Trong ngày 31 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí tập trung đăng tải một số thông tin về kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. Các báo cho biết, trong tuần này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho ý kiến về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tài chính 5 năm; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016 - 2020. Tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trình bày về Dự án Luật Quản lý ngoại thương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và các đại biểu cơ bản tán thành nội dung dự án, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động ngoại thương.
Bên cạnh đó, báo chí tiếp tục phản ánh một số vấn đề nổi bật tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 10/2016, về việc xử lý nghiêm “vụ nước mắm”, vấn đề xung quanh kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 có các vi phạm, khuyết điểm gồm: thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo đạo, chỉ đạo, vi phạm các quy định của Đảng, nhà nước về công tác cán bộ.
Các vấn đề về lưu trữ than cho nhu cầu sau năm 2020; Carlsberg sẽ đàm phán mua thêm cổ phần tại Habeco; Lập lại trật tự thị trường phân bón; Ấn Độ tổ chức phiên điều trần lần hai vụ việc sợi spandex nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá; Công nghiệp hỗ trợ: Xuất khẩu hàng chục tỷ USD nhưng nhập tới 85% nguyên liệu... là những vấn đề được báo chí quan tâm, đăng tải trong ngày 31/10.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Vấn đề lưu trữ than cho nhu cầu sau năm 2020.
Đây là nội dung công văn đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Bộ Công Thương, thống nhất với đề xuất của Bộ Công Thương về kế hoạch số lượng và chủng loại than xuất khẩu giai đoạn 2017-2020 của Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc được Dân trí 31/10 đăng tải. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ Công Thương lưu ý tính toán việc xuất khẩu thêm 2 triệu tấn than cám, có hàm lượng lưu huỳnh cao, chất bốc thấp tại khu vực Vàng Danh - Uông Bí, bởi hiện nhu cầu thị trường trong nước đang sử dụng loại than này.
Bộ KH&ĐT đề nghị: "Bộ Công Thương đánh giá lợi ích xuất khẩu so với tiêu thụ trong nước. Nếu trường hợp đánh giá cho thấy việc xuất khẩu mang lại lợi ích cao hơn, Bộ sẽ nhất trí cho phép TKV xuất khẩu 2 triệu tấn than trong năm 2017". Đặc biệt, Bộ KH&ĐT yêu cầu TKV và Tổng Công ty Đông Bắc cần tập trung vào chế biến những loại than mà trong nước đang có nhu cầu sử dụng, có yêu cầu cao thay vì chỉ tập trung khai thác, xuất khẩu. Về lâu dài, các đơn vị trọng điểm này cần phải có phương án khai thác hợp lý, phù hợp với đặc điểm phân bố trữ lượng, tài nguyên. Đặc biệt phải có kế hoạch lưu trữ cho nhu cầu sau năm 2020.
2. Về vấn đề Carlsberg sẽ đàm phán mua thêm cổ phần tại Habeco.
Trên nhiều báo ra ngày hôm nay đưa thông tin: Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, Carlsberg hiện là cổ đông chiến lược của Habeco, nắm 17,08% vốn tại doanh nghiệp này. Theo quy định, quá trình bán vốn Nhà nước sẽ ưu tiên các cổ đông chiến lược đã tham gia mua cổ phần của Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco) trong thời gian cổ phần hóa trước đây.
Hiện tại, Bộ Công Thương vẫn đại diện Chủ sở hữu Nhà nước nắm 81,79% vốn điều lệ Habeco và Carlsberg nắm 17,08%. Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng chỉ là 0,98%, tương đương 2.271.640 cổ phiếu. Số lượng cổ phiếu lưu hành tự do của Habeco chỉ còn hơn 2 triệu cổ phiếu. Đề cập việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco, Sabeco, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cam kết "cố gắng, quyết tâm thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng".
3. Về chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về thị trường phân bón.
Báo chí phản ánh xung quanh văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về kết quả của Hội nghị “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam” diễn ra hôm 28/10. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, các địa phương, các cơ quan liên quan tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý phân bón theo thẩm quyền.
Cùng đó Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Số liệu của Cục Hóa chất, Bộ Công Thương cho thấy, nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 11 triệu tấn phân bón các loại, trong đó, phân bón vô cơ chiếm khoảng 90% nhu cầu, phân hữu cơ và phân bón khác chiếm phần còn lại. Hiện Việt Nam đáp ứng được gần 80% nhu cầu về phân bón.
4. Ấn Độ tổ chức phiên điều trần lần hai vụ việc sợi spandex nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá.
Một số báo đăng tải nội dung thông tin về Ấn Độ sẽ tổ chức phiên điều trần lần 2 về vụ việc điều tra chống bán phá giá với sản phẩm sợi spandex nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 7/11. Việc tổ chức phiên điều trần lần thứ 2 được thực hiện do DGAD đã có sự thay đổi nhân sự lãnh đạo cấp cao và căn cứ theo phán quyết của Toà Án tối cao Ấn Độ. Mục đích của phiên điều trần lần này nhằm tạo cơ hội cho các bên có liên quan (bao gồm các nhà sản xuất/xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Ấn Độ) trình bày quan điểm, lập luận của mình đối với vụ việc điều tra trước lãnh đạo mới của DGAD.
Được biết, đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ 9 của Ấn Độ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, vào năm 2014, Ấn Độ cũng đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với cùng mặt hàng nêu trên, sau đó đã ra quyết định chấm dứt điều tra và không áp thuế. Thời điểm đó, doanh nghiệp Việt Nam có liên quan, cùng với sự hỗ trợ của Cục Quản lý cạnh tranh đã tích cực tham gia kháng kiện cho vụ việc.
5. Công nghiệp hỗ trợ: Xuất khẩu hàng chục tỷ USD nhưng nhập tới 85% nguyên liệu.
Báo Dân trí đưa tin dẫn tham luận TS. Nguyễn Thanh Bình - Khoa Quản trị kinh doanh (Học viện Ngân hàng) tại hội thảo về tài chính diễn ra cuối tuần qua, TS. Nguyễn Thanh dẫn số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho biết, hiện nay nước ta có khoảng 30 ngành kinh tế - kỹ thuật cần đến công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, nhiều ngành sản xuất hàng xuất khẩu mang lại kim ngạch hàng chục tỷ USD mỗi năm nhưng đang phải nhập khẩu tới 80 - 85% nguyên liệu. Tỷ lệ giá trị gia tăng chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu sản phẩm.
Số liệu của Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho biết, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ có 200 doanh nghiệp đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực xe máy và điện tử. Công nghiệp ô tô, dệt may, cơ khí đặt mục tiêu nội địa hóa 60 - 70%, song đến nay vẫn chủ yếu phải nhập linh kiện, nguyên phụ liệu từ nước ngoài, giá trị gia tăng thấp.