “Thi thoảng lại thấy ra một cái quyết định điều chỉnh quy hoạch, khi đó đương nhiên mọi tính toán về môi trường đều bị phá vỡ”.

Trong bài viết dài kỳ của Báo Nông thôn ngày nay có nhan đề “Thủy điện Hố Hô - lợi bất cập hại: Người dân vùng hạ du khốn khổ” phản ánh: Hàng ngàn hộ dân ở vùng hạ du thủy điện Hố Hô mùa mưa thì ngập lũ, còn mùa hè không chỉ sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng mà nguồn nước uống của người dân sống dưới chân đập thủy điện cũng thiếu trầm trọng.

Bài viết nhấn mạnh:  Mỗi lần kiểm tra nhà máy, các cơ quan chức năng lại ngã ngửa với vô số bất cập trong việc vận hành xã lũ. Đi sâu tìm hiểu cho thấy nhà máy thủy điện Hố Hô không chỉ là “nỗi sợ hãi” với người dân vùng hạ du mà còn khiến cuộc sống của người dân bấp bênh hơn...

Từ ngày xây dựng nhà máy thủy điện Hố Hô, hàng ngàn người dân huyện Hương Khê ăn không ngon, ngủ không yên. Cho đến bây giờ người dân huyện Hương Khê vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự cố kỹ thuật, công trình thuỷ điện Hố Hô không mở được cửa thoát lũ vào tháng 10.2010. Năm đó, do sự cố vận hành của nhà máy không mở được cửa xả, nước lũ đã vượt qua thân đập cao gần 2m so với cao trình 72m khiến hàng ngàn hộ dân nằm ngay dưới chân đập như xã Hương Trạch, Phúc Trạch phải sơ tán khẩn cấp trong đêm.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh:Bộ Công Thương quyết giảm thủ tục cấp điện cho người dân; Tiền ảo Bitcoin sẽ được siết chặt quản lý; Có thể lùi thời gian thoái vốn tại Habeco, Sabeco.

 Thông tin cụ thể như sau:    

1. Bộ Công Thương quyết giảm thủ tục cấp điện cho người dân.

Trên nhiều bài báo đưa tin: Bộ Công Thương ban hành thông Thông tư 24 theo hướng rút ngắn gần thời gian tiếp cận điện năng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Thông tư 24 được coi là bước cải cách mới của Bộ Công Thương khi loại bỏ thủ tục xác nhận sự phù hợp với quy hoạch đối với tất cả các quy mô công trình và giúp cho thời gian thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng giảm được 3 ngày đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Tổng thời gian thực hiện các bước đối với cơ quan quản lý nhà nước giảm xuống tối đa là 15 ngày (đối với một số địa phương có thể gộp các bước thì thời gian thực hiện ngắn hơn), các đơn vị điện lực là 10 ngày.

2. Tiền ảo Bitcoin sẽ được siết chặt quản lý.


Chính phủ cùng các bộ ngành liên quan đang gấp rút thực hiện đề án “Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”.

Bản dự thảo đề án của Chính phủ cho rằng, pháp luật đã có quy định về tiền điện tử nhưng chua đầy đủ, hiện còn chưa thống nhất dẫn đến việc nhầm lẫn giữa tiền điện tử và tiền ảo. Đặt ra nguy cơ chảy máu ngoại tệ, gây bất ổn thị trường tài chính tiền tệ, bản đề án của Chính phủ đưa ra mục tiêu đánh giá đầy đủ, toàn diện về khung pháp lý để "quản" từng đối tượng.

Trên cơ sở này Chính phủ giao Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công Thương và các bộ ngành khác rà soát thực trạng pháp luật, thực tiễn về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử trước tháng 12/2017.

3. Có thể lùi thời gian thoái vốn tại Habeco, Sabeco.

Tiền phong 05/12 đưa tin: Theo các chuyên gia ngành bia rượu, việc niêm yết cả 2 cổ phiếu “hot” ngành bia rượu vào thời điểm hiện nay mang lại lợi nhuận rất lớn cho các nhà đầu tư. Tuy vậy, trước việc cổ phiếu Habeco hạ nhiệt, Sabeco bị mua vét, Bộ Công Thương có thể sẽ xin Chính phủ cho lùi thời hạn thực hiện thoái vốn khỏi Habeco và Sabeco.

Tiền phong nhấn mạnh: Báo cáo mới đây của Sabeco cho thấy, tính đến ngày 6/10/2016, Sabeco có tổng cộng 1.227 cổ đông. Bộ Công Thương là cổ đông lớn nhất nắm giữ 574,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 89,5%. Ngoài các cổ đông trong nước, Sabeco còn có 114 cổ đông ngoại nắm giữ tổng cộng 60,2 triệu cổ phiếu.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)