Trong ngày 21 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm gia đình cán bộ quản lý thị trường hy sinh khi đang làm nhiệm vụ; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm lãi 12.300 tỷ đồng năm 2015; Đề xuất chuyển Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 sang EVN; Việt Nam có cần sản xuất thép hay không?; Quy hoạch ngành Bia – Rượu – Nước giải khát có “vỡ trận”?; Giấy công nghiệp Việt Nam gặp khó ở Philippines; Người tiêu dùng vẫn thiệt vì giá xăng.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thăm gia đình cán bộ quản lý thị trường hy sinh khi đang làm nhiệm vụ.
Sáng ngày 20/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã đến thăm, chia buồn cùng gia đình anh Nguyễn Kim Danh (cán bộ Đội 1 Quản lý thị trường tỉnh Long An). Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ nỗi đau của gia đình, bày tỏ sự thấu hiểu nỗi mất mát khi gia đình mất đi người thân. Bộ trưởng giao Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An thường xuyên thăm hỏi động viên, chăm sóc các con anh Danh.
Để chia sẻ nỗi đau này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hỗ trợ gia đình anh Danh 50 triệu đồng. Đại diện, Tổng Biên tập báo Công Thương hỗ trợ 2 triệu đồng, Cục Công nghiệp đại phương (Bộ Công Thương) hỗ trợ 1 triệu đồng, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ 50 triệu đồng và tài trợ cho con gái anh Danh ăn học đến năm 18 tuổi.
2. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm lãi 12.300 tỷ đồng năm 2015.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, PVN đạt 30.695 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 12.300 tỷ đồng so với năm 2014. Dù PVN công bố thực hiện tiết giảm chi phí nhưng hầu như các hạng mục chi phí đều tăng. Đơn cử, chi phí tài chính tăng gấp đôi so với năm trước; chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng.
Đáng chú ý, kiểm toán đã ngoại trừ nhiều vấn đề trong báo cáo tài chính của PVN như các khoản trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn vào Công ty liên doanh Petromacareo (Venezuela), khoản chi phí phải trả liên quan đến các nghĩa vụ, trách nhiệm Tập đoàn phải thực hiện khi dừng tham gia hợp đồng thăm dò khai thác dầu khí ngoài khơi bán đảo Malaysia, một số khoản cho vay của PVcomBank...
3. Đề xuất chuyển Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 sang EVN.
Ngày 20/9, Sở Công thương Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đang làm văn bản đề xuất Chính phủ cho chuyển chủ đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVC) sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Lý do sau năm năm khởi công (từ 19/7/2011), đến nay dự án này không thực hiện được tiến độ đề ra là đưa tổ máy số 1 phát điện và hòa lưới quốc gia vào tháng 6/2015 và tổ máy số 2 vào tháng 12/2015.
Theo Sở Công Thương Quảng Bình, đến thời điểm này dự án chỉ mới thực hiện được một số hạng mục như đào kênh điều hòa, xây dựng nhà văn phòng dự án… do chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn. Nhà máy này là dự án điện cấp bách được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch bổ sung, kỳ vọng sẽ là chiến lược phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 định hướng đến 2025, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Bắc Trung bộ nói riêng và phát triển kinh tế xã hội cả nước nói chung.
4. Việt Nam có cần sản xuất thép hay không?
Tại toạ đàm “Thu hút đầu tư và phát triển kinh tế bền vững” do Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức sáng 20/9, ông Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã đặt câu hỏi: “Việt Nam có cần sản xuất thép hay không?”.
Phản hồi về điều này, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) cho biết, tại Tokyo (Nhật Bản) có khoảng 3-4 nhà máy thép, tương tự tại Hàn Quốc cũng như vậy nhưng người dân vẫn đánh bắt cá xung quanh các khu nhà máy và sự cố Formosa Hà Tĩnh vừa qua là sự cố hi hữu xảy ra trong quá trình xây dựng, không phải quá trình vận hành.
Bổ sung thêm quan điểm, ông Hoài cũng cho biết, ông đã nghe chuyên gia đặt câu hỏi vì sao Việt Nam không sản xuất thép chế tạo và cho biết, bối cảnh của Việt Nam khác Nhật Bản, Hàn Quốc, sản xuất do thị trường quyết định, Việt Nam chưa thể sản xuất thép chế tạo trong đó có nguyên nhân nguồn nhân lực chưa đáp ứng điều kiện. Ông Hoài nhấn mạnh, Formosa là bài học đau đớn nhưng sản xuất thép lò cao rõ ràng phải sát biển không phải để xả thải mà là vấn đề kinh tế với yêu cầu về việc vận chuyển đường biển.
5. Quy hoạch ngành Bia – Rượu – Nước giải khát có “vỡ trận”?
Sau khi Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, nhiều người đã lo ngại bản quy hoạch này có thể “đổ vỡ” vì chưa theo sát, chậm hơn so với thực tế, nhất là đối với ngành bia – luôn được người Việt quá “chuộng”.
Các chuyên gia cho rằng cần coi trọng công tác quy hoạch, bởi đây là công cụ cực kỳ quan trọng trong quản lý nhà nước, cần nâng cao hiệu quả quy hoạch và quy định phải sát với thực tế. Ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương cho rằng quản lý ngành bia theo quy hoạch được thực hiện từ năm 2005, giai đoạn từ 2005 – 2010 có mức tăng trưởng nhanh, đạt trên 12%. Từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng giảm dần, xuống còn 8-10%/năm. “Vậy nên tôi thấy mức tăng trưởng này cũng bình thường như các ngành khác. Nếu tính công suất thực và nhu cầu tiêu thụ thì hiện nay, ngành Bia mới đạt 81% so với quy hoạch”, ông Dũng nói.
6. Giấy công nghiệp Việt Nam gặp khó ở Philippines.
Bộ Thương mại và công nghiệp Philippines (DTI) vừa tiếp tục gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp tự vệ giấy testliner board nhập khẩu từ các nước thêm bốn năm nữa. Đây là lần gia hạn thứ hai kể từ lúc áp thuế chính thức vào tháng 9/2010 của DTI. Theo đó, mức thuế tự vệ được tính ở mức khoảng 20,75 USD/tấn cho giai đoạn 12/6/2016 đến 13/7/2017, và sẽ giảm dần chỉ còn khoảng 17,78 USD/tấn từ 18-6-2017 đến 20-6-2020.
DTI cho rằng việc gia hạn biện pháp tự vệ là cần thiết để ngăn chặn thiệt hại nghiêm trọng do sản phẩm giấy nhập khẩu gây ra đối với ngành công nghiệp nội địa. Cùng với Việt Nam, Philippines cũng được đánh giá là quốc gia ít sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong khu vực ASEAN hiện nay so với các nước khác.
7. Người tiêu dùng vẫn thiệt vì giá xăng.
Sau đợt điều chỉnh xăng dầu ngày 20/9, các chuyên gia xăng dầu cho rằng, giá xăng hiện chưa phản ánh đúng thực tế bởi thị trường nhập khẩu xăng dầu nay đã thay đổi nhiều. Đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ở phía Nam cho biết lượng xăng và lợi nhuận của doanh nghiệp nhập từ Hàn Quốc đã tăng từ 10% lên 70% trong mấy tháng gần đây, sau mốc Hiệp định thương mại song phương được ký kết giữa Việt Nam và Hàn Quốc (thuế nhập khẩu giảm còn 10% so với mức 20% của các thị trường khác) .
“Số lượng xăng nhập từ Hàn Quốc tăng gấp 6 lần vừa qua là thực tế phản ánh điều này. Tuy nhiên, vấn đề là doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu từ thị trường có mức thuế thấp, song giá bán ra vẫn cao theo mức thuế nhập khẩu được tính chung từ các thị trường có mức thuế cao là vô lý. Điều này không chỉ khiến nhà nước thất thu thuế mà người tiêu dùng cũng chịu thiệt”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả thị trường (Bộ Tài chính) nhận định và cho rằng, cách tính này đang “hỗ trợ” tốt cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu trục lợi.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)