banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 22/11
Cập nhật lúc 07:30 ngày 22/11/2016

Báo chí trong ngày 22/11 vẫn tiếp tục theo sát và đưa thông tin về Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. Với đa số đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 83,16%, Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 của Luật Đầu tư vào sáng nay, sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đã chính thức được bổ sung vào danh mục những ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cùng với kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô.

Báo cáo giải trình việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày tại phiên họp cho hay, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, ô tô là sản phẩm có khả năng gây mất an toàn cao, vì vậy, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng cần phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt để đáp ứng yêu cầu của nhà sản xuất, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, bảo đảm an toàn giao thông, đồng thời cũng hạn chế tác động có hại từ các cơ sở cung cấp dịch vụ này tới môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Báo trong ngày cũng nóng vì thông tin Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cho biết một trong những việc đầu tiên ông làm ngay sau khi nhậm chức là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hãng Reuters đưa tin, Ông Trump hôm qua 21/11 đăng tải đoạn video thông báo một số công việc ông sẽ thực hiện khi chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng vào ngày 20/1 năm sau. Trong đó, ông xác nhận việc Mỹ sẽ không theo đuổi hiệp định thương mại TPP với 11 đối tác khác.

Ông Trump gọi TPP là "thảm họa tiềm ẩn với đất nước chúng ta". Từ khi tiến hành chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố ông phản đối các hiệp định thương mại tự do vì nó khiến người dân Mỹ mất việc làm.

TPP là nỗ lực mà Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama tích cực thúc đẩy nhiều năm qua. Mỹ và 11 quốc gia thành viên đầu tháng 10 năm ngoái hoàn tất đàm phán sau thảo luận kéo dài 5 năm. Thỏa thuận nhắm tới việc tự do hóa thương mại trong khu vực chiếm 40% nền kinh tế thế giới, các thành viên khác gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Đưa tin về tổ chức bộ máy của Bộ Công Thương, trên nhiều báo đưa tin: “Thay đổi, xáo trộn mạnh về tổ chức cán bộ của Bộ Công Thương”, các bài viết nhấn mạnh: Bộ Công Thương đã có "cuộc Diên Hồng", lấy ý kiến mọi cán bộ trong Bộ về dự kiến kiện toàn, tinh giản bộ máy cho phù hợp... Theo đó, sự cải cách hành chính rất lớn trong việc tinh giảm từ 35 đầu mối xuống chỉ còn 28 đầu mối.

Theo đánh giá của dư luận, có thể nói, đây là một sự kiện, một hành động, một giải pháp rất quyết liệt theo hướng "dùng người tài, không dùng người nhà".

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Nghệ An: Phát hiện 123 cửa hàng xăng dầu chưa đủ điều kiện kinh doanh; Nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu?; Thêm điều kiện kinh doanh ôtô, không bỏ điều kiện xuất khẩu gạo; Công nghiệp gây ô nhiễm: Việt Nam sẽ sớm vượt Trung Quốc?.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Nghệ An: Phát hiện 123 cửa hàng xăng dầu chưa đủ điều kiện kinh doanh. 


Theo Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh hiện có 675 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó có 123 cửa hàng, tàu bán lẻ xăng dầu chưa được cấp phép và giấy chứng nhận nhưng vẫn kinh doanh mặt hàng này.

Qua kiểm tra, ngành chức năng tỉnh Nghệ An đã phát hiện một số cửa hàng hoạt động còn mang tính tự phát, tự ý xây dựng không theo quy chuẩn, quy hoạch, không được cấp phép vẫn hoạt động kinh doanh...

2. Nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu? 

Quỹ BOG xăng dầu được xây dựng trên cơ sở trích lập lúc giá thấp để chi sử dụng khi có biến động giá tăng cao bất thường, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường. Tuy nhiên, trong suốt một khoảng thời gian dài, nhất là 2 năm trở lại đây, giá năng lượng luôn ở mức thấp, việc vừa thu vừa xả quỹ BOG trong điều hành giá xăng dầu vốn đã không phù hợp, cơ chế hình thành quỹ không lớn, không tạo được nguồn đủ để có thể hỗ trợ thị trường.

Một số chuyên gia cho rằng, giá năng lượng tại thị trường Việt Nam đang bị “bóp méo” bởi vẫn còn các chính sách trợ giá. Việc sử dụng Quỹ BOG xăng, dầu chưa phù hợp. Với một quốc gia đang nhập khẩu tới 70% nguồn xăng dầu thành phẩm từ nước ngoài, Việt Nam nên mạnh dạn bỏ Quỹ BOG xăng, dầu để đưa giá theo đúng quy luật thị trường.

Đánh giá về hoạt động điều hành thị trường sau 2 năm thực hiện NĐ 83, PGS.TS. Ngô Trí Long cho rằng, việc thực hiện NĐ 83 vẫn nảy sinh một số bất cập. Trong đó, mặc dù biên độ điều chỉnh giá đã được giảm xuống còn 15 ngày nhưng vẫn còn khá dài. Và mặc dù Bộ Công Thương khẳng định sẽ tiến tới định giá xăng dầu hàng ngày, nhưng điều này sẽ cần phải có thời gian.

3. Thêm điều kiện kinh doanh ôtô, không bỏ điều kiện xuất khẩu gạo. 

Luật Đầu tư sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 22/11 có thêm nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện từ 1/7/2017.

Xuất khẩu gạo vẫn cần điều kiện do là một ngành đặc thù, liên quan đến an ninh lương thực quốc gia, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu gạo của Việt Nam trên thị trường gạo quốc tế, do đó cần phải được quản lý chặt chẽ.

Liên quan đến một số nội dung còn ý kiến nhiều chiều đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu báo cáo giải trình cho biết, đa số đại biểu tán thành với việc giữ điều kiện kinh doanh đối với kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô. Đề xuất bổ sung ngành, nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô vào danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được 348/439 (chiếm 79,3% đại biểu) tán thành.  

4. Công nghiệp gây ô nhiễm: Việt Nam sẽ sớm vượt Trung Quốc? 

Hiện nay, Việt Nam chưa thành nước công nghiệp nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường đã rất nghiêm trọng. Mỗi năm Việt Nam thiệt hại do ô nhiễm môi trường tương đương với 5% GDP. Còn con số này của Trung Quốc là 10%. Nếu với đà tăng ô nhiễm như hiện nay, Việt Nam sẽ sớm vượt qua Trung Quốc về ô nhiễm.

Nghiên cứu của nhóm tác giả Ban phân tích và Dự báo, Trung tâm thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) nhận định: Mặc dù Việt Nam không phải quốc gia gây tác động nghiêm trọng tới quá trình nóng lên toàn cầu nhưng lại nằm trong nhóm 25 quốc gia thu nhập thấp, trung bình dẫn đầu về phát thải khí nhà kính hàng năm. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cố môi trường ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong trung và dài hạn. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)