Trong ngày 13 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37; Hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas, doanh nghiệp 'đòi' bồi thường tiền đã đầu tư; Chắt lọc cơ hội vào thị trường Á – Âu; Bộ Công Thương hiện đang dư thừa 57 xe công; Khó yên tâm với nhà máy thép.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37.
Trên nhiều bài báo đưa tin, ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Thông tư bãi bỏ quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Như vậy là Bộ Công Thương đã chính thức bãi bỏ quy định khiến doanh nghiệp phải trả chi phí hàng trăm tỉ đồng cho việc kiểm tra, và thời gian thông quan hàng hoá kéo dài trong suốt 7 năm qua. Trong 7 năm qua, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, bức xúc với quy định này, nhiều lần kiến nghị sửa đổi, nhưng không được chấp nhận.
Thực tiễn áp dụng quy định này cho thấy, chỉ có một tỷ lệ nhỏ không đáng kể lô hàng không đạt hàm lượng quy định. Hơn nữa, cũng chưa phát hiện bất cứ trường hợp nào bị ảnh hưởng về sức khoẻ do hàm lượng formaldehyte cao quá mức quy định.
2. Hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas, doanh nghiệp 'đòi' bồi thường tiền đã đầu tư.
Một loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh gas lại vừa có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh về việc cân nhắc, xem xét không sửa quy định hạ chuẩn điều kiện kinh doanh gas tại Nghị định 19.
Bỏ tiền tỷ để đầu tư trạm chiết, cơ sở hạ tầng kinh doanh gas theo đúng quy định, nay điều kiện kinh doanh mới lại hạ chuẩn khiến doanh nghiệp "khóc dở mếu dở" với khoản tiền đã vay đầu tư.
Tại các cuộc gặp, đối thoại với doanh nghiệp gần đây, lãnh đạo Bộ Công Thương đều khẳng định, cơquan này sẽ lắng nghe và tiếp thu tất cả ý kiến, kiến nghị từ phía doanh nghiệp và sẽ có chỉnh sửa Nghị định 19 trong thời gian tới, theo hướng tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp lĩnh vực này.
3. Chắt lọc cơ hội vào thị trường Á – Âu.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Á - Âu được cho là mở cửa thị trường lớn với 187 triệu dân. Thế nhưng, tại hội nghị thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường liên minh Á - Âu do Bộ Công Thương chủ trì diễn ra tại TPHCM ngày 12-10, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết phải chật vật chắt lọc cơ hội mới đưa sản phẩm thâm nhập vào thị trường này.
Trước những phân tích về rào cản khó khăn khi vào thị trường này, đại diện tham tán thương mại Việt Nam tại Nga cho biết, trước hết DN Việt Nam cần tận dụng tối đa những hạn ngạch thuế quan ưu đãi cho các sản phẩm vốn là lợi thế của Việt Nam. Về phía đại diện Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, các DN phải chủ động sang thị trường tìm kiếm và giới thiệu sản phẩm với các đối tác.
4. Bộ Công Thương hiện đang dư thừa 57 xe công.
Tiếp tục phản ánh về vấn đề này, báo Tiền phong đưa tin: Trong văn bản gửi đến Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, qua rà soát, số xe ô tô phục vụ công tác chung dôi dư của Bộ Công Thương là 57. Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương lập danh mục xe và đề xuất phương án xử lý.
5. Khó yên tâm với nhà máy thép.
Dù lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẳng định nhà máy thép không ảnh hưởng đến nguồn nước nhưng người dân trong khu vực dự kiến đặt nhà máy đang rất lo lắng. Bên cạnh sự lo lắng về ô nhiễm, nhiều người dân còn lo đất sản xuất bị thu hồi để nhường cho nhà máy.
Việc người dân thôn Hoa lo ngại là có lý bởi nhà máy thép của Công ty TNHH Thép Việt Pháp đang hoạt động ở thị xã Điện Bàn là một minh chứng. Dù theo báo cáo của UBND thị xã Điện Bàn, kết quả quan trắc cho thấy các thông số ở nhà máy thép nằm trong giới hạn cho phép nhưng người dân địa phương lại liên tục phản đối vì ô nhiễm mùi hôi và tiếng ồn.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)