Trong ngày 24 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Thủ đoạn hô biến đường lậu thành đường nội; Bộ Công Thương hướng giảm chi phí logistics xuống 18% GDP; Bộ Công Thương chuẩn bị bãi bỏ những quy định gây khó doanh nghiệp; Bắt quả tang một cơ sở sản xuất phân bón trái phép; Lũ lớn do mưa hay thủy điện "có vấn đề"?; Lũ lớn do mưa hay thủy điện "có vấn đề"?; Thủy điện miền Trung thiếu nước nghiêm trọng.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Thủ đoạn hô biến đường lậu thành đường nội. Tiếp tục phản ánh về vấn đề này, VTV News đưa tin: Hàng loạt thương hiệu đường của Việt Nam được sử dụng chỉ để làm bình phong cho đường lậu. Bao bì thương hiệu Việt, nhưng bên trong là đường cát của Thái Lan. Với chiêu thức này, không ít lần các đối tượng buôn lậu qua mặt lực lượng chức năng khi kiểm tra.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, các đối tượng buôn lậu đường cát thường thu mua bao bì cũ hoặc bao bì trắng mang qua biên giới để thay thế bao bì đường Thái Lan trước khi vận chuyển về nước, kèm theo đó là tờ hóa đơn cũ mua đường hóa giá trong nước để làm "bùa hộ mệnh" hợp thức hóa những lô đường lậu.
Theo Lực lượng biên phòng An Giang, tình trạng buôn lậu đường cát đang có chiều hướng gia tăng và ngày phức tạp với quá nhiều thủ đoạn tinh vi và hoạt động liều lĩnh. Chính vì thế, cuộc chiến chống buôn lậu đường sẽ còn rất căng thẳng.
2. Bộ Công Thương hướng giảm chi phí logistics xuống 18% GDP. Báo chí đưa tin Bộ Công Thương mới có Dự thảo Quyết định của Thủ tướng về việc phê duyệt Kế hoạch hành động, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Dự thảo đang được Bộ Công Thương xin ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp.
Để có thể phát triển được dịch vụ logistics, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng; nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường…
Cụ thể là cần bổ sung, sửa đổi nội dung về dịch vụ logistics trong Luật Thương mại; xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2020-2030; rà soát các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến logistics của Việt Nam để ban hành mới các chính sách, thể chế pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics…
3. Bộ Công Thương chuẩn bị bãi bỏ những quy định gây khó doanh nghiệp. Dân trí đưa tin, chiều 23/8, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã làm việc với người đứng đầu các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị có liên quan để lắng nghe báo cáo việc rà soát các quy định hiện hành, những vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận, cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.
Theo đó, trong thời gian trước mắt, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ và sửa đổi hoặc bãi bỏ những vướng mắc tại nghị định 19 cho doanh nghiệp kinh doanh khí; cân nhắc bãi bỏ quy định về giấy xác nhận trong kinh doanh hóa chất, nhập khẩu ôtô theo thông tư 20; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Dệt may tháo gỡ những bất cập trong việc kiểm tra mẫu vải quy định tại thông tư 37…
Hiện nay, Vụ Pháp chế đang tập hợp ý kiến, xây dựng, chỉnh sửa để có thể ban hành dự thảo sớm nhất, dự kiến ngay trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới.
4. Bắt quả tang một cơ sở sản xuất phân bón trái phép. Ngày 23/8, Đội Cảnh sát Kinh tế thuộc Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã kiểm tra đột xuất và bắt quả tang một cơ sở sản xuất phân bón trái phép tại tổ 19, thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm).
Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện hơn 400 bao phân bón hữu cơ vi sinh thái dùng cho cây ngắn ngày, nhãn hiệu BIO4, (loại 50 kg/bao) với tổng trọng lượng hơn 20 tấn. Ngoài ra, đơn vị còn phát hiện thêm khoảng 2 tấn bùn than để sản xuất phân bón cùng một số loại phân bón khác để đấu trộn như Lân Văn Điển, Đạm Phú Mỹ… và nhiều trang thiết bị để phục vụ việc sản xuất phân bón.
5. Lũ lớn do mưa hay thủy điện "có vấn đề"? Mưa lũ lịch sử từng xảy ra với bản Na Pa (xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La ) năm 2007 nhưng không gây thiệt hại lớn như đợt lũ vừa qua. Nhiều người cho rằng, chính việc thi công công trình thủy điện ở trong bản đã gây ra tình trạng bồi lấp dòng suối, làm thay đổi dòng chảy khiến nước dâng nhanh.
6. Thủy điện miền Trung thiếu nước nghiêm trọng. Tại miền Trung, nắng hạn vẫn tiếp diễn khiến hầu hết các hồ thủy điện tại đây đang thiếu nước trầm trọng.
Các hồ thủy điện đều về mực nước chết như hồ thủy điện đầu nguồn sông Thu Bồn, Vu Gia, A Vương... Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình hạn hán kéo dài, ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino. Nhiệm vụ cấp thiết hiện nay là phát điện đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương để chia sẻ tài nguyên nước.
Ngoài ra, điều đáng lo ngại khác tại miền Trung hiện nay là nguy cơ nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt tăng cao, bởi nhiều thủy điện tự ý thay đổi dòng chảy các sông suối.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)