banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 27/9
Cập nhật lúc 09:26 ngày 27/09/2016

Trong ngày 27 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ Công Thương đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục hành chính; Phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp; Bộ Công Thương đồngr ý Sabeco niêm yết trên Hose; Bộ Công Thương thiếu trách nhiệm trong quản lý tạm nhập; Công nghiệp hỗ trợ chập chững đến bao giờ; Hàng loạt nhà máy phân đạm đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Thông tin cụ thể như sau:                

1. Bộ Công Thương đối thoại với doanh nghiệp về thủ tục hành chính. 

Một số báo đưa tin về nội dung của Hội nghị “Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương” được tổ chức ngày 17/9, trong đó nhấn mạnh nhận định của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh về công tác này: “Mặc dù công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong ngành Công Thương đã đạt được những kết quả nhất định, song Bộ Công Thương nhận thấy vẫn còn những khó khăn, vướng mắc hiện hữu trong các quy định, đặc biệt là quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh và thủ tục hành chính.

Tại Hội nghị lần này, các đại biểu đề cập lại những vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp. Những tiêu chí được các đại biểu hướng tới cho công tác cải cách thủ tục hành chính ngành công thương là đơn giản hóa, minh bạch hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa thủ tục hành chính.

Bộ Công Thương đã chỉ thị đại diện các đơn vị thuộc Bộ lắng nghe, tiếp thu, đối thoại một cách cầu thị đối với các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và tổng hợp ý kiến và báo cáo Lãnh đạo Bộ phương án giải quyết. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương phải coi việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách.

2. Phân bón giả, kém chất lượng diễn biến phức tạp. 

Báo chí tiếp tục phản ánh về thực trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang là một vấn đề bức xúc trong xã hội. Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy, từ thiệt hại về kinh tế cho người sản xuất đến gây ô nhiễm môi trường, năng suất nông sản bị sụt giảm…

Theo ông Nguyễn Như Cường – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn), một trong số những nguyên do khiến thị trường phân bón “bát nháo” là bởi quản lý thiếu đồng bộ, thống nhất. Cùng một lĩnh vực phân bón nhưng có tới hai Bộ là NN&PNTT và Công Thương cùng quản lý. Mặc dù đã phân chia ra Bộ NN&PTNT quản lý phân bón hữu cơ, Bộ Công Thương quản lý phân bón vô cơ nhưng nhiều trường hợp xử lý vẫn khá chồng chéo. Ông cũng cho rằng việc quản lý phân bón chỉ cần giao cho một bộ để mang lại hiệu quả cao nhất, đồng thời cần chế tài xử phạt nghiêm minh hơn, thậm chí là xử lý hình sự đối với những vụ việc làm giả, làm nhái phân bón để gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

3. ​Bộ Công Thương đồng ý Sabeco niêm yết trên Hose.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Đăng Tuất, Vụ trưởng Vụ trưởng - Thường trực Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương xác nhận đã có chỉ đạo của Bộ Công Thương cho Sabeco niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM.

Thông tin mới nhất được ông Tuất đưa ra, hiện Sabeco đang ký hợp đồng với tư vấn, tuy nhiên, mức giá bán không được tiết lộ. Công ty tư vấn và Sabeco sẽ cùng thẩm định để xác định giá bán cho Sabeco theo đúng giá thị trường.

4. Bộ Công Thương thiếu trách nhiệm trong quản lý tạm nhập. 

Nhiều báo dẫn báo cáo kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 26/9 về hoạt động tạm nhập, tái xuất của Bộ Công Thương từ năm 2010 đến 2013, trong kết luận nhấn mạnh “Bộ Công Thương chưa phân định rõ vai trò, trách nhiệm của nhà quản lý về tạm nhập, tái xuất; thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát kết quả báo cáo quản lý tạm nhập, tái xuất…”. 

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra những bất cập đã làm giảm quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến các mục tiêu khắc phục hạn chế của hoạt động tạm nhập, tái xuất. Theo cơ quan này, trách nhiệm thuộc về tập thể, cá nhân được giao xây dựng thông tư hướng dẫn vì đã chưa thực hiện tốt nhiệm vụ trong tham mưu các vấn đề về cơ chế, chính sách đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Công Thương tăng cường trách nhiệm của nhà quản lý trong việc tạm nhập, tái xuất, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động tạm nhập, tái xuất theo thông lệ quốc tế; yêu cầu giám sát chặt chẽ để làm giảm nguy cơ gian lận thương mại và việc lợi dụng chính sách để buôn lậu, trốn thuế.

5. Công nghiệp hỗ trợ chập chững đến bao giờ. 

Đó là câu hỏi Báo Người lao động đặt ra khi đưa tin về công nghiệp hỗ trợ. Bài viết phản ánh: Sau nhiều năm có chủ trương phát triển công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp Việt tham gia lĩnh vực này vẫn chỉ dừng lại ở “rìa ngoài”, chưa đủ lực tham gia sâu các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo các chuyên gia, đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp (DN) trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhưng chủ yếu tập trung vào trợ giúp hành chính, trong khi DN cần được ưu đãi thuế, trợ giúp chuyển giao công nghệ…

Tại hội thảo báo cáo kết quả nghiên cứu “Thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương và Viện Nghiên cứu Mitsubishi (MRI - Nhật) tổ chức mới đây, TS Yoichi Sakurada, chuyên gia của MRI, thẳng thắn chỉ ra thực tế là các trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa của Việt Nam hiện chỉ tập trung hỗ trợ hành chính, chứ không tư vấn về công nghệ, kỹ thuật như ở Nhật. Do đó, việc hỗ trợ không đáp ứng nhu cầu của DN dẫn đến lãng phí rất lớn về tài chính và nhân lực. Kết quả, sau 20 năm, ngành CNHT của Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở mức độ “chập chững”, DN chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

6. Hàng loạt nhà máy phân đạm đứng trước nguy cơ đóng cửa. 

Báo chí phản ánh, khi Luật 71 có hiệu lực, nhiều Bộ ngành, tập đoàn, doanh nghiệp đề nghị sửa đổi vì nông dân không có lợi, doanh nghiệp bức xúc, thiệt hại vì theo Luật 71, nông dân được giảm thuế VAT 5% khi mua phân bón còn các doanh nghiệp đầu vào mua các hàng hoá, máy móc, vận chuyển, vật tư, chi phí lao động và xây dựng nhà xưởng… không có tên phân bón, thuế VAT đầu vào không được khấu trừ.

Ông Nguyễn Hạc Thuý, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết Luật 71 tác động lớn đến làm ồ ạt nhập khẩu phân bón nước ngoài vào Việt Nam, vì các mặt hàng thế giới đều hạ, trong khi trong nước, nguyên liệu sản xuất phân bón giá than không hạ, giá khí không hạ cộng với phải chịu Luật 71 thuế VAT đầu nên lượng các loại phân bón nhập khẩu giá rẻ càng tăng. Ông Thuý cũng thống kê hàng loạt các doanh nghiệp mà theo ông đã chịu ảnh hưởng tiêu cực từ Luật 71 như: Tổng công ty phân bón và Hoá chất dầu khí 180 tỷ đồng và chi phí thiệt hại khác 340 tỷ đồng, Công ty phân bón miền Nam, Công ty phân bón Bình Điền. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)