banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 20/9
Cập nhật lúc 09:50 ngày 21/09/2016

Trong ngày 20 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:"Chúng tôi thường xuyên bị đe dọa, mua chuộc..."; Xăng tiếp tục tăng giá từ 15h; Mỗi ngày, Tập đoàn Khoáng sản Việt Nam phải trả hơn 12 tỷ đồng lãi vay; Việt Nam nấu bia nhiều gấp rưỡi trong 2 thập kỷ tới; Khó đáp ứng quy định kích cỡ gạo xuất sang Trung Quốc; Ống thép không gỉ của Sơn Hà xuất sang Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá 310%.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

 

1. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh:"Chúng tôi thường xuyên bị đe dọa, mua chuộc...". Báo chí đưa tin đậm nét về phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại cuộc họp với đại diện Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành về kiểm tra, xử lý vi phạm về bán hàng đa cấp (BHĐC) chiều 19/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, ông thường xuyên nhận được những lời đe dọa và cả mua chuộc từ một số Công ty BHĐC nhưng Bộ Công Thương sẽ vẫn quyết tâm xử lý mạnh với các hành vi BHĐC bất chính, trục lợi, gây hại lớn cho người dân.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 48 Sở Công Thương địa phương đã tiến hành kiểm tra doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành trên cả nước. Kết quả cho thấy 26 doanh nghiệp trên tổng số 48 công ty nằm trong diện kiểm tra có dấu hiệu vi phạm và bị xử phạt với số tiền lên tới gần 4,5 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành nhiều đợt kiểm tra hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn nhiều tỉnh thành phố. Cũng trong báo cáo từ 63 Chi cục Quản lý thị trường cũng cho thấy, từ đầu năm 2015 đến nay, cơ quan này đã kiểm tra, xử lý 353 vụ việc liên quan đến kinh doanh đa cấp với tổng số tiền phạt là gần 5 tỷ đồng. 

2. Xăng tiếp tục tăng giá từ 15h. Theo chỉ đạo điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá bán lẻ các mặt hàng xăng khoáng được phép tăng 156 đồng một lít. Xăng E5 tăng 145 đồng trong khi các mặt hàng dầu hỏa, diesel được giảm 99-133 đồng một lít so với trước. Riêng dầu madút tăng 4 đồng một kg. Theo cơ quan quản lý, quyết định tăng giá bán lẻ được đưa ra do bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 15 ngày qua tăng cao. Trong đó, xăng RON 92 đã ở mức 55,547 USD một thùng; dầu diesel cũng có mức giá bình quân 54,694 USD một thùng; dầu hỏa là 55,074 USD một thùng và dầu madút là 256,273 USD một tấn.


Đây là lần tăng giá thứ 7 của mặt hàng xăng  kể từ đầu năm và là lần thứ 3 liên tiếp sau 4 đợt giảm giá từ tháng 6/2016. Sau 11 lần điều chỉnh (7 tăng, 4 giảm), giá xăng hiện vẫn thấp hơn so với mức đỉnh hồi tháng 6/2016 hơn 240 đồng một lít. 

3. Mỗi ngày, Tập đoàn Khoáng sản Việt Nam phải trả hơn 12 tỷ đồng lãi vay. Báo cáo tài chính của Tập đoàn Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, trong nửa đầu năm nay, kết quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn này sụt giảm mạnh trên hầu hết chỉ tiêu. Cụ thể, kết thúc 6 tháng đầu năm, TKV báo lãi trước thuế 453,4 tỷ đồng, chỉ bằng 38,7% so với cùng kỳ năm 2015. Lãi ròng còn lại đạt 197,2 tỷ đồng, chỉ bằng 22,7% cùng kỳ. Đáng chú ý, mặc dù chi phí tài chính trong kỳ giảm gần 700 tỷ đồng so cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2015 song chi phí lãi vay lại tăng thêm 356 tỷ đồng lên mức 2.188,3 tỷ đồng. Như vậy, bình quân trong nửa đầu năm nay, cứ mỗi ngày, TKV phải trả tới 12,1 tỷ đồng tiền lãi vay.

Theo TKV, trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp, việc thoái vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà, báo cáo của TKV thừa nhận “rất khó khăn và không thể thực hiện được”, mặc dù TKV đã rất nỗ lực tìm giải pháp thoái vốn trong thời gian qua.

4. Việt Nam nấu bia nhiều gấp rưỡi trong 2 thập kỷ tới. Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu được đặt ra là sản xuất 4,1 tỷ lít bia trong vòng 5 năm tới; tăng lên 4,6 tỷ lít vào 2025 và 5,6 tỷ lít vào 2035. Như vậy, trong vòng 20 năm, lượng bia sản xuất sẽ tăng gấp rưỡi so với con số 3,4 tỷ lít năm 2015.


Bản quy hoạch này cũng đặt mục tiêu tăng sản lượng nước giải khát từ 6,8 tỷ lít (2020) lên hơn gấp đôi - đạt 15,2 tỷ lít sau 20 năm. Riêng sản lượng sản xuất rượu vẫn giữ nguyên ở ngưỡng 350 triệu lít, song sẽ tăng dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp từ 30% lên 50%. Với bản quy hoạch khá “đồ sộ”, tổng số vốn đầu tư dự kiến toàn ngành lên hơn 27.300 tỷ đồng trong 4 năm tới. Trong đó, ngành bia hơn 17.700 tỷ đồng; rượu 791 tỷ đồng và nước giải khát trên 8.830 tỷ.

5. Khó đáp ứng quy định kích cỡ gạo xuất sang Trung Quốc. Gần đây, việc các nhà nhập khẩu Trung Quốc đưa ra quy định chiều ngang hạt gạo phải nhỏ hơn 2mm đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp gạo trong nước. Theo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu ở ĐBSCL, sẽ rất khó có thể đáp ứng được yêu cầu này. Lý do là bởi hiện chiều ngang hạt gạo của nước ta xuất khẩu vào Trung Quốc thường trên 2mm. Trong khi phần lớn các nhà máy chế biến chỉ có thiết bị tách vỏ, lau bóng… chứ không có công nghệ xử lý kích cỡ hạt gạo.


Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để đáp ứng yêu cầu này, khâu tổ chức sản xuất của ngành nông nghiệp phải thay đổi, mà cụ thể là phải chọn được giống lúa hạt nhỏ để nhân rộng dần. Tuy nhiên, đây chưa phải là giải pháp bền vững bởi Trung Quốc là thị trường liên tục thay đổi các rào cản cả về thương mại lẫn kỹ thuật nhằm gây khó doanh nghiệp Việt Nam.

6. Ống thép không gỉ của Sơn Hà xuất sang Thái Lan bị áp thuế chống bán phá giá 310%. Tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết Bộ Thương mại Thái Lan đã áp thuế chống bán phá giá dao động từ 2,38% – 310,74% đối với ống thép hàn không gỉ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam trong 5 năm, có hiệu lực từ ngày 17/9. Cụ thể, ống thép không gỉ của Việt Nam nhập khẩu từ Công ty CP Quốc tế Sơn Hà và những công ty khác bị đánh mức phạt chống bán phá giá cao nhất 310,74%.


Theo một thông báo được công bố trên Công báo Hoàng gia Thái Lan ngày 16/9, các sản phẩm bị nhắm tới là ống thép tròn và không tròn với đường kính ngoài lên đến 508mm và được phân loại theo mã HS 7305.31.10.000, 7306.11.10.000, 7306.11.90.000, 7306.21.00.000, 7306.40.10.010/020, 7306.40.20.010/020, 7306.40.30.010/020, 7306.40.90.010/020 và 7306.61.00.021/020.

LH (Nguồn VP Bộ CT)