Tổng Cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016. Theo đó, CPI tháng 6 tăng 0,46% so với tháng trước, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,35% so với tháng 12 năm 2015.
Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo, công bố CPI tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2016
Tính chung, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,72% so với cùng kỳ 2015, đây được đánh giá là mức tăng thấp thứ 2 (sau năm 2015 với mức tăng 0,86%) kể từ năm 2007 tới nay.
"Như vậy, trung bình mỗi tháng, CPI chỉ tăng 0,39% và đây là mức tăng tương đối thấp, với mức tăng này, khả năng kiềm chế lạm phát dưới mức 5% trong năm 2016 theo mục tiêu của Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi" - Bà Vũ Thị Thu Thủy- Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng Cục Thống kê)- nhận định.
Lý giải về nguyên nhân, Tổng cục Thống kê cho rằng: Giá xăng dầu giảm, kéo theo giá cước vận tải các tháng đầu năm giảm, trong khi đó, nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng tốt như cầu mua sắm của người dân, làm cho giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống 6 tháng đầu năm (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 11 nhóm hàng chính) chỉ tăng 2,03% so với cùng kỳ 2015, thấp hơn nhiều so với mức 4,03% của năm 2014 hay mức 14,78% của 2012.
Cùng với giá cả các mặt hàng trong nước, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định, một số mặt hàng có xu hướng giảm mạnh trong quý I như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép nên chỉ số giá nhập khẩu 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ giảm 7,77%; chỉ số giá xuất khẩu giảm 3,65%; chỉ số giá sản xuất công nghiệp cũng giảm 1,15%.
Đặc biệt, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới những tháng cuối năm 2015 và đầu năm 2016 giảm mạnh, nên giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 4 lượt trong quý I/2016. Giá dầu Brent bắt đầu tăng trở lại giữa tháng 3/2016, bình quân từ ngày 1/1/2016 đến 20/6/2016 ở mức 40,5 USD/ thùng nhưng mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 59,35 USD/ thùng của bình quân 6 tháng đầu năm 2015.
Năm 2016 cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm (2016-2020), Quốc hội đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, trong đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2016 đặt ra dưới 5%.
Theo đó, các ngành, các cấp đã và đang tích cực triển khai thực hiện kiểm soát lạm phát. Cụ thể, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến trong dịp Tết.
Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý, bình ổn giá tại một số địa phương. Hai bộ Công Thương, Tài chính cũng đã phối hợp điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý.
Để góp phần kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Ngày 31/12/2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 2730/QĐ- NHNN có hiệu lực từ ngày 4/1/2016 về việc công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ và biên độ giao dịch là +/ - 3%, theo đó tỷ giá trung tâm được điều chỉnh. Sau 6 tháng đầu năm, chỉ số giá VNĐ/ USD trên thị trường thấp hơn so với mặt bằng cuối năm 2015...
Mặc dù CPI năm nay được đánh giá là có mức tăng tương đối thấp, tuy nhiên theo bà Đỗ Thị Ngọc- Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng Cục Thống kê), từ nay đến hết năm sẽ có nhiều yếu tố gây áp lực lên CPI, đó là giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục, xăng dầu...
Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả để có những giải pháp điều hành phù hợp. Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần cân nhắc thời gian điều chỉnh giá một số mặt hàng thiếu yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI.
Nguyễn Hòa (Báo CT)