Thông tin cụ thể như sau:
1. Nhà máy giấy Trung Quốc sắp hoạt động: Âu lo môi trường nước.
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, thông tin dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam (Trung Quốc) năm trên cặp bờ sông Hậu (Hậu Giang) sắp đi vào hoạt động đang khiến người dân cũng như doanh nghiệp thủy sản tại đây hoang mang. Để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm có thể xảy ra, mới đây, VASEP đã gửi công văn khẩn cấp tới Quốc hội và Chính phủ đề nghị chỉ đạo gấp việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án trên.
Công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) là nhiều nhất, đứng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Trong khi đó, khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn.
2. Doanh nghiệp lo mất thị trường xuất khẩu tôm.
Việc thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng do thương lái Trung Quốc sang tranh mua vẫn đang tiếp diễn, nổi bật hiện nay là tại thị trường tôm. Điều này đã đặt hàng loạt doanh nghiệp trong nước vào tình thế vô cùng khó khăn.
Một trong những nguyên nhân khiến ngành tôm tổn thất uy tín nặng nề trên thị trường thế giới là nạn bơm tạp chất vào nguyên liệu diễn ra hàng chục năm qua nhưng không được xử lý triệt để. Đặc biệt, nạn bơm tạp chất thường nở rộ vào thời điểm thiếu hụt nguyên liệu như hiện nay.
3. Mở cửa bán lẻ nhưng phải có hàng rào bảo vệ.
Tại tọa đàm “Nâng cao sức cạnh tranh thị trường bán lẻ Việt Nam”, nhiều chuyên gia nhận định, bởi sự "sơ khai" mà ngành bán lẻ tại Việt Nam đang thu hút nhiều nhà đầu tư, trong đó có không ít các đại gia nước ngoài. Đây là cơ hội lớn, nhưng đồng thời cũng là thách thức, bởi các nhà bán lẻ trong nước sẽ phải cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, thách thức lớn nhất được lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ ra là xuất phát điểm hình thức bán lẻ hiện còn thấp, chủ yếu bán hàng truyền thống, gần đây mới xuất hiện hình thức bán lẻ hiện đại. Chính phủ, chính quyền địa phương cần có chính sách hỗ trợ để tạo động lực phát triển, giúp doanh nghiệp bán lẻ trong nước tăng khả năng cạnh tranh, cụ thể là cần những hàng rào kỹ thuật trong lĩnh vực này để “sợi dây liên kết” trong thị trường bán lẻ nội địa chặt chẽ hơn.
4. Trung Quốc sang tận ruộng kiểm tra gạo Việt.
Báo Dân trí nhận định, gạo Việt đang phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Theo đó, Bộ NN&PTNT vừa công bố nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu gạo, cám Việt Nam sang Trung Quốc. Bên cạnh những thuận lợi thì các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt cũng lo ngại về những quy định khắt khe trong nghị định thư này.
Một số chuyên gia ngành gạo cũng cho rằng thông qua nghị định thư này TQ muốn kiểm soát chặt chẽ số lượng gạo nhập khẩu chính ngạch, siết chặt và hạn chế việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Do vậy gạo Việt xuất sang TQ khó có thể tăng, thậm chí giảm số lượng. Thế nên DN Việt cần phân bổ thị trường xuất khẩu hợp lý, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường TQ nhằm giảm rủi ro.
5. 70 tấn hàng hóa nhập lậu bằng tàu hỏa: Liệu có bảo kê?
Liên quan đến việc trên 70 tấn hàng buôn lậu từ ga Hà Nội vào các tỉnh phía Nam tiêu thụ, liệu có hoạt đông bảo kê hàng buôn lậu trên tuyến đường sắt ?
70 tấn hàng gồm: điện thoại di động, đồng hồ, quần áo giày dép, thuốc tân dược, phần lớn không có hóa đơn chứng từ, đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ trên đường vận chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM tiêu thụ. Điều đáng nói, đây lại là lô hàng được bắt giữ trên tuyến vận chuyển đường sắt - một tuyến giao thông hàng hóa được kiểm tra khá gắt gao trước khi lên tàu.
Đại diện Chi cục quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, sở dĩ các cơ quan chức năng bắt được lô hàng này là do sự cố sập cầu Ghềnh, hàng buôn lậu không thể đi thẳng về TP.HCM mà buộc phải chuyển hướng đi tạm về Đồng Nai. Điều này đang đặt ra câu hỏi là: Liệu có hoạt động bảo kê hàng buôn lậu trên tuyến đường sắt Hà Nội TP.HCM và nếu đi đúng tuyến thì hàng buôn lậu kia có được vận chuyển trót lọt?.
6. Cá tra, ba sa vào Mỹ nguy cơ chịu thuế cao: Việt Nam có thể kháng cáo.
Việt Nam có thể kháng cáo phán quyết về việc chọn Indonesia là thị trường làm tham chiếu trong vụ kiện chống bán phá giá cá tra, ba sa đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.
Toà án Thương mại quốc tế Mỹ đã chọn Indonesia là thị trường làm tham chiếu trong vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng cá tra, ba sa đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Đây là phán quyết của Toà về kết quả đợt rà soát hành chính lần thứ 9 của Bộ Thương mại Mỹ.
Đợt rà soát áp dụng đối với các lô hàng cá tra, ba sa đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2012. Nếu phán quyết này được áp dụng, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với biên độ thuế chống bán phá giá cao hơn các giai đoạn rà soát hành chính trước đó.
Trao đổi với phóng viên VTV, Luật sư Dharmendra Choudhary - người trực tiếp tham gia vụ kiện này tại Mỹ cho biết: “Phán quyết này chưa phải là cuối cùng. Việt Nam có thể kháng cáo phán quyết này tại Toà phúc thẩm Liên bang. Toà phúc thẩm có thể phủ quyết phán quyết này. Nếu Toà phúc thẩm đồng ý với luận điểm của chúng tôi, khi đó có thể lật lại quyết định lựa chọn Indonesia làm thị trường tham chiếu”.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)