Trong ngày 01 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bán 50.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Habeco, Sabeco trong 16 tháng; Thực phẩm chức năng nghi giả bị tạm giữ lên tới hàng chục ngàn sản phẩm; Tạo sắc thái mới cho xuất khẩu gạo; Thủ tướng yêu cầu dừng xây dựng nhà máy thủy điện tại Vườn quốc gia Yok Đôn; Tập đoàn Dệt May Việt Nam: Dây dưa chi trả 11,58 tỉ đồng quỹ phúc lợi cho công nhân.
Thông tin cụ thể:
1. Bán 50.000 tỷ đồng vốn Nhà nước tại Habeco, Sabeco trong 16 tháng.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới việc thoái vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ quan này đã "chốt" lộ trình niêm yết, phương án thoái vốn Nhà nước tại TCTy Bia, Rượu, Ngức giải khát Hà Nội (Habeco) và Sài Gòn (Sabeco).
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, dù Habeco đã cổ phần hoá nhưng Nhà nước vẫn giữ gần 82% vốn điều lệ và tỷ lệ này tại Sabeco là gần 89,6%. Cụ thể, Nhà nước sẽ thoái toàn bộ 82% vốn đang nắm giữ tại Habeco, tương đương 9.000 tỷ đồng trong năm 2016.Riêng lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ chia làm 2 đợt: Đợt 1 thoái 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt thứ 2 sẽ thoái tiếp 36% còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
2. Lượng thực phẩm chức năng nghi giả bị tạm giữ lên tới hàng chục ngàn sản phẩm.
Theo báo cáo nhanh ngày 31/8 về vụ việc kiểm tra mặt hàng thực phẩm chức năng của Công ty TNHH Slim HMN Việt Nam, Chi cục QLTT và Phòng An ninh kinh tế (PA81) CATP Hà Nội cho biết, có hàng chục nghìn sản phẩm TPCN không có hóa đơn, chứng từ nhập khẩu và bị nghi làm giả. Đồng thời, QLTT cũng đã phát hiện nhiều nhà thuốc, quầy thuốc bán TPCN của công ty trên cùng nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, hóa đơn chứng từ.
Theo lời một quan chức cao cấp của Ban chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), đây là một vụ đặc biệt nghiêm trọng.
3. Tạo sắc thái mới cho xuất khẩu gạo.
So sánh với cùng kỳ năm 2015, xuất khẩu gạo quý I/2016 tăng 30,1%. 6 tháng lại thành hụt 6,8%. Theo đà ấy sụt thêm, 7 tháng giảm 16,2%, đến 8 tháng giảm 17,4%. 8 tháng 2016 mới xuất bán được 3,3 triệu tấn, bằng 48% kế hoạch năm 2015. Trước tình hình này, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã hạ dự báo mức xuất khẩu gạo năm 2016 từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,7 triệu tấn - mức thấp nhất trong 8 năm năm gần đây. Và còn có thể sẽ hạ tiếp.
Bên ngoài là sự giảm nhu cầu cùng với việc thay đổi chính sách kiềm chế nhập khẩu ở các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam và không loại trừ áp lực từ việc Thái Lan xả kho gạo tồn kho. Còn bên trong thì hiện tượng thời tiết cực đoan hạn, mặn trên diện rộng đã ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất lúa gạo.
4. Thủ tướng yêu cầu dừng xây dựng nhà máy thủy điện tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
Thủ tướng Chính phủ vừa giao các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo việc không xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích 63ha đất lâm nghiệp tại Vườn quốc gia Yok Đôn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị chuyên đề về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.
5. Tập đoàn Dệt May Việt Nam: Dây dưa chi trả 11,58 tỉ đồng quỹ phúc lợi cho công nhân.
Theo đơn kêu cứu của những người từng làm việc tại Cty TNHH MTV TM Thời trang Dệt may VN (Vinatexmart thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - TĐDM) thì số tiền 11,58 tỉ đồng Quỹ Khen thưởng phúc lợi không được Vinatexmart và TĐDM chi trả đúng theo quy định của pháp luật. Gần 3 năm khiếu nại nhưng người lao động vẫn chưa được TĐDM giải quyết thỏa đáng. Thậm chí Tập đoàn này đã bán Công ty Vinatexmart cho một doanh nghiệp khác.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)