Các vấn đề thảo luận tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV vẫn là tâm điểm chú ý của dư luận trong ngày 2/11.
Các báo tiếp tục đưa tin thảo luận về tình hình đầu tư công, nợ công và ngân sách nhà nước, nhiều đại biểu cho rằng, nợ công tăng nhanh có nguyên nhân lớn từ việc phê duyệt đầu tư các dự án nghìn tỷ (gồm: Xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất) thiếu hiệu quả, lãng phí, thua lỗ tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước, các đại biểu Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu phải triệt để chống tham nhũng, kiên quyết nói không với những dự án đầu tư công có mùi lợi ích nhóm.
Nhà máy ethanol Phú Thọ sau 5 năm dừng thi công đã để hoang cho cỏ mọc
Nói về giải pháp xử lý, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý nợ công, quản lý ngân sách cũng như các chính sách theo đề án tái cơ cấu ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn nợ công. Ngoài ra, từng bước tái cơ cấu nợ công, cụ thể là đẩy mạnh nợ trong nước và giảm dần nợ nước ngoài; cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất nợ công.
Vấn đề về việc bổ nhiệm 44 lãnh đạo trong một Sở (Sở LĐTB&XH Hải Dương) cũng được báo chí tiếp tục khai thác, đưa tin bên lề kỳ họp ngày 1/11.
Đang còn những cách hiểu không đúng và những điều cần làm rõ trong Đề án Tái cấu trúc kinh tế giai đoạn 2016-2020 sẽ được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường vào ngày hôm nay 2/11.
Sau thông tin từ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc đầu tư các dự án nhiên liệu sinh học có vốn góp của Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và các đơn vị thành viên đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm khiến hàng ngàn tỉ đồng của nhà nước đổ sông đổ biển cũng thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo kết luận, cả 3 nhà máy ethanol sau khi đầu tư đi vào hoạt động đều thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại, toàn bộ vốn đầu tư với tổng số tiền đã thanh toán tính đến tháng 11/2014 là 5.401 tỷ đồng được cho là "chưa có hiệu quả".
Báo chí nhấn mạnh, ba dự án nhiên liệu sinh học của Tập đoàn dầu khí VN tại Bình Phước, Quảng Ngãi và Phú Thọ đã được đầu tư hơn 5.400 tỉ đồng nhưng đều trong tình trạng hết sức bi đát. Hai dự án tại Bình Phước và Quảng Ngãi đều đã hoàn thành nhưng không thể đi vào vận hành thương mại bởi nếu hoạt động sẽ lỗ lớn. Dự án ethanol Phú Thọ đã tạm dừng thi công nhưng vẫn mất hàng trăm tỉ đồng để trả lãi vay và quản lý.
Với hàng loạt sai phạm, Thanh tra Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý theo quy định của pháp luật đối với những vi phạm, khuyết điểm theo từng việc cụ thể.
Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Bộ Công Thương công bố đường dây nóng xử lý xuất nhập khẩu; Nghi ngờ thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam lẩn tránh thuế; Nhà máy nhiệt điện chạy “chui”.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương công bố đường dây nóng xử lý xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương vừa lập đường dây nóng (04. 22205531) nhằm tiếp nhận các ý kiến phản ánh, kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thủ tục hành chính của Bộ Công Thương và các bộ ngành khác liên quan hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Thời gian tiếp nhận thông tin qua Đường dây nóng vào giờ hành chính của các ngày làm việc trong tuần.
2. Nghi ngờ thép cuộn nhập khẩu vào Việt Nam lẩn tránh thuế, là bài viết trên báo Thanh niên 2/11.
Bài viết nêu: Theo HH Thép VN (VSA), hiện đang tồn tại hiện tượng lẩn tránh thuế tự vệ bằng cách khai chuyển mã số HS. Lượng thép cuộn nhập khẩu theo các mã HS không thuộc đối tượng áp thuế tăng lên đột biến. Cùng với sự gia tăng về lượng nhập khẩu là sự gia tăng hơn gấp đôi số lượng doanh nghiệp thương mại hoàn toàn mới chuyên nhập khẩu các loại thép cuộn không thuộc danh mục bị áp thuế. Do vậy, VSA kiến nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) xem xét hành vi lẩn tránh thuế tự vệ thương mại theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng thuế tự vệ đối với các mặt hàng thép cuộn.
3. Nhà máy nhiệt điện chạy “chui” là tiêu đề bài viết Kỳ 1 của loạt bài viết dài kỳ “Hóa giải nỗi lo ô nhiễm môi trường” được báo Tuổi trẻ bắt đầu đăng tải từ ngày 2/11.
Theo nội dung bài viết, dù chưa được cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường nhưng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 ở tỉnh Trà Vinh (chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực VN (EVN)) đã phát điện thương mại suốt 10 tháng qua.
Ông Đỗ Diễn Tài, Phó GĐ BQL DA Nhiệt điện 3, xác nhận hiện tại Bộ TN-MT vẫn chưa cấp giấy xác nhận này cho NMNĐ Duyên Hải 1. Ngoài ra, Nhà máy cũng chưa được cấp phép sử dụng nguồn nước và giấy phép xả thải vào nguồn tiếp nhận. Trong khi đó hằng ngày Nhà máy này sử dụng và thải ra môi trường một lượng nước rất lớn. Bộ TN-MT cũng đã kiểm tra, lấy mẫu phân tích xem nước thải ra biển có an toàn không nhưng chưa trả lời cho Tuổi Trẻ biết kết quả.
Đoàn công tác của Bộ TN-MT đã vào làm việc với Công ty Nhiệt điện Duyên Hải. Bộ đang thu xếp mời các chuyên gia họp xem xét, đánh giá các vấn đề tồn tại của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, trong đó có việc chủ đầu tư thay đổi công nghệ thải xỉ ướt thành khô. Hiện bộ chưa kết luận có chấp thuận cho EVN thay đổi công nghệ thải xỉ hay không.
Bài viết cũng cho biết, Bộ Công Thương đã công bố hàng loạt nhà máy có nguy cơ ô nhiễm. Nhiều nhà máy chưa vào danh sách nhưng cũng khiến người dân điêu đứng. Cần giải pháp đồng bộ để hài hòa lợi ích kinh tế với đời sống người dân.