Thông tin cụ thể như sau:
1. Đề xuất không triển khai Dự án thủy điện tại Vườn quốc gia Yok Đôn.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có Văn bản số 2169/BTNMT-TCMT, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không tiếp tục triển khai Dự án đầu tư xây dựng thủy điện Đrăng Phôk, tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk), do CTCP Đầu tư và Ứng dụng công nghệ mới làm chủ đầu tư.
Theo Bộ TN&MT, dự án chiếm dụng 308,7ha, trong đó có 295,4ha thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn (khoảng 63ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt) và 28,88ha rừng đặc dụng... Việc triển khai dự án tại địa điểm này sẽ vi phạm quy định của pháp luật và gây ra tác động tiêu cực tới môi trường sống, công tác bảo tồn các loài động - thực vật.
2. Hóa đơn tiền điện có thể tăng 200%.
Báo cáo tại buổi họp báo về tình hình cung ứng điện chiều 15/6, EVN Hà Nội cho biết, đơn vị này sẽ thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến thời tiết, tuyệt đối không được tạm ngừng cung cấp điện để duy tu bảo dưỡng thiết bị khi nhiệt độ từ 36 độ C trở lên.
Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN Hà Nội cho biết, hoá đơn điện của khách hàng sử dụng điện trên địa bàn Hà Nội có thể sẽ cao gấp 2 lần so với tháng trước hoặc có khách hàng cao gấp 1,5 lần hoặc hơn. Điều này phụ thuộc vào số ngày nắng nóng và ngày chốt số điện.
3. “Tự vệ” trước phân bón giả.
Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (389), Cục Quản lý thị trường và Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) tổ chức tọa đàm “Phân bón giả, tác hại thật” ngày 15-6.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, cho rằng phân bón giả thường chỉ phát hiện sau khi đã sử dụng nên nông dân chủ động giữ hóa đơn, bao bì phân bón để có vật chứng và thông tin hỗ trợ cơ quan điều tra nếu xảy ra sự cố. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần phải siết chặt hơn nữa các quy định và hình thức xử lý với các hành vi sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Nhiều vụ việc sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng được phát hiện chưa được giải quyết rốt ráo, mới ở phần ngọn là xử lý người kinh doanh thay vì truy tìm nhà sản xuất.
4. Phát lộ sai phạm tại Vinachem.
Thanh tra Bộ Xây dựng đã có kết luận thanh tra công tác quản lý đầu tư xây dựng của công ty CP DAP số 2 và dự án xây dựng nhà máy sản xuất phân bón cao cấp DAP số 2 thuộc công ty TNHH MTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Theo đó, công tác điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình còn sai sót, làm tăng tổng mức đầu tư gần 79,9 tỷ đồng. Ngoài ra, công tác đàm phán, ký kết hợp đồng với gói thầu EPC có nhiều bất cập dẫn đến giá một số hạng mục công trình và vật tư, thiết bị trong biểu giá hợp đồng cao hơn so với giá dự thầu - làm tăng giá trị hợp đồng hơn 145 tỷ đồng và hơn 2,5 triệu USD.
Đáng chú ý, chủ đầu tư đã không quản lý chuyên gia nước ngoài theo điều khoản trong hợp đồng thuê tư vấn về thời gian làm việc, khối lượng và tiến độ thực hiện công việc, chi phí quản lý dự án vượt hơn 25,7 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chỉ đạo, làm rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra những tồn tại, sai sót tại dự án thanh tra.
5. Nhà máy thép Formosa Vũng Áng “hoãn ngày vận hành”.
Kênh tin tức Focus Taiwan hôm 15/6 dẫn lời ông Chang Fu-ning, Phó chủ tịch Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) rằng lò đúc số 1 của tổ hợp nhà máy thép đặt tại Khu Kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh sẽ chưa đi vào hoạt động ngày 25/6 tới như kế hoạch.
Thông tin này được đưa ra sau khi truyền thông Đài Loan đưa tin, FHS bị buộc phải hoãn vận hành lò đúc do Bộ Tài chính của Việt Nam yêu cầu công ty này phải trả 70 triệu USD (khoảng 1.500 tỷ đồng) tiền nợ thuế.
6. Bộ Công Thương khuyến cáo về vay tiêu dùng.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, thời gian qua đã nhận được rất nhiều đơn khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính. Theo đó, người tiêu dùng ký hợp đồng vay tiêu dùng với các công ty tài chính để mua các sản phẩm tiêu dùng như điện thoại, máy vi tính, đồ điện tử gia dụng…Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, thường là từ 3 – 6 tháng, người tiêu dùng không còn khả năng trả nợ do lãi suất quá cao, và gặp thái độ cư xử không đúng mực từ phía các công ty tài chính. Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng nên thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng với các hợp đồng cho vay tiêu dùng.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)