Trong ngày 30 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính bị truy trách nhiệm sau thanh tra EVN; Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam phát hành bán cổ phần thu về 2.100 tỷ đồng; Chính phủ họp tiếp về bán vốn nhà nước tại Habeco, Sabeco, Vinamilk; Mỹ và Australia siết chặt kiểm soát thủy sản Việt Nam; Gạch ốp lát Việt Nam bị Argentina điều tra bán phá giá.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính bị truy trách nhiệm sau thanh tra EVN.
Theo nguồn tin của Dân trí, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về xử lý kết luận thanh tra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2013. TTCP cho biết, Bộ Công Thương chưa thực hiện rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ này với tổ chức, hoạt động của EVN nhằm tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và tái cơ cấu với tập đoàn này.
Bộ Công Thương cũng được TTCP nhắc chưa làm đúng trách nhiệm khi chưa thực hiện nhiều việc khác đã nêu trong kết luận thanh tra như chưa chỉ đạo EVN đề xuất các biện pháp xử lý công nợ khi bàn giao Tổng công ty Truyền tải điện và 5 Tổng công ty điện lực với các đối tác ngân hàng và EVN; chưa chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và các cá nhân có liên quan kiểm điểm, xử lý theo thẩm quyền trong việc ban hành khung giá phát điện phù hợp với lộ trình các cấp độ phát triển của thị trường điện, chưa ban hành khung giá bán buôn điện bình quân, giá truyền tải điện trước đây.
Về phía Bộ Tài chính, TTCP cũng cho rằng, Bộ này cũng chưa tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trách nhiệm của Bộ này với một số tồn tại, khuyết điểm được nêu trong kết luận thanh tra trước đây; chưa thực hiện rà soát những việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ này đối với tổ chức, hoạt động của EVN.
Do đó, TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 2 Bộ trên thực hiện dứt điểm những nội dung chưa thực hiện, báo cáo Thủ tướng nhất là về công tác kiểm điểm trách nhiệm về một số tồn tại, khuyết điểm đã nêu để TTCP tiếp tục theo dõi, xử lý trong quý III/2016.
2. Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam phát hành bán cổ phần thu về 2.100 tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo kết quả đấu giá bán cổ phần Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Theo đó, VEAM đã chào bán 167 triệu cổ phần, giá khởi điểm đạt 14.290 đồng. Hơn 240 nhà đầu tư đã tham gia phiên đấu giá. Tổng hợp kết quả, công ty bán được 89,5% cổ phần, tương ứng với 149,5 triệu cổ phần. Mức giá cao nhất đạt 16.520 đồng, thấp nhất là 14.290 đồng. Bình quân giá bán đạt 14.291 đồng. Tổng giá trị thu về khoảng 2.136 tỷ đồng.
Kết quả cũng cho thấy một tổ chức trong nước đã chi tới gần 1.100 tỷ đồng để mua gần 80 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua 30 triệu cổ phần. Như vậy, VEAM vẫn còn khoảng hơn 18 triệu cổ phần chưa được bán hết trong đợt IPO này. Thu hút nhà đầu tư nhờ sở hữu cổ phần tại các "đế chế" ngành xe song ngành nghề kinh doanh cốt lõi của công ty là chế tạo động cơ, máy nông nghiệp chỉ chiếm 15-25% thị phần và đang bị cạnh tranh khốc liệt bởi hàng Trung Quốc. Thêm nữa, đợt IPO của VEAM có quy mô lớn, đòi hỏi lượng vốn không nhỏ nên thị trường chưa thể hấp thụ hết ngay. Dự kiến sau cổ phần hóa, vốn điều lệ của công ty tăng lên 13.288 tỷ đồng.
3. Chính phủ họp tiếp về bán vốn nhà nước tại Habeco, Sabeco, Vinamilk.
Báo chí đưa tin, chiềungày 29/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại Sabeco; Habeco; cổ phần của SCIC tại 10 công ty trong đó có Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).
Riêng với việc bán vốn nhà nước tại Habeco và Sabeco là những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, Thủ tướng chỉ rõ, để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước. Ngay cả việc định giá cổ phần cũng phải khẩn trương tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có năng lực, kinh nghiệm, tránh trường hợp định giá không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước. Việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương trên cơ sở các quy định hiện hành, các ý kiến bộ, ngành, các ý kiến của Thường trực Chính phủ, xây dựng phương án bán tiếp cổ phần tại Habeco, Sabeco, bảo đảm hiệu quả cao nhất, từ đó rút bài học kinh nghiệm cho việc bán vốn tại các doanh nghiệp khác. Thủ tướng cũng giao Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp giám sát quá trình này.
4. Mỹ và Australia siết chặt kiểm soát thủy sản Việt Nam.
Mỹ và Australia vừa đưa ra thông báo sẽ siết chặt hơn việc kiểm soát thủy sản nhập khẩu, trong đó có thủy sản từ Việt Nam. Đối với thị trường Mỹ, nguyên nhân do từ đầu năm đến nay, nước này đã phát hiện rất nhiều lô tôm có nhiễm dư lượng kháng sinh. Lý giải cho tình trạng này, nhiều chuyên gia khẳng định do thời gian qua, nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam đã mở rộng diện tích nuôi tôm quá nhanh khiến xảy ra tình trạng lạm dụng kháng sinh và hóa chất không an toàn.
Còn với Australia, cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm của nước này đã phân loại thực phẩm nhập khẩu và ban hành chế độ kiểm tra tương ứng. Đối với các cơ sở chế biến thuỷ sản Việt Nam, việc dỡ bỏ chế độ kiểm tra tăng cường đối với các lô hàng thuỷ sản của các doanh nghiệp này hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả kiểm tra nhập khẩu đối với các lô hàng tiếp theo của doanh nghiệp.
5. Gạch ốp lát Việt Nam bị Argentina điều tra bán phá giá.
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này nhận được thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Argentina về việc ngày 18/8, Bộ Sản xuất Argentina đã khởi xướng việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm gạch ốp lát nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Việt Nam.Ngoài Việt Nam còn có các nước cũng bị điều tra gồm Ấn Độ, Malaysia, Brazil, Trung Quốc. Giai đoạn điều tra phá giá là 2015-2016, giai đoạn điều tra thiệt hại là 2013-2016. Biên độ phá giá cáo buộc là: Trung Quốc gần 185%, Ấn Độ gần 107%, Malaysia 126%, Việt Nam gần 30%, và Brazil gần 23%.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)