Thông tin cụ thể như sau:
1.Sự cố tại Nhà máy alumin Nhân Cơ là bài học lớn.
Báo điện tử Dân trí dẫn lời phát biểu của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng tại Hội nghị giao ban ngành Công Thương tháng 7 diễn ra ngày 08/8. Thứ trưởng Vượng cũng yêu cầu Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần tiếp tục sát sao theo dõi, rút kinh nghiệm không để xảy ra sự cố tương tự, ảnh hưởng tới môi trường cũng như tác động đến dư luận.
Phó Tổng giám đốc TKV Nguyễn Văn Biên cho biết ngay sau khi phát hiện sự cố, Công ty Nhôm Đắk Nông đã kịp thời khóa đầu van vào của bơm không cho kiềm thoát ra ngoài, sau 4 phút nguồn kiềm được khống chế hoàn toàn. Công ty cũng thực hiện ngay biện pháp khắc phục và tìm hiểu nguyên nhân sự cố. Bên cạnh đó, theo ông Biên, kết quả xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực cũng đều nằm trong giới hạn quy chuẩn quốc gia.
Trái lại với quan điểm trên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, đây là một sự cố rất nghiêm trọng, tiềm tàng nguy cơ ảnh hưởng lớn tới môi trường ngang với sự cố tại Formosa mới đây.
2. Thông tư 20 hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng.
Trên nhiều bài viết ra ngày hôm nay 09/8, báo chí phản ánh thông tin Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài chính vừa đề nghị Bộ Công Thương xem tính pháp lý của Thông tư 20 (TT20) với các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, đồng thời khẳng định Thông tư 20 gây hạn chế thương mại của các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt việc tồn tại Thông tư 20 gây hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng. Vụ này cũng khẳng định quan điểm của Tổng cục Hải quan khi cho rằng việc bãi bỏ TT20 sẽ dẫn đến lượng nhập ô tô tăng, làm tăng thu ngân sách là chưa hoàn toàn đúng. Đơn vị này cũng đề nghị Bộ Công Thương có đánh giá cụ thể về kết quả đạt được kể từ khi ban hành Thông tư cho đến nay; trên cơ sở đó, nhận định đã đạt được những mục tiêu đề ra hay chưa.
Về khía cạnh pháp lý, Vụ Hợp tác quốc tế của Bộ Tài chính khẳng định việc tồn tại Thông tư 20 trong thời gian qua cần được đối chiếu, xem xét có phù hợp với các quy định trong Luật liên quan hay không. Vụ này cũng đưa ra quan điểm trong bối cảnh hiện nay với xu thế loại bỏ hàng rào thuế quan của các FTA thì càng cần nghiên cứu xây dựng các quy định, tập trung vào xây dựng hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật, việc này phù hợp hơn là hạn chế thương mại, vừa đảm bảo quyền lợi và lợi ích người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực còn non trẻ của Việt Nam.
3. EVN tạm dừng mua điện từ Trung Quốc.
Trong tháng 7 EVN đã tạm dừng mua điện Trung Quốc ở cấp 220 kV và thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục ngưng nhập điện từ Trung Quốc. Nguyên nhân do thời gian qua nhiều tổ máy của các nhà máy thủy điện phía Bắc đã được đưa vào vận hành; nguồn điện từ các thủy điện nhỏ cũng dồi dào do bắt đầu mùa lũ; giá điện mua từ thủy điện đang rẻ hơn giá mua từ Trung Quốc.
4. “Chạy” thuế, doanh nghiệp ồ ạt nhập tôn mạ các loại.
Ông Nguyễn Văn Sưa, phó chủ tịch Hiệp hội thép VN (VSA) xác nhận đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp thương mại đã “tranh thủ” nhập khẩu tôn mạ với số lượng lớn hòng “chạy” thuế, sau khi Bộ Công Thương chính thức khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ lẫn chống bán phá giá đối với tôn mạ màu và mạ kẽm nhập khẩu.
Theo VSA, ngoài lượng tôn mạ nhập khẩu tăng vọt, một số các loại thép khác thuộc diện cần kiểm soát đặc biệt, vẫn có lượng nhập khẩu khủng, bất chấp nhiều chính sách quản lý theo diện nhập khẩu có điều kiện với loại thép này đã được liên bộ ban hành trong thời gian qua.
5. Đề nghị làm rõ trách nhiệm trong các sai sót tại Tập đoàn Than, Dầu khí.
Báo Pháp luật Việt Nam 09/8 đưa tin: Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa có văn bản đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan về những sai sót, tồn tại dựa trên kết quả kiểm toán năm 2015, như: thực hiện thăm dò khi chưa có giấy phép, thăm dò vượt chiều sâu cho phép; thẩm định, phê duyệt đề án khi chưa được sự cho phép của cơ quan cấp phép thăm dò; chỉ định thầu cho các đơn vị vừa lập đề án vừa thi công không đúng quy định; quản lý và hạch toán chi phí thực hiện đầu tư vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt; sử dụng quỹ môi trường sai quy định; quản lý và quyết toán quỹ thăm dò và quỹ môi trường hằng năm còn nhiều sai sót, tồn tại.
Cùng đó, KTNN cũng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện kiểm điểm và chỉ đạo các đơn vị kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, sai sót trong việc mua xăng dầu của các doanh nghiệp khác không tuân thủ quy định tại Nghị định 84/2009 và Nghị định 83/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; chỉ đạo Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan kiểm tra làm rõ sai phạm về việc mua bán xăng dầu tại Petro Mekong và kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)