Thông tin cụ thể như sau:
1. Hà Nội: Người dân choáng váng vì tiền điện tăng gấp 4 lần.
Thời tiết vừa vào hè nắng nóng, tiền điện nhiều hộ gia đình tại Hà Nội lại có xu hướng tăng, cá biệt có những trường hợp gấp 4 lần so với tháng trước.
Trả lời phóng viên về việc này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho hay, điều này đã nằm trong trù liệu của Tổng công ty. Những ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, sản lượng điện tiêu thụ của toàn thành phố tăng bình quân 25-30% so với tháng 5. Cá biệt có ngày cao điểm, như ngày 14/6, lượng tiêu thụ đạt tới 66,23 triệu kWh (mức tăng tương đương 41% so với tháng trước).
Giá điện sinh hoạt hiện vẫn được áp dụng theo cách tính giá bậc thang, mức sử dụng điện của khách hàng càng nhiều thì số tiền chi trả càng cao. Giá điện bán lẻ hiện được chia thành 6 bậc, so với giá điện bậc một là 1.484 đồng một kWh, thì giá điện bậc 6 đắt gần gấp đôi, mức 2.587 kWh. Vì thế sẽ có tình trạng, nếu khách hàng sử dụng từ 401 kWh trở lên sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt ở bậc thang số 6, số tiền này có khi chiếm một nửa tổng tiền mà khách hàng phải trả.
2. Nhiều dự án Ethanol chưa phát huy hiệu quả.
Với mục tiêu đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học nhằm mang lại một nguồn nhiên liệu sinh học mới để thay thế một phần nhiên liệu hóa thạch góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện nay nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học lại lâm vào cảnh bế tắc.
Trước một thực tế là việc đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol thời gian vừa qua có nhiều vấn đề bất cập nảy sinh đã khiến nhiều dự án chưa mang lại được hiệu quả như mong muốn. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đầu tư, các bộ ngành, địa phương... đang tìm hướng để giải quyết bài toán đầu tư, gỡ vướng cho các dự án Ethanol. Thế nhưng, hiện tại các giải quyết để đưa các dự án Ethanol thoát khỏi được cảnh khó khăn không phải chuyện một sớm một chiều bởi rất nhiều lý do khác nhau. Từ vốn, công nghệ, đến tìm đầu ra cho sản phẩm đều phải được tính toán, giải quyết đồng bộ.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, nguyên nhân các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol chưa mang lại hiệu quả là do chúng ta chưa tính toán kỹ lưỡng các mặt. Bày tỏ quan điểm và đưa ra giải pháp để các nhà máy Ethanol sớm thoát khỏi tình cảnh khó khăn, ông Long cho rằng phải xốc lại từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng. Nếu dự án không hiệu quả thì có thể bán rẻ đi, có thể mời đầu tư nước ngoài, liên doanh liên kết để tiếp tục đầu tư. Bên cạnh đó cũng cần phải chấn chỉnh lại khâu quy hoạch, ưu đãi về thuế để có thể vực dậy được các nhà máy sản xuất Ethanol.
3. Dệt may Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt.
Mục tiêu xuất khẩu 31 tỉ USD dệt may trong năm nay rất khó đạt khi mà đơn hàng không còn dồi dào và bị cạnh tranh gay gắt.
Một bất lợi với DN Việt Nam là trong khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta tham gia chưa biết khi nào có hiệu lực thì các nước là đối thủ cạnh tranh trực tiếp dệt may xuất khẩu với Việt Nam lại “đi trước một bước” với những chính sách hỗ trợ DN nội địa của họ.
4. Nguy cơ thương hiệu Việt tiếp tục bị đánh cắp.
Nhiều sản phẩm Việt nổi tiếng gắn với các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam từng bị đánh cắp tại nước ngoài, một số nhãn hàng bị các doanh nghiệp nước ngoài “mượn” sử dụng một cách vô tư. Nguy cơ này càng gia tăng khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN.
Chuyên gia thương hiệu, ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch HĐQT Tri Tri Corporation nhận định đây là nguy cơ bị “đồng hóa” thương hiệu trong ASEAN để rồi người tiêu dùng trên thế giới không phân biệt được đâu là hàng Việt. Theo ông Chiến, càng hội nhập nguy cơ mất thương hiệu càng lớn. Thực tế, tiến đến thị trường tiêu thụ chung rất quan trọng cho ngành hàng tiêu dùng. Tuy nhiên, nhận thức về cơ hội kinh doanh và tranh thủ cơ hội đó đối với doanh nghiệp Việt vẫn còn yếu kém..
Còn theo ông Lê Phụng Hào, Chủ tịch Hiệp hội Marketing Việt Nam, từ trước đến nay những sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm đặc sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các địa phương là những đối tượng dễ bị xâm hại thương hiệu nhất. Bởi trong khi các DN chú trọng bảo vệ thương hiệu của riêng mình thì những thương hiệu gắn liền với địa phương và quốc gia lại chưa được đăng ký bảo hộ đúng mức ở thị trường nước ngoài nên từ đó sẽ bị các DN địa phương sử dụng để gây ngộ nhận cho người dùng. Chưa kể, nguy cơ các sản phẩm này sẽ quay lại thị trường Việt Nam, xâm nhập vào thị trường vùng sâu vùng xa và dần dần lan tỏa rộng hơn trên thị trường Việt Nam.
5. Cấm nhập máy móc, thiết bị cũ: Ai sẽ hưởng lợi.
Ngày 01/7, Thông tư 23/2015/TT-BKHCN của Bộ KH&CN quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị công nghệ cũ có tuổi đời trên 10 năm bắt đầu có hiệu lực. Những quy định trong thông tư này được cho là tạo rào cản đối với doanh nghiệp.
Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Tp.HCM (JBAH) cũng đã từng cảnh báo rằng Thông tư 23 sẽ tạo rào cản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam và vi phạm Hiệp định Rào cản kỹ thuật tới thương mại (TBT) của WTO.
Về phía các DN cơ khí nội địa, nhận định “mặt trái” của thông tư này, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện Tp.HCM (HMEE), cho biết việc quy định niên hạn không quá 10 năm, đồng nghĩa giảm 99% lượng máy nhập về Việt Nam.
Theo giới chuyên gia, việc quy định niên hạn không quá 10 năm đối với tất cả máy móc, thiết bị thuộc các ngành nghề khác nhau là không hợp lý và thiếu cơ sở khoa học.
Vừa qua, HAMEE đã làm việc trực tiếp với Bộ KH&CN về thông tư 23 và được Bộ xác nhận rằng thông tư này loại trừ các máy móc thiết bị được các bộ chuyên ngành quy định. Theo HAMEE, nếu thông tư 23 của Bộ KH&CN có hiệu lực mà Bộ Công Thương không có văn bản pháp lý để xác định riêng về tuổi của các máy công cụ, thiết bị đã qua sử dụng của ngành cơ khí chế tạo được phép nhập khẩu cho ngành cơ khí thì các DN cơ khí chế tạo nói chung và ngành cơ khí sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nói riêng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong đầu tư phát triển sản xuất .
HAMEE đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương xác định danh mục và điều kiện nhập khẩu của máy công cụ và các thiết bị của ngành cơ khí. Tuy nhiên, trong bối cảnh mà Chính phủ đang rà soát các thông tư và “giấy phép con” thì đến nay, Bộ Công Thương vẫn chưa có văn bản trả lời chính thức trong khi ngày 01/7 đã bắt đầu có hiệu lực.
6. Formosa là thủ phạm gây hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.
Chiều tối 30/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chuyên đề thông báo nguyên nhân gây ra sự cố môi trường khiến hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung nước ta. Buổi họp báo thu hút hàng trăm phóng viên đến từ các hãng thông tấn trong và ngoài nước.
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Trong tháng 4, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế) xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế-xã hội, môi trường biển; ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Ngay sau khi có thông tin về sự cố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp và thường xuyên là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị thiệt hại; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; bước đầu đánh giá thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, đã chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan khoa học, trên tinh thần thận trọng, khoa học, chính xác, khách quan và đúng pháp luật, xác định, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây ra sự cố để có giải pháp xử lý.
Các bộ ngành, cơ quan chức năng có liên quan đã thẩm định kỹ lưỡng, tham vấn các nhà khoa học trong, ngoài nước và kết luận: Những vi phạm và sự cố trong quá trình thi công, vận hành thử nghiệm tổ hợp nhà máy của Công ty Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên- Huế trong tháng 4 vừa qua.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)