banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Chính sách đối với người lao động: Thực trạng và giải pháp hoàn thiện
Cập nhật lúc 08:20 ngày 03/11/2016

Chế độ chính sách đối với người lao động là một nội dung quan trọng gắn liền với quyền lợi thiết thực của người lao động. Nội dung này luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan, đơn vị và người lao động thuộc các ngành nghề khác nhau.

Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của nước ta cùng với việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hệ thống chính sách, pháp luật về lao động cũng được đổi mới, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Việc tạo ra hành lang pháp lý đã tạo điều kiện quan trọng cho việc hình thành và phát triển thị trường lao động, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động, nhất là chuyển đổi lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp - nơi có năng suất lao động thấp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên đáp ứng nhu cầu của thị trường, doanh nghiệp; tiêu chuẩn lao động cơ bản được bảo đảm, quan hệ lao động hình thành và hướng đến sự hài hòa ổn định; vấn đề an sinh xã hội, nhất là việc bảo đảm ổn định cuộc sống cho các đối tượng yếu thế, bị tác động trong quá trình công nghiệp hóa, của nền kinh tế thị trường được đặt ra và có sự quan tâm nhất định. Hệ thống chính sách, pháp luật lao động đã góp phần quan trọng trong việc sử dụng nguồn nhân lực có hiệu quả để phát triển và thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tận dụng tốt hơn cơ hội của thời kỳ dân số vàng cho sự nghiệp phát triển đất nước.


Trong những năm qua, quá trình hoàn thiện và thực hiện chính sách, pháp luật lao động đã đạt được những thành tựu đáng kể, cụ thể là:

Thứ nhất, hệ thống chính sách, pháp luật về lao động đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với Hiến pháp năm 2013; phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 1994, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động và đã qua 4 lần sửa đổi, bổ sung. Năm 2012, Quốc hội đã ban hành Bộ luật Lao động sửa đổi trên cơ sở kế thừa những nhân tố phù hợp của Bộ luật Lao động năm 1994 và sửa đổi những điểm bất hợp lý, bổ sung nhiều điểm mới cho phù hợp với quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Ngoài ra, Quốc hội còn ban hành Luật Việc làm năm 2013, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015,… Quốc hội cũng đang nghiên cứu xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu, Luật Quan hệ lao động. Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành cũng ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các luật nêu trên.

Thứ hai, thị trường lao động tiếp tục phát triển trên cơ sở các yếu tố bền vững hơn, như nguồn cung lao động dồi dào, chất lượng nguồn lao động được cải thiện và tăng dần để đáp ứng yêu cầu. Việc mở cửa hội nhập cũng là áp lực lớn để yếu tố “cung” của thị trường lao động phải đổi mới nâng cao chất lượng. Hệ thống dịch vụ kết nối có sự phát triển đa dạng, số việc làm tăng, chất lượng việc làm dựa trên tiêu chí ổn định và tăng thu nhập tiếp tục được cải thiện. Các tiêu chuẩn về tuổi làm việc, giờ làm thêm, tiền lương tối thiểu được quan tâm và quy định cụ thể. Các thiết chế hỗ trợ quan hệ lao động hài hòa ổn định như cơ chế đối thoại, thương lượng, hệ thống hòa giải, trọng tài được tăng cường. Hoạt động của Ủy ban Quan hệ lao động, Hội đồng Tiền lương quốc gia bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Việc cải thiện điều kiện lao động; bảo đảm môi trường làm việc an toàn được nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Các chính sách an sinh xã hội mà trong đó trọng tâm là các chính sách bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm hưu trí bổ sung, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đều được quy định khá chi tiết theo hướng mở rộng đối tượng tham gia, bảo đảm tính bền vững của chính sách, từng bước thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng, cải cách, đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao tính chuyên nghiệp trong cung cấp dịch vụ cho người tham gia.

Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về chế độ, chính sách cho người lao động được tăng cường nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, kiểm tra, thanh tra giám sát việc thực hiện, qua đó ý thức chấp hành của người sử dụng lao động và người lao động được nâng lên. Nhiều doanh nghiệp coi người lao động là nguồn lực quý giá nên đã xây dựng hệ thống chính sách riêng áp dụng trong doanh nghiệp: tôn trọng quá trình trao đổi, thương lượng, thực hiện, quy chế dân chủ tại nơi làm việc tạo môi trường, văn hóa của doanh nghiệp hướng tới người lao động.

Thứ tư, các bộ, ngành chức năng, các địa phương quan tâm thực hiện các giải pháp nêu trong Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 05-6-2008, của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; Chỉ thị số 52- CT/TW, ngày 09-01-2016, của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất và Chỉ thị số 07/CT-TTg, ngày 02-3-2012, của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Các địa phương đã triển khai xây dựng khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các công trình nhà trẻ, nhà mẫu giáo, khu vui chơi giải trí… Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn một số khó khăn, thách thức đang đặt ra:

Một là, hệ thống chính sách, pháp luật lao động tuy đã được hoàn thiện song vẫn phải tiếp tục được đánh giá để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, nhất là các chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động và chi phí của doanh nghiệp như tiền lương tối thiểu, giờ làm thêm, bảo hiểm xã hội... Đây là những chính sách liên quan chặt chẽ giữa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Vì vậy, cần phải tăng cường đối thoại, thương lượng để phương án lựa chọn bảo đảm tính hài hòa, tạo động lực làm việc cho người lao động và sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp hoạt động.

Hai là, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện, thúc đẩy việc hình thành các thiết chế hòa giải có trọng tài để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định, giảm thiểu tranh chấp, đình công, đẩy mạnh hoạt động hòa giải tại tòa án, sớm thực hiện các hoạt động tố tụng lao động để hỗ trợ giải quyết tranh chấp cá nhân và tranh chấp tập thể.

Ba là, tính ổn định và bền vững của thị trường lao động vẫn là thách thức trong thời gian tới. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh công tác dự báo, định hướng thị trường, đổi mới mạnh mẽ dịch vụ kết nối tư vấn việc làm với nhiều hình thức tạo sự linh hoạt của thị trường, góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu lao động, sự dụng hiệu quả nguồn nhân lực.

Bốn là, năng suất lao động ở nước ta đang đứng trước những thách thức to lớn, tốc độ tăng chậm lại, làm cho khoảng cách giữa nước ta với các nước tiếp tục giãn ra. Nhân tố góp phần tăng năng suất lao động chính là đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động cũng như tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật cho người lao động cần phải được quan tâm, thực hiện mà trước hết phải đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề theo yêu cầu thị trường.

Năm là, việc thực hiện tiêu chuẩn lao động về tiền lương, giờ làm thêm và bảo hiểm xã hội... đang tồn tại những nhân tố phức tạp, chứa đựng lợi ích khác nhau giữa các bên như người lao động và người đại diện cho người lao động mong muốn và yêu cầu phải sớm điều chỉnh để lương tối thiểu phải bảo đảm mức sống tối thiểu, trong khi người sử dụng lao động lại cho rằng, mức lương tối thiểu điều chỉnh mức tăng cao liên tục sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng đến việc mở rộng đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động. Hoặc vấn đề giờ làm thêm khống chế tối đa 300giờ/năm cũng là vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp làm việc theo đơn đặt hàng, nguyện vọng của người lao động cũng như góp phần tăng năng suất lao động.

Vấn đề cuối cùng là việc nâng cao chất lượng công chức thực thi công vụ trong lĩnh vực lao động cũng như việc đơn giản các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng quản lý thông qua việc đưa công nghệ vào phân tích, dự báo và quản lý. Đây là công việc vừa cấp thiết, vừa lâu dài cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng cũng như có những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng.

Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

- Phát triển thị trường lao động cạnh tranh và chất lượng cao. Các chính sách về thị trường lao động cần phải được điều chỉnh để tạo điều kiện cho sự dịch chuyển cơ cấu lao động phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, chính sách và sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường lao động, hỗ trợ thiết thực việc phát triển thị trường lao động phù hợp với các thông lệ quốc tế và cam kết quốc tế của Việt Nam. Theo đó, các Trung tâm Giới thiệu việc làm chính là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động. Phát huy vai trò hiệu quả của sàn giao dịch việc làm của các thành phố trung tâm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các địa phương lân cận bảo đảm hiệu quả thông tin cung - cầu lao động được cập nhật chính xác, thường xuyên, liên tục, kịp thời, tạo kết nối nhiều mối quan hệ lao động mới.

- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mở ra nhiều cơ hội mới nhưng đồng thời cũng đặt ra những khó khăn và thách thức cho thị trường lao động Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu cấp bách hiện nay là đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Muốn vậy, cần phải nâng cao chất lượng cải cách hệ thống giáo dục - đào tạo trong tất cả các cấp, đổi mới nội dung phương pháp đào tạo; gắn nội dung đào tạo trong nhà trường với hoạt động thực tiễn của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; tăng cường thu hút nhân tài trong và ngoài nước phục vụ cho phát triển khoa học - công nghệ

- Xây dựng chế độ tiền lương, chính sách chăm sóc sức khỏe cho nhân viên một cách hợp lý. Cần có chế độ thưởng, phạt công khai, rõ ràng theo năng lực và thành tích cá nhân nhằm tạo động lực cho nhân viên phát huy hết khả năng mà họ đang có. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật với định hướng thanh kiểm tra để làm tốt công tác quản lý nhà nước, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những sai sót của doanh nghiệp, đồng thời phải xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi cố tình vi phạm pháp luật như vi phạm các quy định về an toàn - vệ sinh lao động, vi phạm chính sách về tiền lương, trốn tránh việc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc, cố tình chiếm dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, để nợ tồn đọng về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi và việc thực hiện chính sách đối với người lao động.

Phạm Minh Huân

TS, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

(Theo Tạp chí CS)