Trong ngày 08 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Thả nổi nhập khẩu ô tô, thiệt hại lớn; Hoa quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt: Tiểu thương nói có, quản lý bảo không; Vào TPP, doanh nghiệp xuất khẩu nào được tự “khai” xuất xứ hàng hóa; Kiểm toán Nhà nước “mổ xẻ” bệnh của PVN; Nhiều doanh nghiệp kiến nghị về thủ tục nhập khẩu máy móc, động cơ; Đề xuất bỏ, sửa đổi 12 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Thả nổi nhập khẩu ô tô, thiệt hại lớn.
Thông tư 20 tiếp tục nhận được các ý kiến tranh luận nhiều chiều, báo chí phản ánh, ví như “Cuộc chiến” giữa Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), các nhà nhập khẩu chính hãng với các doanh nghiệp nhập khẩu không chính hãng xung quanh việc tiếp tục hay bãi bỏ Thông tư 20 về quy định nhập khẩu xe đã lên đến đỉnh điểm khi cả hai bên đều gửi công văn lên Thủ tướng để bảo vệ quan điểm.
Theo ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO), những quy định trong Thông tư 20 là hết sức cần thiết cho thị trường ô tô hiện nay. Ông Dương nhấn mạnh việc bỏ giấy phép con, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng tôi cho là xu thế cần thiết. Nhưng ngành ô tô phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện vì liên quan đến an toàn của người sử dụng. Bỏ Thông tư 20 sang một bên thì kinh doanh ô tô, nhất thiết phải có điều kiện”.
Trái lại với quan điểm trên, các DN nhỏ và một số cơ quan quản lý liên tục có những yêu cầu bãi bỏ quy định tại Thông tư 20. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, trong văn bản gửi Thủ tướng có cho rằng Thông tư20 phân biệt đối xử giữa các DN, qua đó gián tiếp buộc người tiêu dùng chỉ được mua hàng hóa với một lượng DN nhất định, gây hạn chế cạnh tranh. Ông cũng khẳng định Thông tư 20 có tính chất là một điều kiện kinh doanh. Để tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho thị trường, ông cho rằng cần bãi bỏ Thông tư 20.
Trước VCCI, các Bộ như Bộ Kế hoạch, Bộ Tư pháp, Tổng cục Hải quan... cũng có ý kiến TT20 vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật Sở hữu trí tuệ.
2. Hoa quả Trung Quốc đội lốt hàng Việt: Tiểu thương nói có, quản lý bảo không.
Báo chí phản ánh thông tin nhiều loại trái cây Trung Quốc như cam, lê, táo, mận… đang xuất hiện nhiều trên thị trường với mác hàng Việt Nam. Nhưng cơ quan chức năng cho rằng, số lượng nhập đang giảm.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT): Hiện các loại trái cây Trung Quốc vẫn bình thường, không có gì đột biến, thậm chí số lượng có giảm đi hàng năm.
Chiều 05/8, một đại diện Bộ Công Thương cho biết, việc nhiều loại hoa quả xuất xứ Trung Quốc, đang được bày bán tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương khác trên cả nước, nhưng được gắn mác hoa quả xuất xứ trong nước là thực tế cần ghi nhận. Về phía Bộ Công Thương, lực lượng quản lý thị trường cần vào cuộc kiểm tra, xử lý các cửa hàng bán hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hoa quả.
3. Vào TPP, doanh nghiệp xuất khẩu nào được tự “khai” xuất xứ hàng hóa.
Báo Tiền phong đưa tin: Việt Nam đang trong lộ trình áp dụng quy tắc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo quy định của Bộ Công Thương, doanh nghiệp (DN) có doanh thu từ 10 triệu USD/năm trở lên mới được tự cấp C/O cho hàng hóa của mình khi xuất khẩu. BộCông Thương dự kiến áp dụng trao quyền cấp C/O cho khoảng 100 DN. Với điều kiện về doanh thu, chỉ 72 DN đáp ứng yêu cầu hồ sơ để được tự cấp C/O. Sau gần 1 năm áp dụng, đến nay mới có 2 DN được tự cấp C/O là Vinamilk và Nestle.
Tại tập huấn do Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Hải quan và Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ) tổ chức ngày 6/8, nhiều DN cho rằng điều kiện trao quyền cấp C/O phải có doanh thu 10 triệu USD/năm trở lên là phân biệt đối xử và tạo rào cản đối với DN nhỏ và vừa.
4. Kiểm toán Nhà nước “mổ xẻ” bệnh của PVN.
Tiếp tục phản ánh về vấn đền này, báo Đầu tư chứng khoán phản ánh thông tin xung quanh Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước vừa được công bố. Bài viết nhấn mạnh:Nhiều dự án đầu tư không hiệu quả, đầu tư ngoài ngành đối mặt với khả năng thua lỗ, thậm chí mất trắng, khiến nguy cơ mất vốn nhà nước luôn hiện hữu... Căn bệnh trầm kha của ông lớn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) dường như vẫn chưa có thuốc chữa hữu hiệu, khi những triệu chứng lan rộng ra hàng loạt các đơn vị thành viên trong vài năm trở lại đây
Mặc dù hoạt động kinh doanh có lợi nhuận, song cũng như hàng loạt các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước khác, PVN bị Kiểm toán Nhà nước đưa vào danh sách các doanh nghiệp quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định. Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh tăng khoản thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước của 9 doanh nghiệp Nhà nước thêm 6.220 tỷ đồng trong năm 2014, riêng khoản điều chỉnh của PVN là 4.562,81 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, với những căn bệnh nặng lâu năm như vậy của PVN, cũng như các doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước cần có những biện pháp mạnh làm rõ đến cùng trách nhiệm, sai phạm của từng cá nhân dẫn tới hậu quả, nguy cơ thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước; đồng thời chấn chỉnh lại công tác giám sát đầu tư, cải cách quản trị, quản lý nhà nước, trong đó cần công khai minh bạch trách nhiệm giải trình.
5. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị về thủ tục nhập khẩu máy móc, động cơ.
Trong bài viết của mình, Thời báo Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh ý kiến của ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hiệp hội DN Cơ khí – Điện TP.HCM: Trong khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới tập trung đánh thuế những mặt hàng nhập khẩu nguyên chiếc và nới lỏng cho việc nhập nguyên liệu, vật tư về sản xuất thì Việt Nam lại làm ngược lại. Đó là một trong những lý do nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi tiếp cận chính sách của Việt Nam đã quyết định đầu tư làm thương mại, nhập hàng thành phẩm vào bán thay vì đầu tư nhà máy để sản xuất.
Ông Tống cũng thể hiện bức xúc trước việc BộCông Thương chỉ giao cho Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) tại Hà Nội được kiểm tra hiệu suất năng lượng của hàng hóa khi nhập khẩu vào Việt Nam. Do đó, máy móc nhập khẩu về phía Nam, có những chiếc máy nặng hàng tấn phải chuyển ra Hà Nội để kiểm tra. Trong khi đó, Quatest 1 không đủ năng lực, thiết bị để kiểm tra mà DN nhập khẩu lại phải chuyển hàng sang Công ty CP Chế tạo máy điện Việt Nam – Hungary để kiểm tra và từ đó Quatest 1 dựa trên kết quả đó để đóng dấu xác nhận đạt hay không.
Bà Đặng Phương Dung, chuyên gia của GIG USAID, cho rằng tại sao không xã hội hóa mạnh công tác kiểm định, kiểm tra này, và thắc mắc việc động cơ, máy móc chúng ta nhập về đều xuất xưởng của các hãng nổi tiếng được thị trường quốc tế công nhận thì có cần kiểm tra không.
6. Đề xuất bỏ, sửa đổi 12 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Trên nhiều báo ngày 08/8 đưa thông tin Bộ Công Thương vừa có công văn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 12 ngành nghề kinh doanh có điều kiện gửi Bộ KH-ĐT để tổng hợp trình Chính phủ. Cụ thể: bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (Kinh doanh ngành, nghề có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kinh doanh dịch vụ nổ mìn và dịch vụ gia công; tái chế, sửa chữa, làm mới sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng thuộc danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu cho đối tác nước ngoài) và sửa đổi 9 ngành, nghề khác.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị gộp kinh doanh một số ngành nghề như: ngành nghề “kinh doanh phân bón”; nghề kinh doanh khoáng sản; nghề kinh doanh thực phẩm có điều kiện về an toàn thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ NN-PTNT. Cùng đó, Bộ Công Thươngđã ban hành Thông tư 04 sửa đổi, bổ sung một số Thông tư về thủ tục hành chính với việc bãi bỏ 30 thủ tục hành chính khác nhau.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)