Thông tin cụ thể như sau:
1.Nghi án xăng pha – Bất an vì xe tự bốc cháy.
Thời gian vừa qua xảy ra hiện tượng xe tự bốc cháy, trong bài viết của mình về vấn đề này, phóng viên Báo Thanh niên đã nêu ý kiến của nhiều chuyên gia. Phần lớn các chuyên gia đều lo ngại tình trạng xe tự bốc cháy như hiện nay có thể nguyên nhân từ chất lượng nhiên liệu. PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia năng lượng, nhận xét: Nguyên nhân chập mạch để dẫn đến phát nổ dữ dội phải có tác động khác là từ nhiên liệu, đặc biệt nhiên liệu bị pha chế các hoạt chất khác.
Gần đây, chúng ta xài xăng pha E5 là xăng A92 pha ethanol. Nếu rò rỉ, ethanol vẫn có khả năng làm nhũn, mềm, hỏng ron cao su như thường, bởi nó là một dung môi. Lượng ethanol pha quá liều, trong khi điều kiện kỹ thuật của động cơ không đảm bảo, khả năng không an toàn cho phương tiện vận tải vẫn xảy ra rất cao. Còn theo PGS-TS Hoa Hữu Thu nhận xét cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ xăng dầu đang bán trên thị trường, đặc biệt là phải kiểm soát, ngăn chặn các vụ ăn cắp xăng dầu bán ra thị trường (gần đây cơ quan chức năng phát hiện 9.000 lít xăng máy bay tuồn ra thị trường. Không có gì đảm bảo tất cả xăng dầu đang bán trên thị trường đều đúng quy chuẩn).
2.Xăng dầu Dung Quất chưa được phép xuất khẩu.
Nhiều bài báo trong ngày đưa thông tin Bộ Công Thương vừa có công văn gửi Công ty TNHH Lọc hoá dầu Bình Sơn về việc tiêu thụ sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến cơ chế tài chính, chính sách thuế, tạo thuận lợi và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của Dung Quất, tạo điều kiện cho việc tiêu thụ nội địa tối đa sản phẩm của nhà máy.
Trong những năm qua, giá xăng dầu ở Việt Nam luôn ở mức thấp hơn so với một số nước như Thái Lan, Campuchia, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản... vì không cạnh tranh được với xăng dầu trong nước nên Dung Quất muốn tận dụng mức giảm ưu đãi thuế quan hướng ra xuất khẩu để giải quyết khó khăn của nhà máy.
3.Bỏ bộ chủ quản, đại học sẽ ra sao?
Báo Lao động 09/6 phản ánh: Chủ trương không còn bộ chủ quản là tốt cho các trường ĐH, vấn đề là Bộ Giáo dục và Đào tạo có thực hiện hay không và thực hiện như thế nào. Bài báo nêu ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ “Đối với Đại học (ĐH), trọng tâm là tăng cường vai trò tự chủ và tiến tới các trường ĐH không trực thuộc bộ nào” - Trường sẽ không trực thuộc bộ. Tự chủ ĐH không phải làm giảm gánh nặng ngân sách, càng không phải là cơ hội để các trường mở rộng quy mô đào tạo mà tự chủ ĐH là để các trường có cơ hội được quyết định những vấn đề của mình và bảo đảm chất lượng. Xác định đây là vấn đề cam go, Bộ trưởng cho biết đang làm việc với các trường ĐH và đang chuẩn bị nghị định trình Chính phủ về tự chủ ĐH.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, hô hào bỏ bộ chủ quản, tuy nhiên hiện nay, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý khoảng hơn 1/3 số trường ĐH, CĐ. Các bộ chủ quản khác như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Y tế... liệu có bỏ các trường của họ được không?
4. Doanh nghiệp thép lại kêu cứu, xin bảo hộ.
Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết vừa tiếp nhận hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép mạ kẽm phủ sơn (tôn mạ màu) của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước. Cục Quản lý Cạnh tranh đề nghị các doanh nghiệp trong nước sản xuất/kinh doanh sản phẩm tôn mạ nêu trên cung cấp đầy đủ hồ sơ bao gồm: Công suất thiết kế và lượng sản xuất các sản phẩm tôn mạ trong các năm 2014, 2015 và 2016; Ý kiến của công ty về vụ việc và bất kỳ tài liệu/chứng cứ nào khác mà công ty cho rằng liên quan đến vụ việc.
Đây là vụ kiện thứ 4 mà Việt Nam tiến hành đối với sản phẩm thép nhập khẩu. Trước đó, Việt Nam đã áp dụng thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài và áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.
Trước đó, ngày 8/6 Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa ban hành quyết định sơ bộ thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon (CWP) nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, DOC đã áp mức thuế suất chung lên đến 113,8% cho các doanh nghiệp xuất khẩu CWP của Việt Nam, trong khi với ba doanh nghiệp có hợp tác điều tra với DOC chỉ nhận mức thuế 0-0,38%. Mức thuế chung nói trên bằng với biên độ phá giá mà các nguyên đơn trong vụ kiện đã cáo buộc hồi tháng 11-2015 và là mức cao nhất so với bốn quốc gia khác cũng bị Mỹ kiện là Oman, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Philippines và Pakistan.
5. Bình ổn thị trường đường.
Để ổn định thị trường đường, mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ NN&PTNT điều hành nhập khẩu đường phù hợp và triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước mắt cho phép bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 100.000 tấn đường, để góp phần bổ sung nguồn cung cho thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước. Như vậy, trong bối cảnh nguồn cung trong nước thiếu hụt thì việc sớm cho nhập khẩu đường trong hạn ngạch thuế quan cũng là một biện pháp để bình ổn thị trường.
6. Yêu cầu thanh tra nhiều vấn đề ở nhà máy Đạm Ninh Bình.
Báo Tiền phong có bài viết phản ánh, tại cuộc họp ngày 5/6 vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã có báo cáo về tình hình hoạt động của Nhà máy Đạm Ninh Bình được đầu tư 12.000 tỷ đồng, nhưng vừa đi vào hoạt động đã hỏng hóc, gây ô nhiễm môi trường.
Về tình hình hoạt động của Đạm Ninh Bình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Hóa chất phối hợp với Vinachem đánh giá hiệu quả dùng than sản xuất đạm của 2 nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc. Đối với Nhà máy Đạm Ninh Bình, Bộ Công Thương đã yêu cầu thanh tra, kiểm tra các vấn đề còn tồn tại. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu Thanh tra của bộ phối hợp với Vinachem sớm quyết toán khâu đầu tư của dự án, liên quan đến đàm phán với nhà thầu, từ đó báo cáo kịp thời để tìm ra hướng giải quyết, khắc phục hiệu quả.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)