Thông tin cụ thể như sau:
1. Phạt bốn công ty đa cấp 280 triệu đồng.
Ngày 14-6, Cục Quản lý cạnh tranh công bố đã phạt đối với bốn công ty đa cấp. Cụ thể, Công ty Unicity Marketing Việt Nam bị phạt 130 triệu đồng vì không làm thủ tục sửa đổi bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp khi có thay đổi liên quan đến hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận; thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến hoạt động đào tạo cơ bản cho người tham gia bán hàng đa cấp...
Các công ty Best World Việt Nam, Herbalife Việt Nam, Naturally Plus Việt Nam cũng bị phạt 50 triệu đồng với cùng một vi phạm là hoạt động bán hàng đa cấp tại các tỉnh/TP trực thuộc trung ương khi chưa có xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động của Sở Công Thương.
2. Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương gây khó cho doanh nghiệp.
Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do VCCI tổ chức ngày 14-6 đã trở thành dịp để các hiệp hội và DN “tổng kết” những khó khăn do những điều kiện kinh doanh vô lý gây ra.
Nhiều DN cho rằng với ngành nhập khẩu ô tô, các DN gặp nhiều khó khăn bởi Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định DN nhập khẩu phải có giấy ủy quyền của chính hãng, đây là điều bất khả thi, bởi các hãng ô tô chỉ cần có một đại lý tại Việt Nam là đủ. Nếu Thông tư 20 được nâng cấp lên nghị định thì khoảng 200 DN nhập khẩu ô tô sẽ tự giải tán. Thiệt thòi khi đó sẽ thuộc về người tiêu dùng và ngân sách nhà nước.
3. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh có thể thực hiện từ tháng 7-2017.
Tại Hội thảo "Xây dựng quy định vận hành Thị trường bán buôn điện cạnh tranh" do Bộ Công Thương tổ chức ngày 14.6, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết, Bộ Công Thương đã thành lập tổ công tác xây dựng các quy định của thị trường chính thức của Việt Nam về bán buôn điện cạnh tranh và dự kiến từ tháng 7-2016 đến 6-2017, Cục sẽ hoàn thành các quy định về thị trường bán buôn điện cạnh tranh để trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Đây là tài liệu quan trọng để vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Song song với đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị tham gia thị trường xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin để đảm bảo cho việc vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức từ năm 2019 theo lộ trình mà Thủ tướng Chính phủ quy định.
4. Sữa Meiji Nhật Bản ở Việt Nam có thể là hàng giả.
VTV đưa tin: Công ty Meiji Nhật Bản cảnh báo: Sữa Meiji Nhật Bản tại Việt Nam có thể không đạt chuẩn và có nguy cơ là hàng giả.Theo cảnh báo này, các sản phẩm mang nhãn hiệu HOHOEMI và STEP là những sản phẩm đáp ứng các luật và quy định của Nhật Bản nhưng khi so sánh với các tiêu chuẩn dinh dưỡng được quy định trong pháp luật Việt Nam, thì biotin, chokine, mangan, iod trong nhãn hiệu HOHOEMI hoặc biotin, kẽm, iốt trong nhãn hiệu STEP đều không đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam. Điều này là do sự khác biệt trong tiêu chuẩn về thành phần dinh dưỡng và nhu cầu các chất dinh dưỡng khác nhau giữa người Nhật Bản và người Việt Nam.
Vấn đề thứ hai được Meiji lo ngại là tình trạng quản lý chất lượng hàng nội địa Nhật Bản này khi đem về Việt Nam đều không rõ ràng. Do đó có khả năng việc quản lý hạn sử dụng và quản lý chất lượng không được thực hiện đúng cách, dẫn tới việc chất lượng sản phẩm xuống cấp, có nguy cơ gây hại đến sức khoẻ và an toàn của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Meiji cũng không loại trừ khả năng hàng giả có thể bị trà trộn vào hàng Nhật Bản được bắt gặp trên thị trường, do đó có nguy cơ gây hại đến sức khoẻ và an toàn của người tiêu dùng.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)