banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 15/1
Cập nhật lúc 08:26 ngày 15/11/2016

Thông tin từ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV vẫn là tâm điểm của báo chí trong ngày. Sáng nay 15/11, Quốc hội  “nóng” về các vấn đề của ngành Công Thương khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Phiên chất vấn buổi sáng có hơn 20 đại biểu đặt câu hỏi, tranh luận với Bộ trưởng Công Thương về nhiều vấn đề nóng của Ngành. 

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận được nhiều câu hỏi chất vấn nhất của đại biểu Quốc hội.

Tại buổi chất vấn, nhiều đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi thẳng thắn với Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề nghị Bộ trưởng “trả lời thẳng, trả lời thật” với cử tri cả nước rằng: “Có hay không việc xuất hiện lợi ích nhóm trong việc bổ sung dự án vào quy hoạch?” và “có hay không việc Bộ đang chạy theo doanh nghiệp để làm dự án? Đầu tư theo quy hoạch hay quy hoạch theo đầu tư?”.

Nghị trường cũng sôi động khi Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội chất vấn Bộ trưởng Công Thương có dám từ chức nếu dự án thép Cà Ná gây hệ lụy, trước đó Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định dự án này được quy hoạch đúng quy trình.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giải trình các vấn đề “nóng” nhiều đại biểu cũng như các tầng lớp xã hội đặc biệt quan tâm. Về vấn đề xả lũ, sau khi nghe phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về việc vận hành, xả lũ của thủy điện, đại biểu Trần Thị Dung cho biết không thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng. Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Dung cho biết “vấn đề xả lũ xảy ra nhiều năm, từ năm 2013 tôi cũng đã chất vấn Thủ tướng về vấn đề này và cũng chính là thủy điện An Khê” và do câu trả lời chưa thỏa đáng nên bà Dung khẳng định "sẽ tiếp tục đeo đuổi vì đây là đòi hỏi, mong muốn của cử tri chứ không phải của đại biểu quốc hội”.

Giải thích với báo chí, đại biểu Trần Thị Dung cho biết thông báo đến dân mà dân không biết gì, thông báo 17g chiều xả lũ thì nước đã ba bề bốn bên, người dân không biết đi đâu, về đâu.

Chính quyền bắc loa kêu gọi bà con trèo lên các chỗ cao nhất. Cho đến nay tình hình không khả quan hơn. Bộ trưởng trả lời rằng Bí thư tỉnh ủy không biết vì chỉ báo đến Trưởng ban Phòng chống lụt bão tỉnh tức là Chủ tịch UBND tỉnh.Nhưng xin lỗi, khi đoàn công tác của Bộ Công Thương vào kiểm tra cũng không hề báo cho Trưởng ban. Chủ tịch UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng không biết BộCông Thương vào làm việc, nên chủ tịch huyện đến muộn 15 phút dù không được mời."Ở đây tôi nói vậy để chúng ta biết liệu người dân có được thông báo hay không. Bộ trưởng trả lời chất vấn lại nói gọi điện thoại, nhưng không ai nghe máy. Nói như vậy không được" - bà Dung nói.

Quốc hội sẽ ra nghị quyết dừng dự án điện hạt nhân. Chiều 14/11, Quốc hội có phiên thảo luận riêng về dự thảo nghị quyết về việc dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trao đổi với báo chí sau buổi thảo luận trên, đại biểu Lê Hồng Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cho biết, tất cả ý kiến thảo luận đều đồng thuận và đánh giá quyết định dừng làm điện hạt nhân là “quyết định dũng cảm sửa sai”, “giảm thiệt hại cho người dân và đất nước”.

Đáng chú ý là bài viết trên Tuổi trẻ 15/11 có nhan đề: “Dự án nhà máy Giấy đại dương: Nguy cơ ô nhiễm sông Tiền”. Tác giả bài viết phản ánh: Trong một tâm thư vừa được gửi đến UBND tỉnh Tiền Giang, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trình – Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá tác động môi trường Việt Nam đã thiết tha đề nghị địa phương này thu hồi dự án Nhà máy giấy Đại Dương, do những lo ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nhà máy giấy này sẽ xả thải ra kênh Năng rồi dẫn ra kênh Nguyễn Tất Thành và sông Bảo Định, sau đó đổ ra sông Tiền... Đây là những vị trí lấy nước mặt của các nhà máy nước lớn nhất tỉnh Tiền Giang, nguồn cung cấp nước ngọt cho hàng triệu dân tại địa phương. Chưa kể cuộc sống của người dân và sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nước thải, khí thải của nhà máy.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Mỗi ngày lãi hơn 15 tỷ, Petrolimex muốn lên sàn chứng khoán; Thủ tướng yêu cầu làm rõ những sai phạm dự án xơ sợi Đình Vũ; Sợi polyester Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá 72,56. 

Thông tin cụ thể như sau:       

1. Mỗi ngày lãi hơn 15 tỷ, Petrolimex muốn lên sàn chứng khoán. 

Báo chí đưa tin: Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong quý 3 vừa qua đạt gần 29.300 tỷ đồng doanh thu và 1.268 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Kết quả này nâng doanh thu 9 tháng của Petrolimex lên trên 88.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 4.064 tỷ đồng. So với năm trước, doanh thu của Tập đoàn giảm 22% do giá dầu thô thế giới bình quân chỉ còn 41,3 USD/thùng, giảm mạnh so với con số 51 USD/thùng của năm ngoái.

Tuy doanh thu giảm nhưng lợi nhuận Petrolimex lại tăng 56%. Tính trung bình, mỗi ngày Petrolimex lãi trên 15 tỷ đồng. Petrolimex cho biết, trong quý 4 này, Tập đoàn sẽ hoàn thiện thủ tục và hồ sơ để chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Trong năm 2016, hàng loạt tên tuổi lớn đã có động thái niêm yết cổ phiếu, như Habeco, Sabeco, ACV... Cũng trong quý cuối năm, Petrolimex sẽ phải hoàn thành đề án tái cấu trúc hệ thống kinh doanh xăng dầu. Petrolimex hiện có tổng tài sản 51.038 tỷ đồng, trong đó hơn 10.000 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền.

2. Thủ tướng yêu cầu làm rõ những sai phạm dự án xơ sợi Đình Vũ. 

Trên nhiều báo ra trong ngày đưa tin, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 368/TB-VPCP thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về Kết luận thanh tra việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học và dự án Nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ. Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ khi công bố chính thức Kết luận thanh tra và tiến hành xử lý sau thanh tra. 

Thủ tướng giao Bộ Công Thương tổ chức đánh giá hiệu quả của từng dự án, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án phát triển nhiên liệu sinh học trong thời gian tới phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh tế và yêu cầu bảo vệ môi trường. Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm tra, làm rõ thực trạng hoạt động của từng dự án, khẩn trương xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn, giải quyết những tồn tại và đề xuất biện pháp giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ.

3. Sợi polyester Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá 72,56 %. 

Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam là 34,81% - 72,56%.Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng mức thuế chống bán phá giá lên đến hơn 72% đối với sợi polyester (DTY) nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là quyết định cuối cùng trong vụ điều tra chống bán phá giá với mặt hàng sợi này tại một số nước vừa được Thổ Nhĩ Kỳ ban hành.

Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ cũng kiện chống bán phá giá một mặt hàng sợi khác nhập khẩu từ Việt Nam, Malaysia, Hy Lạp, Pakistan và Thái Lan. Theo Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, hiện một số doanh nghiệp đã chuyển hướng tăng cường xuất khẩu sợi sang các thị trường khác như Trung Quốc, đặc biệt là Hàn Quốc nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)