Trong ngày 01 tháng 8 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Thông tin cụ thể như sau: Thanh tra Chính phủ “khui” sơ hở dễ phát sinh tham nhũng tại Petrolimex; Bình Định xin bỏ dự án lọc hoá dầu 22 tỷ USD của đại gia Thái Lan; Đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Mảng tối ngành khai khoáng.
1. Thanh tra Chính phủ “khui” sơ hở dễ phát sinh tham nhũng tại Petrolimex.
Liên quan đến vấn đề này, báo điện tử Dân Trí phản ánh: Một trong những vấn đề được Thanh tra Chính phủ (TTCP) nêu tại Kết luận thanh tra đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đó là việc tập đoàn này chưa quản lý chặt chẽ xăng dầu tiêu thụ trước các thời điểm điều chỉnh giá. Sản lượng xăng dầu xuất bán trước thời điểm tăng giá tại một số công ty xăng dầu thành viên tăng bất thường từ 2,3 đến 6,7 lần so với sản lượng bán bình quân. “Đây là dấu hiệu sơ hở trong quản lý, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng nhưng tập đoàn chưa có biện pháp quản lý, khắc phục” – Thanh tra Chính phủ nhận định.
Ngoài ra, TTCP cũng cho rằng, có tình trạng các công ty xăng dầu đang thực hiện bán hàng cho các tổng đại lý, đại lý theo hình thức bao tiêu, chi phí thù lao đại lý trừ trong giá bán, chưa được theo dõi, hạch toán trên sổ sách kế toán. TTCP cho rằng công tác quản lý điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của công ty mẹ đối với các công ty xăng dầu thành viên của Petrolimex chưa tuân thủ nguyên tắc, không phù hợp với giá bán do liên bộ Tài chính – Công Thương điều hành. Đặc biệt, Petrolimex đã thực hiện không đúng thẩm quyền trong việc tự quyết định và tổ chức thực hiện giá bán lẻ xăng dầu địa bàn vùng 2 (địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu có chi phí cao hơn định mức chi phí cấu thành trong giá cơ sở) cao hơn tối đa 2% giá bán lẻ do liên bộ điều hành, nhưng tổ giám sát liên ngành Tài Chính - Công Thương không kịp thời chấn chỉnh... Điều này đã giúp tăng doanh thu vùng 2 của Petrolimex lên xấp xỉ 2.797 tỷ đồng.
2. Bình Định xin bỏ dự án lọc hoá dầu 22 tỷ USD của đại gia Thái Lan.
Trên nhiều báo ra ngày hôm nay 1/8 đưa thông tin Lãnh đạo Bình Định vừa có văn bản gửi Ban Quản lý Khu kinh tế yêu cầu tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng xin rút Dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội ra khỏi Quy hoạch phát triển dầu khí Việt Nam đến năm 2025. Đồng thời, Ban quản lý sẽ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn các chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Nhơn Hội (Khu A, Khu B, khu C) tiếp tục có kế hoạch hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và xúc tiến thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp theo quy định. Tỉnh nhấn mạnh không thu hút các dự án lọc, hoá dầu.
Đây là hành động chính thức của Bình Định sau khi nhiều lần thúc giục, ra tối hậu thư cho phía Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) về tiến độ của siêu dự án này. Tuy nhiên, cuối tháng 6, PTT vẫn chưa có động thái khởi động dự án nên tỉnh đã buộc phải yêu cầu rút lui, tránh ảnh hưởng đến tình hình thu hút đầu tư của doanh nghiệp khác vào Khu kinh tế Nhơn Hội.
3. Đề xuất bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Báo chí thông tin trước nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét lại tính hiệu quả của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG), các cơ quan quản lý nhà nước vẫn khẳng định sự tồn tại của quỹ này là cần thiết. Tuy vậy, khi diễn biến giá xăng dầu không quá “sốc” như hiện nay, vai trò của quỹ là khá mờ nhạt. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), cho rằng về mặt khoa học thì Quỹ BOG tỏ ra khá “vô thưởng vô phạt” trong việc bình ổn giá xăng dầu, quỹ chỉ thực sự phát huy tác dụng khi xảy ra tình huống giá xăng dầu tăng đột biến với biên độ cực lớn. Khi đó, quỹ sẽ giúp giảm cú “sốc” tăng giá xăng, đồng thời cũng giảm áp lực cho nền kinh tế. Để làm được điều đó, quỹ cần nguồn dự trữ cực lớn, mà điều này là bất khả thi bởi “lạm thu” quá nhiều trong thời điểm giá dầu thấp để tạo nguồn quỹ “khủng” có thể gây tâm lý không đồng thuận.
Theo Tiến sĩ Độ, theo dõi các dự báo gần đây, có thể đặt ra lo lắng về việc giá xăng dầu sẽ tăng trở lại. Khi đó, không dám chắc nguồn quỹ sẽ ứng cứu được đến đâu để hạn chế tăng giá. Mối lo lắng của ông Độ có cơ sở bởi khi đã cạn quỹ, cộng với việc giá trong nước bị kìm hãm trước đó, có thể gây ra tình trạng phải tăng giá cực sốc để tránh lỗ cho doanh nghiệp. Khi đó, quỹ vừa không bình ổn được giá vừa tạo tác dụng ngược, xa rời thị trường. “Do đó, không thực sự cần thiết phải sử dụng quỹ này” - ông Độ đề xuất.
4. Mảng tối ngành khai khoáng.
Một số báo đưa thông tin ngành khai khoáng từng là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2015, nhưng sang năm 2016 hàng loạt các doanh nghiệp khai khoáng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong khi tốc độ tăng trưởng của toàn ngành lại đang theo chiều hướng đi xuống. Điển hình như trường hợp của Công ty Đầu tư Khoáng sản Tây Bắc, từng là một công ty hoạt động tốt trên thị trường nhưng mọi chuyện thay đổi nhanh chóng khi năm 2015 cổ phiếu của công ty này bị hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoáng TP.HCM do thua lỗ, và cách đây hai tháng cổ phiếu này cũng tiếp tục bị hủy niêm yết trên sàn UPCoM.
Cùng với đó là Tập đoàn Hòa Phát đã xin trả lại hai mỏ khai thác quặng sắt Tùng Bá và Cao Vinh ở Hà Giang cho Chính phủ tháng 4 vừa qua. Ngay cả Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tập đoàn khai khoáng lớn nhất cả nước, khối lượng khai thác than trong nửa đầu năm nay cũng đã giảm hơn hai triệu tấn so với kế hoạch đặt ra đầu năm. Trong khi tình trạng khai thác mỏ quặng và than đi xuống, thì khai thác dầu thô cũng chịu chung cảnh ngộ, do giá dầu dù có hồi phục đợt đầu năm những vẫn quanh quẩn dưới 50 USD một thùng.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến ngành khai khoáng trở nên u ám trong năm nay là do giá cả trên thị trường thế giới ở mức thấp. Khi thị trường khó khăn, thì chi phí khai thác và giá bán các loại khoáng sản lại tăng lên, do thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường và thuế xuất khẩu tăng. Đơn cử như từ ngày 1/7 thuế tài nguyên đối với than lộ thiên tăng từ 9% lên 12%, đối với than hầm lò tăng từ 7% lên 10%.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)