Trong ngày 16 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Nguy cơ thương hiệu quốc gia bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm; Chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Zogo; Khởi tố 4 bị can nguyên lãnh đạo PVC; Xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng vượt dự báo; Băng nhóm buôn lậu đánh chết một cán bộ Quản lý thị trường;Nên để Đạm Ninh Bình sẵn sàng phương án phá sản; Sự cố vỡ đường ống dẫn dòng Thuỷ điện Sông Bung 2; Lọc dầu làm... nghèo ngân sách?.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Nguy cơ thương hiệu quốc gia bị doanh nghiệp ngoại thâu tóm.
Thực tế, rất nhiều DN nước ngoài vào Việt Nam, đường hoàng nhận các ưu đãi khủng mà các doanh nghiệp trong nước mơ ước nhưng thực tế đóng góp cho ngân sách và nền kinh tế không hề xứng tầm. Ngay cả các đại gia ngoại báo lãi thì thực đóng góp cho kinh tế rất thấp.
Văn kiện Đại hội 12 cũng xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế trong nước, điều này cũng phù hợp với chủ trương thoái vốn Nhà nước khỏi các DN lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk… Nhưng sau thoái vốn Nhà nước thì các thương hiệu Việt này về tay ai?
Khi nắm được kênh phân phối sâu đến từng điểm bán lẻ tận vùng nông thôn, các đại gia ngoại không khó để chi phối thị trường, thậm chí đưa vào hệ thống nhiều sản phẩm tiêu dùng nhập ngoại ngoài bia, rượu, sữa… đè bẹp các nhà sản xuất nội địa khác.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tránh tình trạng trên, cần có phương án ưu tiên DN nội đủ tiềm lực tham gia vào các lĩnh vực quan trọng khi nhà nước thoái vốn và kiềm chế các DN ngoại tiếp cận sâu.
2. Chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Zogo.
Chiều 15-9, Bộ Công Thương ra thông báo chính thức chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty cổ phần Zogo (địa chỉ trụ sở chính: số 184 Thái Thịnh, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Lý do công ty này bị chấm dứt hoạt động, theo Bộ Công Thương, là do Zogo không kinh doanh các mặt hàng đã đăng ký theo phương thức bán hàng đa cấp.
3. Khởi tố 4 bị can nguyên lãnh đạo PVC.
Sáng 16/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an ra thông báo cho biết đang tiến hành điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm để xảy ra thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
C46 ra quyết định khởi tố 4 bị can, gồm: Vũ Đức Thuận, nguyên ủy viên HĐQT kiêm Tổng GĐ; Nguyễn Mạnh Tiến, Phó TGĐ; Trương Quốc Dũng, nguyên Phó TGĐ và Phạm Tiến Đạt, nguyên Kế toán trưởng PVC. 04 bị can trên bị khởi tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 165 Bộ luật Hình sự.
4. Xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng vượt dự báo.
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Việt Nam trong tháng 8 đạt 2,54 triệu bao (152.678 tấn), tăng 9,2% so với tháng 7. Con số này cũng cao hơn đáng kể so với dự báo 100.000-120.000 tấn mà thị trường đưa ra cũng như 140.000 tấn ước tính của chính phủ. Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam từ đầu niên vụ 2015-2016 đến nay đạt 1,61 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
5. Băng nhóm buôn lậu đánh chết một cán bộ Quản lý thị trường.
Ông Nguyễn Kim Danh, cán bộ Đội quản lý thị trường số 1 đóng tại huyện Đức Hòa, đã bị các đối tượng thuốc lá lậu đánh tử vong khi đang đi làm nhiệm vụ. Ông Danh bị đánh vào đầu, rớt xuống sông. Dù đồng đội đi cùng đã nhảy theo vớt được lên bờ, cố gắng sơ cứu nhưng ông đã tử vong. Các đối tượng gây án cũng cướp lại tang vật, tẩu thoát. Sáng 16.9, ông Nguyễn Anh Việt, Chi cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) Long An cho biết, đang phối hợp công an để làm rõ vụ việc.
6. Lọc dầu làm... nghèo ngân sách?.
Tại Hội thảo đánh giá trợ cấp năng lượng Việt Nam mới đây, khi bàn về tác động kinh tế của các khoản trợ cấp năng lượng, bà Masami Kojima, đại diện WB cho rằng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn là nhà máy lọc dầu duy nhất tại Việt Nam đi vào hoạt động từ năm 2009 và sử dụng nguồn nguyên liệu dầu thô trong nước và chuyển sang hoạt động thương mại từ tháng 5/2010. Nhìn vào quy mô thì nhà máy có đủ quy mô cạnh tranh hiệu quả. Bình Sơn dùng dầu thô ngay trong nước thì sản xuất, phân phối đáng lẽ ra phải thấp hơn các nơi khác. Bên cạnh đó, còn được hưởng ưu đãi là thuế thu nhập doanh nghiệp và giữ lại số tiền tương đương mức ưu đãi.
Một dự án năng lượng khác là Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sắp đi vào hoạt động có vốn đầu tư lên đến 9 tỷ USD cũng đang đứng trước nguy cơ phải bù lỗ hàng tỷ USD. Trong khi nguồn thu ngân sách ngày càng khó khăn thì chỉ với hai nhà máy lọc dầu này, ngân sách Nhà nước đang đứng trước nguy cơ thâm hụt hàng tỷ USD. Nói cách khác các dự án lọc dầu đang làm... nghèo ngân sách.
7. Nên để Đạm Ninh Bình sẵn sàng phương án phá sản.
Việc UBND tỉnh Ninh Bình có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho dự án Nhà máy đạm Ninh Bình được nhiều báo phản ánh, nhấn mạnh dự án này đã có khoản lỗ và nợ hơn 10.000 tỷ đồng dù trước đó đã nhận được nhiều ưu đãi chính sách.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng nên để Đạm Ninh Bình sẵn sàng phương án phá sản do sản phẩm không cạnh tranh được trong bối cảnh hội nhập. Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Doanh nghiệp nhà nước Ngô Minh Hải (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) nhận định dự án trên là trường hợp điển hình của đầu tư tràn lan, kém hiệu quả; cần thanh lọc đội ngũ lãnh đạo, bán hết vốn nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hóa để doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường.
8. Sự cố vỡ đường ống dẫn dòng Thuỷ điện Sông Bung 2
- Báo chí tiếp tục quan tâm phản ánh về sự cố vỡ đường ống dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 (tỉnh Quảng Nam) ngày 13/9, tập trung vào một số luồng thông tin:
+ Trước khẳng định của chủ đầu tư về sự cố vỡ đường ống ở thủy điện Sông Bung 2 là do thời tiết, ý kiến của một số nhà khoa học, giáo sư, chuyên gia về thủy lợi (GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam; GS.TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam; TS Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường…) cho rằng đây là sự cố nghiêm trọng, hoàn toàn là lỗi kỹ thuật và thi công của công trình; trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và đơn vị thi công công trình.
+ Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành đã rút ngắn thời gian tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tại Trung Quốc và trực tiếp có mặt tại công trường để chỉ đạo GENCO2 và Ban QLDA thuỷ điện Sông Bung 2 cùng các đơn vị liên quan tiếp tục tìm kiếm 2 công nhân mất tích; phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng; chỉ đạo các đơn vị tư vấn, nhà thầu khẩn trương khắc phục sự cố.
+ Cuối giờ chiều 15/9, EVN cho hay, hiện tại trên công trình hồ chứa, lòng hồ của thủy điện này đã được tháo cạn nước thông qua hầm dẫn dòng về hạ lưu (theo lưu lượng nước về tự nhiên). “Tất cả các hạng mục công trình chính hoạt động bình thường, đảm bảo an toàn.”,
+ Buổi làm việc giữa đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng dẫn đầu với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, nhấn mạnh các chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương về việc tập trung tìm kiếm các nạn nhân mất tích, đồng thời triển khai các biện pháp để bảo đảm an toàn vùng hạ lưu; hỗ trợ bồi thường thiệt hại cho người bị nạn cũng như người dân địa phương; xác định nguyên nhân sự cố để khắc phục, bảo đảm công trình an toàn trong thời gian tới; các địa phương tập trung nghiên cứu, rà soát các đập thủy điện để tránh xảy ra sự cố tương tự.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)