Thông tin cụ thể như sau:
1. Khan hiếm tôm nguyên liệu, doanh nghiệp chế biến hoạt động cầm chừng.
Sản lượng tôm từ các vùng nuôi giảm sút, các nhà máy chế biến tôm thiếu nguyên liệu, nhưng các doanh nghiệp trong nước không thể mua tôm nguyên liệu với giá cao.
Trong khi đó, nhiều thương lái Trung Quốc sang Việt Nam ráo riết mua gom mặt hàng tôm. Nếu tôm được thương lái mua để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc thường tiêu chuẩn đưa ra không cao, giá thu mua lại cao hơn so với các doanh nghiệp chế biến tôm ở Việt Nam. Các doanh nghiệp chế biến tôm trong nước gặp bất lợi.
2. Nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc tăng gấp 9 lần.
Xăng dầu thành phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, có thuế ưu đãi 10%, đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay và hiện đã gấp 9 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số tuyệt đối vẫn chưa lớn vì nguồn cung hàng từ thị trường này vẫn còn hạn chế.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, lượng xăng dầu nhập khẩu từ Hàn Quốc trong 5 tháng qua đạt 713.000 tấn, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Mức tăng là đột biến nhưng con số tuyệt đối chưa lớn và cũng mới chỉ chiếm tỷ lệ 13,2% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu. Vấn đề là Hàn Quốc đang là thị trường có ưu đãi thuế lớn nhất hiện nay ở mặt hàng xăng (thuế nhập khẩu xăng là 10%, thấp hơn 10 điểm phần trăm so với các thị trường khác).
3. Một kg vải thiều “cõng” 8.000 đồng tiền chi phí.
Theo đại diện của một số tỉnh, thành chuyên trồng vải cho biết, năm nay sản lượng vải giảm dẫn đến giá bán cao hơn năm trước. Mặt khác, các thương lái cho biết, khi vận chuyển từ Bắc Giang vào đến chợ Thủ Đức họ phải chịu thêm 8.000 đồng chi phí cho mỗi kg vải thiều.
Trước tình hình trên, các chuyên gia đề nghị cần tổ chức để người sản xuất, kinh doanh thỏa thuận trước khi bước vào mùa thu hoạch rộ, nhằm tránh sự chênh lệch về giá cả và nguồn cung được đảm bảo.
4. Doanh nghiệp Việt Nam khó kiện chống bán phá giá vì thiếu liên kết.
Một số nước Đông Nam Á (ASEAN) như Malaysia, Indonesia, Thái Lan trung bình mỗi năm tiến hành 30-40 vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu, nhưng đến nay Việt Nam mới chỉ có bảy vụ kiện, một phần vì doanh nghiệp nội thiếu liên kết.
Tại hội thảo về phòng vệ thương mại do Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Công Thương và Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO – TP.HCM tổ chức hôm 21/6, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại thuộc Cục, cho biết có trường hợp doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ thông tin cần thiết để tiến hành vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) đối với hàng nhập khẩu, nhưng vụ kiện đã không được tiến hành. Lý do là vì các doanh nghiệp trong ngành không có cùng tiếng nói để đứng bên nhau trong vụ kiện.
5. Chính phủ yêu cầu lên phương án tiêu thụ cho Lọc dầu Nghi Sơn.
Ngày 21/6, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương, các bộ, ngành làm việc với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và phân phối xăng dầu để có kế hoạch phân phối, bảo đảm tiêu thụ những sản phẩm mà các nhà máy trong nước sản xuất, chế biến. Ông lưu ý, khi lên phương án tiêu thụ sản phẩm dầu khí trong nước phải bảo đảm hài hoà được lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân.
6. Thép ngoại ồ ạt về Việt Nam.
Trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng thép nhập khẩu về Việt Nam tăng gần 50%. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với lượng thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nhập khẩu sắt thép các loại trong tháng 5 đạt 1,66 triệu tấn trị giá 702,386 triệu USD tăng 4,6% về lượng và 14,5% về trị giá. Tính chung 5 tháng, Việt Nam đã nhập 7,833 triệu tấn thép, trị giá 2,994 tỷ USD tăng 49% về lượng và 0,7% trị giá so với cùng kỳ năm 2015. Thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.
7. Dệt may khó tận dụng được ưu đãi từ các FTA.
Được đánh giá là một trong những lĩnh vực sẽ được hưởng lợi nhiều từ các Hiệp định thế hệ mới nhưng ngành dệt may đang phải nhập khẩu tới 80% nguyên phụ liệu, phần lớn từ các thị trường ngoài khối TPP, EVFTA. Đây là một trong những lý do khiến cho dệt may khó tận dụng được ưu đãi từ các FTA. Cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp ngành dệt may (có 650 doanh nghiệp nước ngoài). Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp may chiếm đến 70%, trong khi doanh nghiệp dệt chiếm chỉ 17%, kéo sợi 6%, nhuộm 4% và các doanh nghiệp phụ trợ 3%. Đó là sự thiếu tương xứng.
Con số đó cho thấy Việt Nam đang rất mạnh trong khâu cuối “cắt – may”, còn các hoạt động kéo sợi, dệt, nhuộm thì rất yếu, chưa thể đủ nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp dệt may trong nước.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)