banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 30/6
Cập nhật lúc 10:00 ngày 01/07/2016
Trong ngày 30 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Thương lái Trung Quốc tràn ngập chợ vải thiều, ép giá nông dân; Tạm nhập tràn lan, tái xuất nhỏ giọt; Đề nghị không xây thủy điện Vĩnh Sơn 2; Kiến nghị duy trì Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô; Cán bộ Bộ Công Thương bị tố nhận tiền "lót tay" trở lại việc cũ; Xuất khẩu dệt may chịu ảnh hưởng từ Brexit.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Thương lái Trung Quốc tràn ngập chợ vải thiều, ép giá nông dân.


Dọc đoạn đường quốc lộ 31 chạy qua thị trấn Chũ (Lục Ngạn - Bắc Giang) mỗi ngày có hàng trăm thương lái Trung Quốc đến giám sát thu mua vải của người dân. Năm nay vải không được mùa nhưng vẫn bị các thương lái ép giá.

Nhiều thương lái Trung Quốc cho rằng việc làm ăn của họ bị lỗ bởi nhiều chi phí phát sinh liên quan (như thuê nhân công, đóng thùng, mua đá ướp lạnh...) nên việc trừ hao như vậy là đều có lí do.

Vải tại Lục Ngạn, Bắc Giang khác hơn rất nhiều so với vải Thanh Hà (Hải Dương) vì vậy được rất đông các thương lái Trung Quốc đến đây thu mua. Một thương lái họ Đường đã nhiều năm làm ăn tai đây cho biết: " vải ở Lục Ngạn có vị ngon, ngọt hơn hẳn cả vải ở Trung Quốc, so với chất lượng vải mọi năm, năm nay vẫn luôn như vậy. 

2. Tạm nhập tràn lan, tái xuất nhỏ giọt.  

Thời báo kinh doanh ngày 30/6 có bài viết phản ánh về hoạt động này, bài báo phản ánh: theo kết luận thanh tra về việc kiểm tra hoạt động tạm nhập, tái xuất, Bộ Công Thương đã để xảy ra nhiều lỗ hổng dẫn đến tình trạng gian lận thương mại và buôn lậu, trốn thuế, gây thiệt hại cho ngân sách.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời gian tới sẽ sôi động hơn bởi nhu cầu thương mại quốc tế ngày càng cao. Tuy nhiên có một thực tế là, chính sách quản lý đối với hoạt động tạm nhập, tái xuất vẫn còn nhiều lỗ hổng, khiến tình trạng hàng tạm nhập tràn lan, trong khi tái xuất lại nhỏ giọt là nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng gia tăng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho thấy, việc kiểm tra giám sát của Bộ Công Thương với việc tạm nhập, tái xuất có nhiều vấn đề cần xem xét.

Cụ thể, bộ này đã có 4 lần kiểm tra, khảo sát về thực trạng kho bãi, cửa khẩu tạm nhập tái xuất tại Quảng Ninh và Cao Bằng để xây dựng cơ chế chính sách và kiểm tra hàng ách tắc, tồn đọng tại cảng Hải Phòng nhưng kết quả các đợt kiểm tra trên, Bộ Công Thương không có biên bản làm việc cụ thể. Đặc biệt, cũng không có văn bản báo cáo về kết quả thực hiện công tác với lãnh đạo bộ sau mỗi lần kiểm tra. Điều này dẫn đến việc đề xuất, xử lý về cơ chế chính sách tạm nhập, tái xuất còn nhiều tồn tại.

Trong khi đó, cơ quan trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra là hải quan lại cho rằng do lực lượng mỏng, hàng hóa phải chia nhỏ để tái xuất tại các đường mòn, lối mở… nên hầu hết chỉ kiểm tra được giấy tờ, chưa thể kiểm tra được hàng hóa thực tế. Khi cơ quan quản lý vào cuộc, đã phát hiện nhiều sai phạm về hàng hóa thực xuất so với tờ khai hải quan.

Thực trạng trên đã dẫn đến tình trạng hàng nghìn tấn hàng hoá tạm nhập đã được tiêu thụ trót lọt tại thị trường nội địa, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế.

3. Đề nghị không xây thủy điện Vĩnh Sơn 2.

Sau khi tiến hành kiểm tra thực tế và có đánh giá cụ thể về sự tác động trên nhiều lĩnh vực của việc xây dựng Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 2 tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện K'Bang), UBND tỉnh Gia Lai đã đề nghị Thủ tướng xem xét không cho phép đầu tư xây dựng Thủy điện Vĩnh Sơn 2. Trong quá trình chuyển tải nước từ hồ suối Say đến hồ Đăk Kron Bung sẽ làm cạn kiệt khoảng 10km trên dòng suối trong mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sinh hoạt của người dân trong khu vực. 

4. Kiến nghị duy trì Thông tư 20 về nhập khẩu ô tô.


Ngày 29/6, nhiều đơn vị đã thông báo gửi đơn kiến nghị Thủ tướng, Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương về Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định nhập khẩu xe ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống.

Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco, trước khi Thông tư 20 được ban hành năm 2011, thiếu sự quản lý của Nhà nước nên ở Việt Nam tràn ngập các bãi xe và cửa hàng ô tô lớn, nhỏ gây nên nhập siêu lớn... Cũng vì thế, nhiều doanh nghiệp không quan tâm đầu tư xưởng dịch vụ bảo hành, sửa chữa, các phụ tùng thay thế thiếu thốn… Sau khi Thông tư 20 ban hành, sản xuất, kinh doanh ô tô đã dần đi vào nền nếp ổn định. Nhưng tới ngày 1/7/2016 Thông tư 20 sẽ hết hiệu lực. Vì vậy, các đơn vị kiến nghị Chính phủ phải có ngay những giải pháp, quy định để chống gian lận thương mại về chuyển giá khi nhập khẩu xe ô tô, ổn định thị trường và thể hiện chính sách nhất quán (dù có thay đổi) trong điều hành.

Trong trường hợp chưa có các giải pháp nêu trên thì nên duy trì Thông tư 20 thêm một thời gian nhất định. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan đánh giá, xem xét để thị trường ô tô phát triển lành mạnh, qua đó phát triển ngành công nghiệp ô tô như chiến lược đề ra.  

5. Xuất khẩu dệt may chịu ảnh hưởng từ Brexit.

Vấn đề Brexit chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu may mặc của Việt Nam, nhất là với những doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang Anh. Tuy nhiên, “đường đi, nước bước” của sản phẩm dệt may sang Anh sẽ như thế nào vẫn còn phải chờ kết quả đàm phán của EU và Anh.

Việc Anh ra đi khiến đồng bảng Anh và Euro mất giá, xuất khẩu sang thị trường này sẽ chịu áp lực cạnh tranh về giá. Kéo theo khó khăn về khâu tiêu thụ. Khi Anh rời khỏi EU, những rào cản ở Anh sẽ khác ở EU. Khi Hiệp định FTA VN-EU đàm phán xong, mức thuế còn 0%, nhưng Anh ra khỏi EU chắc chắn họ sẽ không chấp nhận hàng VN vào nước họ với mức thuế chỉ 0%. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)