Trong ngày 07 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ trưởng Công Thương quyết đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm; Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo; Rà soát toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước "trốn niêm yết"; Bắt quả tang cơ sở làm phân bón giả tại Lâm Đồng; Formosa “đòi” tự nhập than cho nhiệt điện; Sẽ có quỹ bình ổn giá điện?.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ trưởng Công Thương quyết đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm.
Trên một số báo ngày 6,7/10 quan tâm đăng tải thông tin về cuộc họp khẩn ngày 6/10 do người đứng đầu ngành Công Thương – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh triệu tập lãnh đạo các tập đoàn lớn, yêu cầu báo cáo thực tế hiện trạng tại các dự án điện, than, xi măng, khoáng sản… Các bài báo nhấn mạnh: Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty phải cam kết không đánh đổi môi trường lấy dự án, đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm vi phạm. Quan điểm nêu trên được người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh tại cuộc họp khẩn với lãnh đạo các tập đoàn về hiện trạng môi trường tại các nhà máy xi măng, điện, than... ngày 6/10.
Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty lớn của ngành phải đứng ra cam kết “không đánh đổi môi trường lấy dự án”. Đồng thời, khẳng định sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu ngay sau cuộc họp, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải ký cam kết giải quyết triệt để những bức xúc mà báo chí, dư luận phản ánh trong thời gian qua.
“Lời hứa cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, nếu chúng ta không làm, không thực hiện lời hứa chúng ta sẽ mất niềm tin trong dân chúng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
2. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tiêu thụ lúa gạo.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NNPTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Việt Nam rà soát tình hình thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, đề xuất giải pháp cụ thể, tích cực nhất để thu mua lúa gạo, tập trung ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 8/10/2016.
Trước tình hình xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2016 gặp nhiều khó khăn, việc thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa chậm và giá lúa gạo có xu hướng giảm, văn phòng Chính phủ đã ra văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa.
3. Rà soát toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước "trốn niêm yết".
Báo Dân trí đưa tin: Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, các đơn vị chủ quản sẽ phải lập danh sách doanh nghiệp trực thuộc đã cổ phần hóa nhưng chưa đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán, đôn đốc tiến độ và báo cáo Thủ tướng kết quả trước 1/11.
Riêng trường hợp 2 doanh nghiệp bia là Sabeco và Habeco sẽ phải hoàn tất niêm yết trong năm 2016 này, nếu chậm trễ thì lãnh đạo doanh nghiệp chịu trách nhiệm trước Bộ Công Thương còn đơn vị chủ quản là Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng. Hai doanh nghiệp này đã cổ phần hóa từ năm 2008 nhưng vì nhiều lý do nên đến thời điểm hiện tại mới xúc tiến niêm yết.
4. Bắt quả tang cơ sở làm phân bón giả tại Lâm Đồng.
Tối 6-10, cơ quan chức năng huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cho biết đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất phân bón trái phép, thu giữ 200 bao phân bón giả thành phẩm (tổng trọng lượng trên 10 tấn). Ngay sau khi phát hiện số lượng phân bón giả trên, cơ quan chức năng đã lập biên bản niêm phong, thu giữ để điều tra làm rõ.
5. Formosa “đòi” tự nhập than cho nhiệt điện.
Báo Tiền phong 07/10 phản ánh, với lý do than trong nước có chất bốc thấp, không phù hợp với thiết bị công nghệ của nhà máy nhiệt điện ở Đồng Nai, Công ty Formosa cho rằng công ty đã được phép của Chính phủ trong việc nhập khẩu than nên không cần thiết phải ký mua than từ TKV và Tổng công ty Đông Bắc.
Công ty Formosa cũng cho biết Bộ KH-ĐT và các bộ ngành liên quan đã báo cáo Thủ tướng cho phép công ty được nhập khẩu than để sử dụng cho mục đích phát điện. Bộ Công Thương cũng ủng hộ và cho rằng việc nhập khẩu than là phù hợp tình hình thực tế trong bối cảnh nguồn than trong nước còn hạn chế.
Theo công ty này, vừa qua, công ty được Chi cục Hải quan Nhơn Trạch hướng dẫn việc nhập khẩu than phải thông qua ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn Công nghiệp Than, Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc. Việc nhập khẩu than trực tiếp phải có sự đồng ý của Thủ tướng.
6. Sẽ có quỹ bình ổn giá điện?
Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo (lần ba) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế cho Quyết định số 69 đang áp dụng.
Trong lần đưa ra dự thảo này, quỹ bình ổn giá điện vẫn là một trong những nội dung được nhắc đến dù cho trước đó đã có nhiều ý kiến phản đối. Theo đó, quỹ bình ổn giá điện được thành lập để thực hiện mục tiêu bình ổn giá điện. Nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện được trích từ giá bán điện và được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh điện. EVN thực hiện việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá điện theo hướng dẫn của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Đặt câu hỏi “Tại sao cần quỹ bình ổn” Báo Người Lao động dẫn ý kiến của giới chuyên gia, nếu thành lập quỹ bình ổn giá điện thì việc quan trọng nhất là trích lập và quản lý sao cho hợp lý, hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch. Đặc biệt, trong bối cảnh quỹ bình ổn xăng dầu đã và vẫn đang gây nhiều tranh cãi lớn bởi vai trò mờ nhạt và sử dụng thiếu minh bạch. “Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã bị phản đối rồi, đừng thành lập thêm quỹ bình ổn giá điện để rồi tính vào chi phí hình thành giá buộc người dân phải đóng thêm tiền vào đó nữa” - ông Bùi Trinh nói.
Đáng bàn hơn, có những ý kiến đặt câu hỏi liệu quỹ bình ổn giá điện có phù hợp với xu thế chúng ta đang hướng tới là đưa các mặt hàng đang trong diện quản lý giá dần đi theo con đường thị trường.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)