Trong ngày 19 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20/2011/TT-BCT; Giá xăng tăng 675 đồng/lít, dầu tăng 253 đồng/lít; Xem xét nhập điện từ Lào; Trung Quốc thêm rào cản, doanh nghiệp thuỷ sản "than" khó khăn; Công ty đa cấp Thiên Lộc vi phạm 12 lỗi; Xuất khẩu gạo giảm mạnh về giá trị.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20/2011/TT-BCT .
Báo chí ngày hôm nay 19/8 đăng tải dày đặc thông tin về Thông tư 20, thông tin chủ yếu khai thác từ nội dung trong Báo cáo về Thông tư 20 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ ngày 18/8/2016.
Đáng chú ý một số bài viết trên các báo: Báo Tiền phong cho rằng “Bộ Công Thương quyết giữ Thông tư 20 có lợi cho “đại gia”; Báo điện tử Vietnam net đưa tin “Bỏ giấy phép con lại đẻ thêm thủ tục: Quyết chặn ôtô nhập” theo Vietnam net: Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Thông tư 20 liên quan đến quy định nhập khẩu ô tô phải có giấy ủy quyền chính hãng. Theo đó, Bộ này đồng ý bãi bỏ Thông tư 20, nhưng lại “đá bóng” sang Bộ Giao thông vận tải để ban hành một loại giấy phép khác.
Dân trí lại cho rằng “Khăng khăng giữ Thông tư 20, Bộ Công Thương ví nhập ô tô như ...hoa quả!”, cũng theo tác giả bài viết Thông tư 20 - Bộ Công Thương bảo vệ “lợi ích nhóm”... Bài viết dẫn bình luận của chuyên gia Kinh tế Ngô Trí Long : "Khi Thông tư 20 ra đời, quy mô thị trường tiêu thụ xe hơi của Việt Nam rất bé. Nhưng nay, quy mô thị trường đã lớn, rộng thì phải có chính sách phù hợp. Quyền lực nhập khẩu không thể tập trung vào tay chỉ một vài DN lớn khiến lũng đoạn giá, bóp méo thị trường được. Tại sao các DN vừa sản xuất, vừa được nhập khẩu, điều đó có làm ảnh hưởng đến chiến lược ngành công nghiệp ô tô hay không? có kích thích họ nội địa hóa để nâng cao mức cạnh tranh hay không? Thị trường và người tiêu dùng đang chịu thiệt về giá bởi quyền nằm trong tay của một vài đơn vị nhập khẩu khiến giá xe nhập tại Việt Nam cao hơn nhiều so với cùng loại ở các nước lân cận, có cùng chính sách thuế, cùng hoặc dưới mức thu nhập".
2. Giá xăng tăng 675 đồng/lít, dầu tăng 253 đồng/lít.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính vừa có thông báo mới về điều hành giá bán lẻ xăng dầu từ 15h30 chiều 19/8. Theo quyết định của Liên Bộ, các mức trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn được giữ nguyên. Sau khi thực hiện trích lập quỹ bình ổn, kể từ 15h, giá xăng RON 92 tăng 675 đồng/lít lên mức tối đa 15.374 đồng/lít. Giá xăng sinh học (E5) cũng tăng 975 đồng/lít lên mức tối đa 15.225 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu diesel tăng 253 đồng/lít lên 11.914 đồng/lít, dầu hoả tăng 200 đồng/lít lên 10.496 đồng/lít và dầu mazut tăng 214 đồng/kg lên mức tối đa 8.837 đồng/kg.
3. Xem xét nhập điện từ Lào.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương bổ sung, hoàn thiện đề án Chiến lược phát triển ngành điện VN đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9.2016.
Phó Thủ tướng yêu cầu bổ sung, nhấn mạnh quan điểm phát triển bền vững, đa dạng hóa nguồn cung cấp điện cả trong nước và nhập khẩu, liên kết lưới điện với các nước láng giềng, trong đó chú trọng đến hợp tác mua bán điện với Lào nhằm bù đắp những thiếu hụt về điện khi phải giảm phát triển một số nguồn điện không đảm bảo an toàn và môi trường.
4. Trung Quốc thêm rào cản, doanh nghiệp thuỷ sản "than" khó khăn.
Thời gian qua, Trung Quốc đã giảm khối lượng nhập khẩu, đặc biệt là với các mặt hàng như gạo, sắn và dăm gỗ… khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó. Không chỉ vậy, Trung Quốc còn tăng rào cản kỹ thuật với một số mặt hàng nông thuỷ sản của Việt Nam.
Nhằm ổn định việc xuất khẩu sang thuỷ sản sang Trung Quốc, Vasep kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật và thủ tục hành chính như trên. Đồng thời đề nghị cơ quan Việt Nam kiến nghị Trung Quốc mở rộng danh mục sản phẩm thuỷ sản được phép nhập khẩu từ Việt Nam.
5. Công ty đa cấp Thiên Lộc vi phạm 12 lỗi.
Trên nhiều báo ra ngày 19/8 đưa tin, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã công bố kết luận kiểm tra đối với Công ty cổ phần nhượng quyền Thiên Lộc - một đơn vị tham gia bán hàng đa cấp. Theo đó, công ty này đã có tới 12 vi phạm các quy định của pháp luật. Cục Quản lý Cạnh tranh đã chuyển tài liệu các vi phạm trên cho các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc tiến hành điều tra để xử lý, theo thẩm quyền. Kết quả xử lý sẽ sớm được công bố công khai.
6. Xuất khẩu gạo giảm mạnh về giá trị.
So với cùng tháng 7 năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam tháng 7 giảm hơn 53% về lượng và 50% về giá trị.
Nguyên nhân xuất khẩu giảm là do thiếu nhu cầu mua từ các thị trường nhập khẩu gạo chính, đặc biệt là Indonesia, Philippines và Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu Châu Phi lại quan tâm nhiều tới những phân khúc gạo có giá rẻ hơn, như gạo cũ Thái Lan hiện đang có giá rất cạnh tranh.
Đáng lưu ý là mặc dù xuất khẩu ảm đạm nhưng giá lúa gạo trong nước vẫn cao, thậm chí còn đang tăng nhẹ. Điều này chứng tỏ lượng cung – cầu lúa gạo năm nay dư thừa không lớn và bà con nông dân có nhiều thuận lợi khi bán được giá cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu lại đang gặp nhiều khó khăn do không có hợp đồng mới.
LH (Nguồn VP Bộ CT)