Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho người lao động. Tại CTCP Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông, công đoàn dường như còn đại diện cho người lao động sở hữu doanh nghiệp khi mà công đoàn đang sở hữu tới gần 40% cổ phần.
Đây là tỷ lệ sở hữu cao hiếm thấy đối với một tổ chức công đoàn. Trên thị trường không thiếu những doanh nghiệp có các tổ chức công đoàn nắm giữ cổ phần của chính doanh nghiệp đó. Nhưng tỷ lệ nắm giữ lên tới gần 40% và là cổ đông lớn nhất, thì trường hợp của Rạng Đông quả là có một không hai. Và thậm chí công đoàn còn có ý định gom thêm cổ phiếu khi cổ đông lớn thứ hai là SCIC lên kế hoạch thoái vốn.
Rạng Đông được cổ phần hóa từ năm 2003 và chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán từ năm 2007. Như rất nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, Công đoàn Công ty cũng như cán bộ công nhân viên có quyền mua một tỷ lệ cổ phần nhất định. Việc gom cổ phiếu RAL đến tỷ lệ như hiện nay xuất phát từ biến động giá cổ phiếu RAL sau niêm yết.
Năm 2007, giá RAL đạt đỉnh, không ít cổ đông là cán bộ công nhân viên đã đua nhau bán cổ phần để thu tiền, hiện thực hóa lợi nhuận. “Người thì mua nhà, người thì sắm xe”. Công đoàn cũng như HĐQT Công ty đã ra sức khuyên người lao động dừng bán cổ phần, sợ những ảnh hưởng tiêu cực về hình ảnh khi cán bộ công nhân viên tỏ ra không tin tưởng vào hoạt động của Công ty, không muốn nắm giữ cổ phiếu Công ty.
Khuyên là một chuyện, cổ phiếu mà giảm giá, ai sẽ là người chịu trách nhiệm, ai sẽ “đền bù” mất mát cho người lao động nếu như họ giữ cổ phiếu theo lời khuyên của mình. Giải pháp được đưa ra lúc ấy là Công đoàn Công ty sẽ gom lại cổ phiếu khi người lao động bán ra. Công đoàn Công ty vì vậy đã được tổ chức như một loại hình “quỹ đầu tư” - chỉ khác biệt là danh mục chỉ có duy nhất một loại cổ phiếu.
Với việc nhận cổ tức đều đặn hàng năm, Công đoàn Rạng Đông đã có một nguồn thu đều đặn, tương đối lớn, thưởng cho cán bộ, công nhân viên Công ty căn cứ vào đóng góp của họ, vào hoạt động của họ trong một năm. Đó là điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Công đoàn Công ty, do nguồn thu lớn, có quy chế chi tiêu rất rõ ràng và minh bạch, đại diện Rạng Đông cho biết.
Năm 2016 là năm thứ hai liên tiếp Công đoàn Rạng Đông đề xuất không phải thực hiện chào mua công khai khi mua cổ phần. Tổ chức đã từng lên kế hoạch mua lại cổ phần của SCIC mà không cần chào mua công khai nhưng đã không thành công trong năm 2015.
Một trong các tờ trình được ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 trình và đã được ĐHĐCĐ thông qua là việc cho phép tổ chức công đoàn (hoặc đại diện) không phải thực hiện chào mua công khai khi mua cổ phiếu của Công ty, trong trường hợp cổ đông lớn thoái vốn và mua các cổ phiếu lẻ trên thị trường.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, tổ chức này cũng đã được cho phép mua cổ phần SCIC thoái vốn hay khi các cổ đông lớn thoái vốn mà không phải thực hiện chào mua công khai. Tuy nhiên, Công đoàn Rạng Đông đã không thực hiện được giao dịch nào. Đã có hơn 24,4% vốn điều lệ của Rạng Đông về tay bà Lê Thị Kim Yến và người liên quan trong năm trước. Thành viên HĐQT này không xuất hiện trên băng ghế Đoàn chủ tịch Đại hội năm nay.
Hiện nay, Công đoàn Rạng Đông đang nắm giữ nắm giữ 39,38% vốn. Theo quy định, nếu tổ chức này mua tiếp từ 10% trở lên cổ phần của Rạng Đông thì sẽ cần thực hiện chào mua công khai. Đề xuất không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai, rất có thể Công đoàn doanh nghiệp này tiếp tục mong muốn nhận về một lượng lớn cổ phần.
Cũng phải nói thêm rằng, trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 52 năm ngày Bác Hồ về thăm Công ty (28/4/2016), lãnh đạo doanh nghiệp này đã tiết lộ tổng số cổ phần mà tập thể CNLĐ Rạng Đông nắm giữ đã lên tới trên 50% cổ phần.
Thùy Dương (tổng hợp)