Trong ngày 28 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm có dấu hiệu hình sự tại Vinacomin; Nguy cơ gián đoạn cung cấp xăng E5 trên thị trường; Khách hàng Việt sắp hết cơ hội mua xe nhập; 10 tháng, thép nhập về Việt Nam bằng cả năm 2015 và vượt xa năm 2014; Cổ phiếu Habeco chính thức “lên sàn” với giá tham chiếu 39.000 đồng.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm có dấu hiệu hình sự tại Vinacomin.
Trên các báo Tuổi trẻ, VTC News, Thời báo Kinh tế Việt Nam đưa tin, Ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, cho biết quá trình thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã phát hiện một số vụ việc có dấu hiệu hình sự và đã làm việc với Bộ Công an và VKSND Tối cao để nhận định, đánh giá.
Cho đến nay cuộc thanh tra tại Vinacomin vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên, theo quy định luật pháp, nếu thanh tra có dấu hiệu vi phạm thì lập tức chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý. Được biết sai phạm tại Vinacomin có liên quan đến việc quản lý vốn Nhà nước.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, về những “lùm xùm” tại Bộ Công Thương, tùy tình hình và nhiệm vụ được giao, căn cứ vào yêu cầu cụ thể, TTCP có thể tiến hành hoạt động thanh tra.
2. Nguy cơ gián đoạn cung cấp xăng E5 trên thị trường.
Báo Nhân dân phản ánh, theo lộ trình của Chính phủ, kể từ ngày 1-6, các địa phương đều phải triển khai bán và phấn đấu đạt 50% số lượng cửa hàng trên địa bàn bán xăng E5. Tuy nhiên, sau hơn ba tháng thực hiện, đến nay mọi chuyện dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Nỗi lo gián đoạn nguồn cung xăng E5 trên thị trường đang ngày càng hiện hữu khi các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đang tạm dừng hoạt động và chưa cho thấy dấu hiệu hồi sinh.
Trong khi đó, các cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất, hỗ trợ kinh doanh xăng E5 vẫn trong quá trình hoàn thiện khiến các DN thờ ơ, không mặn mà đối với mặt hàng này.
3. Khách hàng Việt sắp hết cơ hội mua xe nhập?
Báo Lao động đưa tin: Trong thời gian qua, câu chuyện quanh Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công Thương đã tốn khá nhiều giấy mực do những luận điểm khác nhau giữa các DN, hiệp hội DN và các bộ ngành liên quan về việc khai tử, duy trì hay thay thế thông tư này. Tới nay, tưởng chừng câu chuyện đã tạm ngã ngũ khi Bộ Công Thương đề xuất sẽ bãi bỏ thông tư này sau khi Bộ GTVT ra các quy định mới có tác dụng tương đương để thay thế và các bên đang chờ Thủ tướng ra kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, thực tế lại đang và sẽ khiến nhiều DN đau đầu vì “đi mắc núi, về mắc sông”.
Trên thực tế, trong lúc Bộ GTVT đã khai tử giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô cùng với Thông tư 19/2012/TT-BGTVT từ tháng 7.2016, Bộ Công thương hiện nay vẫn yêu cầu DN phải có loại giấy này mới được nhập khẩu xe về nước dù là nhà phân phối chính hãng hay không chính hãng. Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương trả lời rằng trong lúc chờ chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, các DN cần thực hiện các quy định trong thông tư 20 – nghĩa là phải có đủ 2 loại giấy uỷ quyền chính hãng và giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô. Còn Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết không thể cấp giấy chứng cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ôtô cho đơn vị này vì loại giấy này đã bị “khai tử”.
4. 10 tháng, thép nhập về Việt Nam bằng cả năm 2015 và vượt xa năm 2014.
Báo Dân trí đưa tin, lượng nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 10/2016 tiếp tục tăng cả về lượng và giá trị, khiến 10 tháng đầu năm sắt thép trở thành một trong những mặt hàng có lượng và giá trị nhập khẩu lớn nhất đạt trên 15,5 triệu tấn, giá trị hơn 8,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, sắt thép trong tháng 10 và 10 tháng qua đã tăng mạnh khoảng 1,6 triệu tấn, tương đương kim ngạch hơn 754 triệu USD.Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2016, cả nước nhập khẩu 13,9 triệu tấn (trung bình 1,5 triệu tấn/tháng). Tuy nhiên, trong tháng 10/2016, lượng nhập đã tăng lên 1,6 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với lượng nhập bình quân các tháng trước đó.
Đặc biệt, đáng lo ngại hơn tình trạng nhập khẩu sắt thép về Việt Nam đa phần là sắt thép từ Trung Quốc. 9 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập hơn 8,2 triệu tấn thép Trung Quốc, giá trị 3,2 tỷ USD, chiếm gần 60% về lượng và giá trị so với các thị trường trên thế giới.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành thép hiện khá lo ngại về mức nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc, đặc biệt là phôi thép, thép thành phẩm - đây là những mặt hàng trong nước sản xuất được và đủ cung ứng cho sản xuất, và đang bị cạnh tranh rất quyết liệt do sản phẩm sắt thép Trung Quốc hiện đang rẻ hơn so với sắt thép thành phẩm trong nước.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)