Thông tin cụ thể như sau:
1. Tạm ngừng hoạt động 2 doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa thông báo về việc tạm ngừng hoạt động của 2 doanh nghiệp đa cấp.
Theo đó, Công ty TNHH ZIJA Quốc tế (Hà Nội) và Công ty TNHH MTV GANO EXEL Việt Nam (TP.HCM) đều tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp lần lượt từ ngày 1/7/2016 và 17/7/2016.
Thời gian gần đây, các đợt thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng không chỉ phát hiện hàng loạt doanh nghiệp đa cấp vi phạm, mà thông qua đó, những doanh nghiệp đa cấp hoạt động không hiệu quả cũng bị thanh lọc. Cuối tháng 6/2016, Sở Công Thương Hà Nội cũng thông báo nhiều doanh nghiệp đa cấp tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp.
2.Xuất khẩu cá tra tăng vọt.
Theo Tổng cục Thủy sản Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2016, mặc dù việc nuôi trồng và sản xuất thủy sản gặp khó khăn nhưng giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 vẫn tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, tổng giá trị xuất khẩu (XK) cá tra tra đạt 650,3 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK sang Mỹ, Trung Quốc - Hong Khong, Brazil tăng mạnh.
3. Cổ phần hóa doanh nghiệp Bộ Công Thương: Băn khoăn của người lao động là chính đáng.
Phan Đăng Tuất - Vụ trưởng, Thường trực Ban ĐM&PT Doanh nghiệp (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với PV Lao Động xung quanh vấn đề thoái vốn tại 3 DN là Tổng CTCP Xây dựng công nghiệp VN (Vinaincon), TCty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - TKV - thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản VN (TKV) và Cty CP Nhà máy DAP số 2 thuộc Tập đoàn Hóa chất VN (Vinachem).
Ông Tuất cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Đến nay, Ban ĐM&PT DN đã trình kế hoạch triển khai, giới thiệu nhà đầu tư với các DN để thực hiện thương thảo… Yêu cầu của các DN liên quan đến việc xây dựng đề án thoái vốn cụ thể sẽ được xem xét trong quá trình xây dựng phương án. Sau khi sắp xếp lại lao động, nếu có NLĐ không phù hợp sẽ phải nghỉ việc, nhưng vẫn được hưởng các chính sách theo quy định của pháp luật.
4. Nỗi lo thiếu nguồn nguyên liệu cho các nhà máy đường.
Diện tích mía niên vụ đang sụt giảm mạnh do tác động của hạn hán và xâm nhập mặn, nỗi lo thiếu nguyên liệu chế biến đã đến sớm với các nhà máy đường.
Nguồn mía nguyên liệu thiếu không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các nhà máy mà còn là cơ hội để đường nhập lậu tấn công vào thị trường. Đây là nỗi lo lớn nhất của các nhà máy đường hiện nay. Hiện ĐBSCL có 10 nhà máy đường với công suất chế biến hàng triệu tấn mía/năm. Tuy nhiên, diện tích và năng suất mía của vùng liên tục giảm từ 20 - 30% trong khi nhu cầu chế biến lại tăng cao.
5. Dân bức xúc với dự án thủy điện kéo dài tại Phú Yên.
Dự án thủy điện Đá Đen nằm trên địa bàn xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) hơn 10 năm không xong, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân.
Thủy điện Đá Đen được khởi công vào năm 2005. Theo kế hoạch, đến tháng 8-2007, nhà máy này sẽ được đưa vào vận hành. Thế nhưng dù đã được UBND tỉnh Phú Yên gia hạn 3 lần, đến nay nhiều hạng mục của thủy điện vẫn đang trong tình trạng xây dựng dở dang. Hậu quả, nơi triển khai xây dựng Nhà máy bị đào xới ngổn ngang, rừng phòng hộ đầu nguồn sông Bàn Thạch bị triệt hạ không thương tiếc để làm công trình, để lấy gỗ, lấy đất sản xuất.
Rừng đã mất nhưng thủy điện không thấy đâu. Vào mùa mưa, nước từ trên cao đổ xuống, ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất, khu dân cư xung quanh và trở thành mối lo thường trực của người dân nơi đây. Chính quyền xã cũng chỉ biết chờ đợi tiến độ theo công văn phía nhà thầu cung cấp, và hứa hẹn.
LH (Nguồn Bộ Công Thương)