Trong ngày 10 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Ống thép Việt Nam thoát mức thuế phá giá 113% vào Mỹ; Tiêu thụ bia ở Việt Nam tăng mạnh, nhà đầu tư ngoại ung dung hốt bạc; Thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô có thể tăng kịch trần; Doanh nghiệp gặp khó vì các rào cản; Bốn tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu nhận tiêu thụ hàng hóa Việt Nam.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Ống thép Việt Nam thoát mức thuế phá giá 113% vào Mỹ.
Thông tin từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) cho biết, Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, công ty con của tập đoàn này, đã tham gia vào vụ điều tra chống bán phá giá ống thép hàn cacbon nhập khẩu vào thị trường Mỹ với tư cách bị đơn tự nguyện. Theo quyết định sơ bộ vừa được Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đưa ra, ống thép Hòa Phát được hưởng mức thuế suất riêng rẽ 0,38% khi xuất khẩu ống thép cacbon sang thị trường nước này.
Hòa Phát cho biết, với hệ thống pháp luật về Thuế của Mỹ, bất cứ mức thuế nào dưới 2% được coi là mức thuế thấp và được thực hiện như mức 0%.
2. Tiêu thụ bia ở Việt Nam tăng mạnh, nhà đầu tư ngoại ung dung hốt bạc.
Trong đánh giá mới nhất, Bộ Công Thương cho rằng, nhu cầu tiêu thụ nước bia và giải khát Việt Nam đang trong thời gian tăng rất mạnh. Nhiều nhà đầu tư ngoại nhờ đó thu lợi rất cao. Trong tháng 5/2016, sản lượng bia các loại ước đạt 308,8 triệu lít, tăng 1,9% so với tháng 5 năm 2015. Tính chung 5 tháng đầu năm 2016, sản lượng bia các loại ước đạt 1.323,7 triệu lít, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Thị trường Việt Nam cũng được đánh giá là tiềm năng với nhiều hãng bia ngoại mặc dù với sản lượng lên tới 4,8 tỷ lít bia/năm, đủ cung ứng cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 3 triệu lít bia mỗi năm và xuất khẩu trên 70 triệu lít.
3. Thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô có thể tăng kịch trần.
Thông tư sửa đổi, bổ sung thuế nhập khẩu một số mặt hàng linh kiện, phụ tùng ôtô nhằm thực hiện Quyết định số 229/QĐ-TTg vừa được ngành tài chính gửi tới các đơn vị liên quan. Trong đó có 19 dòng hàng linh kiện, phụ tùng ôtô nằm trong diện xem xét thuế nhập khẩu bằng mức trần cam kết WTO, tức là tăng khoảng 5-15% so với hiện tại.
Qua nội dung dự thảo Thông tư, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Giao thông Vận tải để xây dựng danh mục các loại phụ tùng, linh kiện trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và số lượng.
4. Doanh nghiệp gặp khó vì các rào cản.
Báo chí trong ngày 10/9 tiếp tục tập trung phản ánh về vấn đề này, trong đó nhấn mạnh về hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn trong khi những rào cản về chính sách, sự nhũng nhiễu của các cơ quan quản lý ngày càng nhiều, khiến doanh nghiệp Việt ngày càng suy kiệt. Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, sẽ không thể trụ vững nếu tiếp tục bị những rào cản chính sách như hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, trong khi họ phải chật vật để giữ vững được chỗ đứng trên thương trường thì nhiều quy định, chính sách của cơ quan quản lý như muốn đẩy họ bật ra khỏi những nỗ lực đó. Các DN ngành dệt may cho rằng, Thông tư 37 của Bộ Công Thương không hề cải tiến giúp cho DN dễ thở hơn, ngược lại đang đẩy DN vào tình trạng tốn kém thêm chi phí, thời gian vì phải thực hiện thêm những quy định mới của nhà quản lý.
Nghị định 19 về Kinh doanh khí có hiệu lực từ 15/5/2016 đang gây ra những bức bối cho các DN hoạt động trong ngành này. Nhiều DN kinh doanh gas cho rằng, Nghị định 19 đang bộc lộ sự thiếu công bằng với các DN nhỏ và vừa.
5. Bốn tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu nhận tiêu thụ hàng hóa Việt Nam.
Bộ Công Thương vừa tổ chức đoàn xúc tiến thương mại quốc gia, gồm khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đi Pháp và Italy. Tại Italy, đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm và làm việc trực tiếp với nhà phân phối Coop và Conad. Đây là hai mạng lưới bán lẻ lớn nhất Italy và chiếm tới 1/3 thị phần bán lẻ tại nước này.
Tại Pháp, đoàn doanh nghiệp Việt Nam đã làm việc trực tiếp với tập đoàn bán lẻ Casino và Auchan. Đây là hai mạng lưới bán lẻ đã và đang phân phối nhiều mặt hàng Việt Nam, gồm cả nhóm hàng thực phẩm và phi thực phẩm.
Các tập đoàn bán lẻ nổi tiếng trên đều cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để hàng Việt Nam thâm nhập vào hệ thống siêu thị châu Âu và thế giới.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)