Trong ngày 22 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mỗi ngày trả lãi ngân hàng 23 tỷ đồng; 8 tháng, nhập khẩu gần 8 triệu tấn xăng dầu; Bất hợp lý trong thực hiện quy định dán nhãn năng lượng; Hà Nội phạt hơn 20 doanh nghiệp vi phạm kinh doanh hàng đa cấp; Gạo Việt đua nhau gắn mác ngoại; Sắp lắp đồng hồ tại các cây xăng để chống gian lận.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mỗi ngày trả lãi ngân hàng 23 tỷ đồng.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang đối mặt với tình trạng lãi giảm sâu, mất hơn nửa tỷ "đô" và nợ chồng chất. Sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng PVN vẫn phải tăng cường đi vay. Tại thời điểm cuối năm 2015, tổng vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn và vay, nợ thuê tài chính dài hạn đạt tới 183.842 tỷ đồng, chiếm 65,4% vốn góp chủ sở hữu.
Nợ quá nhiều khiến PVN phải gánh khoản chi phí lãi vay hành năm rất lớn. Nếu năm 2014, chi phí tài chính tại PVN “chỉ” là 8.316 tỷ đồng thì sang năm 2015, con số này tăng gấp đôi, vọt lên 16.891 tỷ đồng. Chi phí tài chính tại PVN nhiều hơn 50% lợi nhuận sau thuế. Có thể thấy, PVN cũng là một trong các ông lớn bị tiền lãi ngân hàng “ăn mòn” lợi nhuận.
Như vậy, bình quân mỗi ngày, ông lớn ngành dầu khí phải trả gần 23 tỷ đồng tiền lãi. Điều đáng nói, có vẻ PVN mạnh dạn đi vay trong bối cảnh không thiếu tiền. Cuối năm 2015, lượng tiền và các khoản tương đương tiền tại PVN lên tới 102.086 tỷ đồng. Năm 2014, tiền của PVN thậm chí còn lớn hơn khi đạt 139.316 tỷ đồng.
2. 8 tháng, nhập khẩu gần 8 triệu tấn xăng dầu.
Theo thống kê cuả Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại 8 tháng đạt 7,96 triệu tấn với trị giá là 3,08 tỷ USD, tăng 23% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu có xuất xứ từ: Singapo với 3,05 triệu tấn, tăng 12,3%.
Cũng theo thống kê của Tổng cục Hải quan trong 8 tháng 2016, tình hình buôn lậu gian lận thương mại và vận chuyển xăng dầu trái phép gia tăng. Đặc biệt, số vụ vận chuyển xuất lậu trái phép xăng dầu 8 tháng qua bị phát hiện rất lớn, trong đó có 13 vụ vi phạm, tang vật vi phạm gồm: 6.502 lít và 12.299 tấn xăng; 46.741 lít và 229,043 m3 dầu...
3. Bất hợp lý trong thực hiện quy định dán nhãn năng lượng.
Khi một lô hàng đồ điện nhập khẩu về Việt Nam, doanh nghiệp cần phải mang một mẫu đi kiểm tra hiệu suất năng lượng theo yêu cầu của Bộ Công Thương. Lô hàng nhập về đợt sau, dù sản phẩm giống hệt từ mẫu mã, serie, nhà sản xuất, doanh nghiệp vẫn lại phải mang mẫu đi đo kiểm. Toàn bộ lô hàng phải nằm lại kho của hải quan trong lúc chờ kết quả. Tổng cục Hải quan cũng đã đề nghị Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho phép doanh nghiệp dùng kết quả đo kiểm một lần cho nhiều lô hàng giống nhau nhưng vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ.
Trong khi Tổng cục Năng lượng chưa có hướng dẫn, cả Hải quan lẫn doanh nghiệp đều đang phải làm theo quy định cũ. Chi phí mỗi lần như vậy khoảng 5-6 triệu đồng và thời gian chờ đợi ít nhất 1 tuần. Việc lô hàng nào cũng mang mẫu đi đo hiệu suất năng lượng tối thiểu còn không phù hợp với những sản phẩm sản xuất tại các quốc gia phát triển như hàng nhập từ châu Âu, Nhật hay Mỹ. Bởi theo các chuyên gia, các nước này đều áp dụng những tiêu chuẩn tiết kiệm điện năng còn cao hơn cả Việt Nam. Vì thế, có ý kiến cho rằng việc làm này gây mất thời gian, tăng chí phí đầu vào của doanh nghiệp, giá thành sản phẩm tăng.
4. Hà Nội phạt hơn 20 doanh nghiệp vi phạm kinh doanh hàng đa cấp.
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã tiến hành thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp bán hàng đa cấp trên địa bàn thành phố, qua đó phát hiện, xử lý 20 đơn vị vi phạm pháp luật với tổng số tiền phạt gần 1,3 tỷ đồng.
Cụ thể, đoàn thanh tra phát hiện 3 doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp là công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và thương mại Trường Giang Việt Nam (xử phạt với số tiền cao cao nhất là 420 triệu đồng), công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngọc Minh Uy (xử phạt 38 triệu đồng) và công ty Cổ phần đầu tư sản xuất và thương mại MLM Việt Nam (xử phạt 658 triệu đồng).
5. Gạo Việt đua nhau gắn mác ngoại.
Nhiều loại gạo trồng tại Đồng bằng sông Cửu Long được gắn thêm mác Thái Lan, Campuchia… bỗng trở nên hút hàng dù giá bán cao hơn vài nghìn đồng. Khảo sát một số cửa hàng tại chợ An Nhơn (quận Gò Vấp), đa phần các loại gạo gắn mác ngoại như gạo sữa Thái Lan, gạo thơm Đài Loan, gạo Sóc Miên… đều được trưng bày ở vị trí bắt mắt, dễ lựa chọn và giá bán cao hơn vài nghìn đồng mỗi kg so với gạo đặc sản trong nước.
Chủ một đại lý gạo cho biết, tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam vẫn đánh giá cao chất lượng hàng ngoại nên dù chênh lệch giá tương đối nhiều nhưng doanh số bán ra luôn ổn định. Mỗi tuần cửa hàng này nhập thêm vài tấn từ một vựa gạo lớn ở miền Tây, trong đó tỷ lệ cho nhóm gắn mác ngoại thường vượt trội. Thực trạng trên không chỉ diễn ra tại các điểm kinh doanh nhỏ lẻ mà ngay các hệ thống siêu thị lớn như BigC, Co.opmart, Aeon Mall… cũng chứng kiến điều tương tự.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, phần lớn các loại gạo gắn mác ngoại có trên thị trường hiện nay không phải từ nguồn nhập khẩu mà là lai tạo giống và canh tác tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vì yếu tố tên gọi ảnh hưởng nhiều đến việc lựa chọn sản phẩm nên mới xuất hiện tràn lan gạo giả danh và chất lượng.
6. Sắp lắp đồng hồ tại các cây xăng để chống gian lận.
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có văn bản gửi các tỉnh thành, yêu cầu xây dựng đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, thông qua giải pháp quản lý đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Theo chủ trương này, định kỳ vào ngày đầu và ngày cuối của tháng/quý, cơ quan thuế phối hợp với chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cử cán bộ đến cơ sở kinh doanh xăng dầu để ghi chỉ số trên đồng hồ tổng của từng cột bơm, xác định lượng xăng, dầu bán ra trong kỳ thông qua chỉ số đầu kỳ và cuối kỳ.
Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua một số cục thuế địa phương tại Nghệ An, Thái Bình, Lâm Đồng đã kiến nghị với UBND tỉnh, thành phố để chỉ đạo thực hiện giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu thông qua lắp đặt đồng hồ tổng. Giải pháp này được cho là đã góp phần tăng thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh xăng dầu, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được người dân ghi nhận.
Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành thông tư quy định tất cả cột bơm xăng dầu của các thương nhân bắt buộc phải gắn thiết bị in chứng từ bán hàng. Nhân viên cửa hàng sẽ có trách nhiệm giao chứng từ này cho khách khi giao dịch hoàn tất. Thông tư có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)