banner2019
 
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Thứ bảy, ngày 09 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 28/6
Cập nhật lúc 05:28 ngày 28/06/2016

Trong ngày 28 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Loại bỏ hơn 3000 giấy phép con; Ứng dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu; Lại lấy ý kiến sửa quy định về kiểm tra formaldehyde; Cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu đang gây bất lợi cho người dân; Thương mại lại thêm rào cản; Thêm một công ty bán hàng đa cấp bị phạt nặng vì sai phạm; Chủ tịch EVN: Sẽ đầu tư khẩn cấp lưới điện hạ thế ở Phong Nha; Vì sao lại chi tiền khủng nhập thuốc trừ sâu.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Loại bỏ hơn 3000 giấy phép con.



Thủ tướng Chính phủ đã ký công văn hỏa tốc gửi các bộ, ngành và địa phương về việc chuẩn bị nội dung báo cáo tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 20/7 tới. Một trong những nội dung mà Thủ tưởng yêu cầu là rà soát, tổng hợp đầy đủ các vướng mắc, bất cập của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; các luật có quy định về đầu tư, kinh doanh, báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, ban hành các luật, nghị quyết hoặc quyết định các vấn đề cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng đã có mệnh lệnh dứt khoát không cho phép các bộ bàn lùi, phải kiên quyết tiến hành loại bỏ những quy định, điều kiện và giấy phép kinh doanh không còn phù hợp đang cản trở quyền tự do kinh doanh của người dân, làm tăng rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Vũ Tiến Lộc, hiện đang tồn tại những quy định rất oái oăm làm khó doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh, giấy phép con được ví von như một rừng đinh co khả năng sát thương cao đối với doanh nghiệp. Ông Tiến cho rằng mối năm Việt Nam có khoảng 100.000 DN được thành lập nhưng số đơn vị giải thể, ngừng hoạt động chiếm khoảng 60%. Trong số đó chắc chắn có không ít đơn vị bị những điều kiện kinh doanh, giấy phép con này làm gục ngã. Để giảm triệt để giấy phép con làm khó doanh nghiệp, Chính phủ cần đề nghị Quốc hội sửa một số luật chuyên ngành, chỉ có Quốc hội, Chính phủ mới có quyền ban hành các điều kiện và giấy phép kinh doanh hạn chế quyền kinh doanh.  

2. Ứng dụng thương mại điện tử trong xuất khẩu.

Cùng với phương thức truyền thống, hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang chọn ứng dụng thương mại điện tử phục vụ kinh doanh, sử dụng các kênh điện tử để thiết lập quan hệ với đối tác, nhận đơn hàng và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Theo khảo sát của Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (TMĐT-CNTT), Bộ Công Thương, có khoảng 42% DN XK đã xây dựng website để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, để phục vụ cho hoạt động quảng bá sản phẩm hướng tới thị trường xuất khẩu, có khoảng 58% số website đã có phiên bản tiếng nước ngoài. Thực tế, các DN lớn tích cực hơn các DN nhỏ và vừa trong việc tận dụng các kênh điện tử để thiết lập quan hệ với đối tác và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Với việc thiết lập mối quan hệ làm ăn qua kênh điện tử,  96% các DN đã từng nhận đơn đặt hàng qua thư điện tử.

Cục TMĐT-CNTT cho biết, trong quá trình hợp tác kinh doanh, hình thức giao kết bằng cách gửi mail hoặc bưu điện/fax để ký đóng dấu hiện được DN áp dụng nhiều nhất (65%). Thông tin về tình hình sử dụng dịch vụ công trực tuyến của DN XK, có khoảng 66% DN sử dụng phương thức trực tuyến để thực hiện các thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK. 

3. Lại lấy ý kiến sửa quy định về kiểm tra formaldehyde.

Các ý kiến góp ý của các doanh nghiệp và hiệp hội liên quan phải được gửi trước ngày 12/7 để Bộ Công Thương tổng hợp trước khi ban hành quyết định sửa đổi.

Nội dung bài viết phản ánh, trong khi các doanh nghiệp ngành dệt may đang nóng lòng chờ Bộ Công Thương sửa ngay thông tư liên quan đến quy định kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo (có hiệu lực từ tháng 12/2015), Bộ Công Thương lại vừa có công văn gửi các doanh nghiệp và hiệp hội liên quan tiếp tục đề nghị... góp ý về những trở ngại của thông tư nói trên.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trong phiên họp gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp tổ chức hồi tháng 4 cho biết sẽ nhanh chóng sửa dứt điểm những bất cập trong thông tư này, vốn đang bị doanh nghiệp phản ảnh gay gắt. 

4. Cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu đang gây bất lợi cho người dân.

Các báo trong ngày hôm nay 28/6 quan tâm đăng tải nhiều thông tin liên quan đến cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu, các báo đưa tin: Hiệp hội xăng dầu Việt Nam (VINPA) vừa có công văn gửi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng về việc tính thuế nhập khẩu xăng dầu trong giá cơ sở.

Theo VINPA, hiện mức thuế nhập khẩu xăng dầu đang áp dụng cho quý II-2016 để tính giá cơ sở của Bộ Tài chính đã gây ra chênh lệch lớn, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Đồng thời, việc Bộ Tài chính áp mức nhập khẩu bình quân gia quyền đã khiến mức chênh lệch thuế nhập khẩu vẫn còn lớn, làm cho giá cơ sở ở mức cao, kéo theo giá bán lẻ cũng ở mức cao, không có lợi cho người tiêu dùng. Bất cập này không được xử lý gây bức xúc cho dư luận xã hội.

VINPA cũng cho biết, theo các Hiệp định FTA song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các mức thuế nhập khẩu khác nhau. Trước thực trạng trên, VINPA kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện mức thuế nhập khẩu đối với xăng là 10%. Đối với mặt hàng dầu là 0% và áp các mức thuế này vào tính giá cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Đồng thời, VINPA đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền sớm điều chỉnh một số sắc thuế nội địa của sản phẩm xăng dầu để bù đắp thiếu hụt do giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cắt giảm thuế theo cam kết. Theo đó, năm 2017 có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường theo tỉ lệ phù hợp với mức độ giảm thuế nhập khẩu.   

5. Thương mại lại thêm rào cản.

Ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương nhấn mạnh, dù còn cần đến 2 năm để nước Anh hoàn tất lộ trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - nhưng chắc chắn thương mại của Việt Nam sẽ là một trong những lĩnh vực phải chịu nhiều áp lực nhất trước sự kiện này.

Theo phân tích của ông Hải, khi chưa kết thúc đàm phán giữa EU với Anh về các điều kiện để hoàn tất thủ tục cho xứ sương mù rời khỏi liên minh thì sự kiện này tác động như thế nào đến các nền kinh tế trên thế giới vẫn là ẩn số. Có thể khi Anh rời EU sẽ vẫn duy trì mối liên kết như một liên minh hải quan, tức là vẫn giữ được việc thông quan bình thường, không có rào cản nào giữa Anh và các thị trường khác. Tuy nhiên, dù ở kịch bản lạc quan nhất thì thương mại của Việt Nam sẽ vẫn vướng thêm các rào cản mới.

Ông Hải khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu tìm đường đưa hàng hóa sang thẳng nước Anh, tránh qua các nước trung chuyển để không tốn thêm chi phí. Cũng tương tự, những hợp đồng đã ký đưa hàng sang Anh để từ đó phân phối đi các nước khác cần tìm cách tiêu thụ ngay tại Anh để tránh mất thời gian, tiền bạc thông quan lần nữa.

Một trong những điều cũng đáng tiếc nuối đối với Việt Nam khi nước Anh quyết tâm “dứt áo ra đi” là việc họ có thể mang theo tư tưởng “mở cửa” đi khỏi EU. Bởi lẽ, Anh là nước mang tư tưởng “mở cửa” rất mạnh mẽ, thậm chí có thể nói cởi mở nhất trong khối EU. “Rất nhiều điều khoản chúng ta mong muốn được mở cửa hơn trong EU đã nhận được sự ủng hộ của nước Anh. Nay Anh ra khỏi EU chắc chắn quan hệ thông thoáng hơn với EU của chúng ta sẽ gặp khó khăn” - ông Đặng Hoàng Hải nhận định.

Ở khía cạnh khác, Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU nhằm khuyến khích xuất khẩu từ các nước đang phát triển vào thị trường này thông qua miễn, giảm thuế nhập khẩu là một trong những thuận lợi lớn mà Việt Nam đang được hưởng. Tuy nhiên, GSP mới chỉ có chung của châu Âu mà chưa có riêng của nước Anh. Khi Anh bước chân ra khỏi EU khi chưa thiết lập được ngay mặt bằng pháp lý cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, chắc chắn chúng ta sẽ gặp khó khăn. Trong đó, áp lực cạnh tranh với hàng hóa của Trung Quốc là rất lớn.

Đáng lo ngại nhất là Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU đang trong quá trình rà soát pháp lý và dự định ký kết vào năm sau chắc chắn sẽ bị chậm lại bởi EU sẽ ưu tiên hoàn tất thủ tục cho Anh rời khỏi châu Âu, trì hoãn phê duyệt hiệp định FTA với Việt Nam.  

6. Thêm một công ty bán hàng đa cấp bị phạt nặng vì sai phạm.

Cục Quản lý cạnh tranh vừa tiến hành xử phạt 350 triệu đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Trường Giang, do những sai phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Theo đó, công ty này duy trì nhiều hơn một mã số kinh doanh đa cấp đối với cùng một người tham gia bán hàng, không cam kết cho người bán hàng đa cấp được trả lại hàng hóa, và không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định. Tháng 4 năm nay, công ty này cũng đã bị Sở Công Thương Hà Nội ra quyết định xử phạt hơn 400 triệu đồng vì 9 lỗi vi phạm trong kinh doanh đa cấp.  

7. Chủ tịch EVN: Sẽ đầu tư khẩn cấp lưới điện hạ thế ở Phong Nha. “Công ty Điện lực Quảng Bình đang tích cực làm việc với địa phương đang quản lý lưới điện ở Phong Nha để nhận bàn giao việc quản lý, đồng thời đề xuất Tổng Công ty Điện lực Miền Trung cho đầu tư nâng chất lượng lưới hạ thế khẩn cấp”, Chủ tịch EVN Dương Quang Thành khẳng định. 



Sau khi Pháp Luật Việt Nam có bài “Du lịch Phong Nha: Khốn đốn vì “khát” điện”, sáng 27/6,  Chủ tịch Tập đoàn EVN đã tiến hành kiểm tra và cho biết, nguyên nhân của tình trạng nguồn điện yếu, thiếu lại chập chờn ở khu vực Phong Nha (Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) là do lưới điện ở đây - địa phương đang quản lý nên dẫn tới tình trạng điện năng cấp cho hơn 50 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 700 phòng ở trung tâm du lịch hang động của tỉnh Quảng Bình chất lượng không ổn định, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh du lịch của địa phương cũng như đời sống của nhân dân trong khu vực.

Chủ tịch Tập đoàn EVN Dương Quang Thành  khẳng định, ngành Điện đã và sẽ nỗ lực hết mình vì sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, nhất là những địa phương ưu tiên phát triển du lịch. Vì vậy, sau khi Báo nêu, ông đã cho kiểm tra và được biết lưới điện ở đây ngành Điện chưa trực tiếp quản lý nên vẫn tồn tại những khó khăn nêu trên.  

8. Vì sao lại chi tiền khủng nhập thuốc trừ sâu.

Các báo đưa tin, theo Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập hơn 7.600 tỷ đồng nguyên liệu và thuốc bảo vệ thực vật, trong đó gần 50% từ Trung Quốc. Câu hỏi được Báo Nông thôn Ngày nay đặt ra hôm nay là: Vì sao lại chi tiền khủng nhập thuốc trừ sâu?

Lý giải điều này, ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, nền công nghiệp hóa học của Việt Nam rất kém, không thể cạnh tranh với các nước khác. Ngoài ra, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật rất độc hại, nên chúng ta cũng không khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước./. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)