banner2019
 
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Thứ năm, ngày 07 tháng 11 năm 2024
Vai trò, trách nhiệm của các cấp CĐ ngành Công Thương ứng phó với biến đổi khí hậu và BVMT
Cập nhật lúc 08:55 ngày 04/01/2014
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề hết sức được quan tâm của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và cũng là nước đang có sự quan tâm, triển khai nhiều hành động ứng phó với tình trạng này. Tuy nhiên, sự tiếp cận cũng như việc chủ động tham gia của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động còn hạn chế. Do vậy, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động các cấp trong ngành Công Thương về biến đổi khí hậu, hướng đến sự tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu ngay tại nơi làm việc là mục đích hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của Công đoàn Công Thương Việt Nam.

Hội thảo "Bảo vệ môi trường tại xí nghiệp ở Đức và Việt Nam", ngày 26 tháng 11 năm 2013, do Công đoàn Công Thương Việt Nam phối hợp với Viện FES tại Hà Nội và Công đoàn Mỏ - Hoá chất - Năng lượng Đức (IG BCE) tổ chức đưa ra thông tin cơ bản về ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh ở Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Đức, thông tin về bảo vệ môi trường gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trong ngành Công Thương và trao đổi về vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn trong ngành với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham dự hội thảo có ông Châu Nhật Bình, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Erwin Schweisshelm, Trưởng Đại diện Viện FES tại Hà Nội, ông Michael Mersmann, Trưởng ban Đối ngoại và các chuyên gia của IG BCE, tham gia hội thảo có lãnh đạo công đoàn của 16 Công đoàn Tổng công ty, Tập đoàn và công đoàn cơ sở tại các công ty lớn ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng.

Phát biểu tại hội thảo, thay mặt Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Châu Nhật Bình, Phó Trưởng ban Đối ngoại đánh giá cao và ghi nhận sáng kiến của Công đoàn Công Thương Việt Nam trong việc tổ chức hội thảo, cũng như triển khai các hành động nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và khẳng định đây không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị trong đó có tổ chức công đoàn.

Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động với Công đoàn Công Thương Việt Nam, các chuyên gia từ IG BCE cho rằng tổ chức công đoàn có trách nhiệm lớn và rất quan trọng trong trụ cột xã hội, một trong 3 trụ cột (sức mạnh kinh tế, môi trường sinh thái và xã hội) để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Ngay khi mới chuẩn bị tham gia các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, Công đoàn rất lo sẽ có nhiều người lao động bị mất việc làm nhưng thực tế hiện nay ở Đức có rất nhiều việc làm. Các doanh nghiệp của Đức là những doanh nghiệp xanh nhất thế giới nếu nói về sự tác động của sản xuất đối với môi trường. Đồng thời khẳng định hành động của công đoàn ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ là lĩnh vực rất mới trong quan hệ hợp tác giữa IG BCE, Viện FES tại Hà Nội với Công đoàn Công Thương Việt Nam trong thời gian tới.

Cũng trong khuôn khổ chương trình hợp tác, Công đoàn Công Thương Việt Nam, Viện FES tại Hà Nội và Công đoàn Mỏ- Hoá chất- Năng lượng Đức (IG BCE) sẽ có biên bản ghi nhớ và ký thỏa thuận thực hiện Chương trình "Vai trò công đoàn với ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2014-2015".

Một số hình ảnh về Hội thảo:

 
 
 
 

Hồng Tiến