Trong ngày 05 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Vấn đề thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco; Phế phẩm cá bán cho người ăn; Người tiêu dùng "gánh" thêm tiền thuế xăng dầu; Thúc đẩy thương mại Việt Nam –ASEAN; Thép nhập khẩu giảm do Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá; Bị đề nghị truy thu thuế 920 tỷ đồng, Habeco “cầu cứu” Bộ Công Thương.
Thông tin cụ thể:
1. Vấn đề thoái vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco.
Chính phủ đã dứt khoát thoái toàn bộ vốn khỏi Habeco và Sabeco với lộ trình cụ thể. Đây là động thái quyết liệt trong lúc quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn diễn ra rất chậm chạp trong thời gian qua.
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam số ra ngày 05/9, trong bài viết “Bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco: Cần đẩy mạnh ở những doanh nghiệp nhà nước khác”, tác giả bài viết cho rằng quá trình thoái vốn này cần được tiếp tục triển khai một cách mạnh mẽ với các doanh nghiệp nhà nước khác trong thời gian tới. Kế hoạch bán vốn nhà nước tại hai DN này của Bộ Công Thương được đánh giá là rất cần thiết.
Tuy nhiên, trong bài viết trên báo điện tử VTV.vn ngày 02/9, tác giả lại cho rằng việc thoái vốn tại 2 DN này làm nảy sinh ý kiến lo ngại có thể mất thương hiệu bia Việt như bia Sài Gòn, bia Hà Nội.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh - chuyên gia tài chính nhận định: "Tôi cho rằng đây là một lo ngại hợp lý. Đây là hai thương hiệu có các sản phẩm mang tính quốc gia nên chúng ta cần có rào cản về hành lang pháp lý để bảo vệ các thương hiệu như thế này. Bản thân Habeco, Sabeco cũng là các thương hiệu có giá trị, giá trị đó được đưa vào trong quá trình cổ phần hóa. Vì thế, cả về mặt vĩ mô và vi mô, chúng ta cần có hàng loạt biện pháp để bảo vệ được các thương hiệu này".
2. Phế phẩm cá bán cho người ăn.
Theo quy định, những phế phẩm từ cá do các công ty chế biến thực phẩm thải ra chỉ dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Nhưng trên thực tế, nguồn phế phẩm này vẫn đang được một số đầu nậu thu gom về “làm đẹp” rồi tuồn ra chợ bán cho người ăn.
Bài viết “Phế phẩm cá bán cho người ăn” trên báo Thanh niên ngày 05/9 phản ánh: một cơ sở thu mua phế phẩm cá nằm trên đường Phan Anh (P.14, Q.6, TP.HCM) bốc mùi hôi thối ra khu dân cư. Cơ sở này thu mua phế phẩm cá về phân loại, sơ chế rồi đem bỏ mối tại các chợ, quán ăn và bếp ăn công nghiệp trên địa bàn quận 6, Tân Phú và Bình Tân.
3. Người tiêu dùng "gánh" thêm tiền thuế xăng dầu.
Thay đổi trong cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, cụ thể là mức thuế được tính trên mức giá đầu ra bao gồm cả các chi phí khiến giá bán lẻ xăng dầu chịu thêm áp lực và người dân phải gánh thêm số tiền 100-200 đồng mỗi lít. Ngày 05/9, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu cụ thể: RON92 tăng 702 đồng, E5 tăng 611 đồng, diezen tăng 474 đồng, dầu hỏa tăng 489 đồng, Mazut tăng 502 đồng và giữ nguyên mức trích quỹ bình ổn xăng dầu.
Công văn số 718 ngày 18/8 của Bộ Tài chính cho biết, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng sẽ được tính toán theo Nghị định 100 hướng dẫn luật Thuế giá trị gia tăng, luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và luật Quản lý thuế sửa đổi, có hiệu lực ngày 01/7/2016.
Với cách tính mới, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng sẽ được tính trên giá đầu ra bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường, chi phí định mức, lợi nhuận định mức và các chi phí bán hàng khác.
Như vậy, với mức tiêu thụ trung bình khoảng 12 triệu tấn xăng mỗi năm, số tiền người dân phải gánh thêm lên tới hơn 3.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện thuế phí đã chiếm một tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá xăng dầu. Với cách tính mới người dân lại chịu thêm gánh nặng khi thuế chồng lên thuế. Một số ý kiến đề nghị, nên xem xét bỏ áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu, vì bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm hạn chế những mặt hàng tiêu dùng xa xỉ trong khi đó xăng dầu là mặt hàng được sử dụng phổ thông và là đầu vào của các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
4. Thúc đẩy thương mại Việt Nam – ASEAN tại CAEXPO 2016.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã trả lời các báo trước thềm Hội chợ Trung Quốc – ASEAN lần thứ 13 (CAEXPO 2016). Trong bài báo đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam số ra ngày 05/9 có nội dung: Thứ trưởng cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao hiệu qủa khi tham gia CAEXPO với giá trị thương mại kỳ vọng từ hội chợ lần này là hơn 100 triệu USD. Đây là cơ hội tốt để khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Khu gian hàng thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay sau nước chủ nhà Trung Quốc. Điều này đã minh chứng rõ ràng nhất rằng các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao hiệu quả khi tham gia Hội chợ CAEXPO.
Đối với Việt Nam, CAEXPO 2016 là sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng giúp tăng cường liên kết với các nước trong khu vực, khai thác tối đa lợi ích do khu vực tự do mậu dịch ASEAN – Trung Quốc đem lại. Đồng thời tăng cường xuất khẩu hàng hóa dịch vụ của VIệt Nam sang Trung Quốc và các nước ASEAN.
5. Thép nhập khẩu giảm do Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, do tác dụng của áp thuế chống bán phá giá nên việc nhập khẩu thép và phôi thép đã giảm mạnh. Trong nửa đầu tháng 8, nhập khẩu sắt thép các loại đạt 688.000 tấn với kim ngạch 352,6 triệu USD, giảm 14% về lượng và giảm 5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2015.
Bộ Công Thương dự báo giá bán lẻ thép xây dựng tại thị trường trong nước tháng 9 tiếp tục ổn định do nguồn cung dồi dào.
6. Habeco bị đề nghị truy thu thuế 920 tỷ đồng.
Sau khi Kiểm toán Nhà nước đưa ra đề nghị truy thu thêm đối với Habeco 920,2 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng trong đó phản ánh rằng, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước không thống nhất với các quy định pháp luật về thuế.
Cuối tháng 6, Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đã có công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị xem xét các kiến nghị của báo cáo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Khu vực I liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đề nghị thu bổ sung của Habeco và các công ty thành viên. Tuy nhiên, trong một văn bản kiến nghị lên Thủ tướng mới đây của Bộ Công Thương cho rằng, các kiến nghị truy thu thuế TTĐB cho giai đoạn 2012-2015 mà KTNN đưa ra đối với Habeco (cũng như với Sabeco và Vinataba) đang dựa trên cách giải thích khác với quy định và khác với hướng dẫn của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) ban hành trước đó.
Bộ Công Thương cho rằng, doanh nghiệp “hoang mang do không có sự nhất quán trong việc giải thích và hướng dẫn việc thực thi pháp luật và các quy định của Nhà nước”.
Hơn nữa, trong giai đoạn trước, các doanh nghiệp đã thực hiện việc quyết toán với cơ quan thuế, phân phối lợi nhuận và chia cổ tức cho các cổ đông. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng, việc điều chỉnh nghĩa vụ thuế theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của cổ đông và gây khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp do không xác định được nguồn để nộp thuế.
Cho rằng cần phải có sự thống nhất giữ các cơ quan quản lý Nhà nước để đảm bảo việc áp dụng pháp luật công bằng và minh bạch, với tư cách là bộ chủ quản, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét ý kiến của Bộ Công Thương, trao đổi với các cơ quan liên quan giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp, đảm bảo áp dụng pháp luật thống nhất, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Đồng thời rà soát quy định hiện hành để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện Luật Thuế TTĐB.
Đối với trường hợp của Habeco, Bộ Công Thương đề nghị, trong thời gian chờ Thủ tướng xem xét và chỉ đạo giải quyết, doanh nghiệp chưa phải nộp bổ thuế TTĐB.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)