banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 26/9
Cập nhật lúc 09:32 ngày 26/09/2016

Trong ngày 26 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Chống buôn lậu thuốc lá; Nhiệt điện than đe dọa Đồng bằng Sông Cửu Long; Than Việt cạnh tranh kém; Việt Nam không nên làm thép; Ông lớn nhà nước “rủng rỉnh” tiền.

​Thông tin cụ thể:

1. Chống buôn lậu thuốc lá. 


Báo chí đưa tin,Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam vừa đề nghị các cơ quan liên quan bổ sung thuốc lá điếu vào nhóm hàng phạm pháp trong quy định của Bộ luật Hình sự để hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu có thể bị xử lý hình sự nếu hàng phạm pháp có số lượng từ 500 bao trở lên để bảo đảm thống nhất các quy định liên quan.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, năm 2016, tình hình buôn lậu thuốc lá bùng phát mạnh mẽ, đặc biệt là tại các tỉnh biên giới phía Tây Nam. Các hoạt động diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và việc vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu hoàn toàn công khai, ngang nhiên trên thị trường.. Những quy định pháp luật hiện hành thắt chặt việc sản xuất và kinh doanh hợp pháp khiến cho kinh doanh thuốc lá lậu trở nên hấp dẫn đặc biệt, vì vậy, nạn kinh doanh thuốc lá lậu thường xuyên hoành hành và lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam luôn ở mức rất cao.

Quy định xử lý hình sự căn cứ trên giá trị hàng cấm tại Bộ luật Hình sự năm 2015 đang làm khó với chính sách tăng cường các biện pháp chống buôn lậu thuốc lá trong thời gian gần đây. Theo quy định, để có cơ sở xử lý hình sự thì phải định tội và định khung được giá trị hàng cấm.

Một chuyên gia chống buôn lậu trong lực lượng hải quan cho rằng những chồng chéo, bất cập về quy định pháp lý hiện hành sẽ khiến công tác xử lý hậu quả của buôn lậu thuốc lá gặp những khó khăn nhất định.

2. Nhiệt điện than đe dọa Đồng bằng Sông Cửu Long. 

Các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo các nhà máy nhiệt điện than sẽ “bức tử” nhiều dòng sông. Thế nhưng, theo quy hoạch đến năm 2030, đồng bằng sông Cửu Long có tới 14 nhà máy nhiệt điện than.

Đánh giá về những dự án nhà máy nhiệt điện, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho biết cả hai nhóm thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Nhà máy điện Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 tại Trà Vinh đều do đại diện của nhà đầu tư làm lãnh đạo. Ngoài ra, cả 2 báo cáo ĐTM đều không được bình duyệt độc lập bởi một bên thứ ba. Hai yếu tố này có thể dẫn đến mâu thuẫn lợi ích, thiên lệch về hướng biện minh cho dự án và đánh giá thấp tầm quan trọng của các tác động từ dự án.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, ĐTM của 2 nhà máy nêu trên rất sơ sài, không tính đến tác động của dự án lên thủy sản, động vật, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… Nhà đầu tư chỉ gửi văn bản đến UBND và Mặt trận Tổ quốc xã. Cộng đồng địa phương không được tham vấn về tác động của nhà máy.

Đối với những dự án này, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Trường ĐH Cần Thơ, băn khoăn: “Vấn đề rất đáng quan ngại là ĐBSCL không có nguồn nhiên liệu than cho các nhà máy. Tương lai các nhà máy máy này sẽ phải nhập than từ nước ngoài như Trung Quốc, Úc hoặc Indonesia”. Về lâu dài, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng sẽ gặp nguy cơ không đảm bảo an ninh năng lượng do phụ thuộc nguồn cung nhiên liệu và thiết bị từ nước ngoài. Nhiệt điện than phát thải khí nhà kính lớn nhất, gây tiêu cực đến biến đổi khí hậu.

3. Than Việt cạnh tranh kém. 

Báo Người Lao động đưa tin, trong khi ngành than đang tồn kho khoảng 12 triệu tấn, cả nước lại nhập khẩu đến hơn 9 triệu tấn than từ đầu năm 2016 đến nay.

Về vấn đề này, nguyên Chủ tịch TKV Đoàn Văn Kiển giải thích do một số nhà máy điện, nhà máy xi măng ngay từ đầu đã thiết kế sử dụng than nhập khẩu theo quy hoạch được duyệt. Bên cạnh đó, một số nhà sử dụng có thể thay đổi công nghệ để dùng than nhập khẩu dễ đốt thay cho than antraxit trong nước khó đốt. Do vậy, nhu cầu sử dụng than nhập khẩu tăng.

Theo cựu lãnh đạo TKV, trong những năm 2008-2011, nhu cầu than thế giới khá cao nên thị trường thuộc về người bán. TKV thời điểm đó có lãi nhiều nhờ xuất khẩu. Tuy nhiên, từ năm 2012, thị trường than thế giới chững lại rồi giá giảm đến một nửa. Trong khi đó, chi phí sản xuất than trong nước liên tục tăng dẫn đến giá đã cao hơn nhập khẩu.

4. Việt Nam không nên làm thép. 

Dù bị áp thuế tự vệ, giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn thấp hơn thép Việt Nam khoảng 10%.

Kể từ sau khi tin tức về dự án thép Cà Ná có quy mô 10,6 tỉ USD được truyền đi, những tranh cãi về chuyện Việt Nam nên hay không nên làm thép đã nổ ra. Phía ủng hộ có lý do để bỏ phiếu thuận. Đại diện Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam sẽ thiếu hụt khoảng 17 triệu tấn thép vào năm 2020 và đến năm 2025, con số này có thể lên tới 22-25 triệu tấn. Đây là lý do để Bộ Công Thương bỏ phiếu cho dự án thép Cà Ná. Một số chuyên gia tán thành sự ra đời của những dự án thép “khủng” còn vì ngành thép cần được cơ cấu lại.

Phải thừa nhận một nghịch lý rằng Việt Nam thiếu nhưng lại thừa thép. Trong những phân khúc Việt Nam đang sản xuất như thép xây dựng, thép ống, thép cuộn cán nguội và tôn mạ, hầu hết đều có công suất gấp đôi mức tiêu thụ. Sắp tới, khi nhiều dự án mới như Khu Liên hợp Gang Thép Formosa Hà Tĩnh (Đài Loan), Thép Nghi Sơn cùng đi vào hoạt động, sản lượng thép đến năm 2030 có thể đạt tới 50 triệu tấn mỗi năm, gấp 3-4 lần hiện tại. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự đoán chưa tới 40 triệu tấn/năm.

Thừa thép nhưng Việt Nam vẫn đang bỏ ra hàng tỉ USD mỗi năm để nhập khẩu thép. Đó là vì nhiều loại thép như thép hợp kim, thép cuộn cán nóng, thép tấm lá, thép không gỉ, thép chế tạo... Việt Nam chưa đủ khả năng sản xuất hoặc chưa đủ năng lực đáp ứng.Đây là sự bất hợp lý trong cơ cấu sản phẩm, đồng thời cũng phản ánh năng lực cạnh tranh yếu kém của ngành thép Việt Nam.

Việt Nam cũng đã thiết lập hàng rào thuế quan tự vệ đối với thép nhập khẩu và chính thức áp dụng biện pháp này từ tháng 8.2016. Tuy nhiên, mức thuế 23,3% mà Việt Nam áp cho phôi thép và 15,4% dành cho thép dài sẽ chỉ kéo đến tháng 3.2020, với thuế suất giảm dần qua các năm. Nhiều khả năng các biện pháp tự vệ từ Việt Nam sẽ không làm chậm lại bước tiến của thép Trung Quốc.

Đáng nói là dù được tạo điều kiện, sản phẩm thép Việt Nam vẫn khó lật ngược thế cờ trước thép ngoại. Lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam vẫn trên đà tăng và tăng cao hơn sản lượng thép sản xuất trong nước. Trong khi đó, sản xuất thép đưa đất nước đối mặt với rủi ro môi trường.

5. Ông lớn nhà nước “rủng rỉnh” tiền. 

Báo Tuổi trẻ phản ánh, hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước vừa công bố báo cáo tài chính về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015. Điều đáng chú ý, có không ít ông lớn nhà nước sở hữu lượng lớn tiền mặt và số tiền này lại được đưa đi gửi tại các tổ chức tín dụng.

Điển hình nhất phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các công ty con, có tới 102.085 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn. Mặc dù lượng tiền gửi có giảm do giá dầu giảm nhưng theo các chuyên gia, số tiền mặt và gửi ngân hàng của PVN là rất lớn, bởi nếu dùng số tiền này thì PVN có thể làm nhiều việc.

Ngoài ra, một loạt ông lớn doanh nghiệp Nhà nước khác cũng đem tiền gửi ngân hàng trong khi vẫn phải đi vay. Điển hình là Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Theo báo cáo tài chính quý 2/2016, Sabeco có gần 8.200 tỷ đồng gửi ngân hàng lấy lãi, phần lớn là các khoản tiền gửi với kỳ hạn không quá 3 tháng. Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Hà Nội cũng có lượng tiền gửi không kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng là 1.481 tỷ đồng...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, vấn đề doanh nghiệp Nhà nước thừa tiền mặt vẫn đi vay, trong khi người dân và doanh nghiệp khác thiếu tiền là “lỗi do cơ chế”.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)