Thông tin cụ thể như sau:
1.Nước giải khát rơi vào tay doanh nghiệp ngoại.
Với tốc độ tăng bình quân hơn 10%/năm, cuộc chiến giành thị phần trên thị trường nước giải khát nội đang diễn ra quyết liệt nhưng phần thắng đã nghiêng hẳn về các doanh nghiệp ngoại. Không ít DN Việt đã bị thâu tóm, những thương hiệu đình đám một thời đã rơi vào tay DN nước ngoài. Bên cạnh bị thâu tóm, không ít thương hiệu Việt một thời đình đám nay rơi vào thế lép vế, vắng bóng dần trên thị trường do không thể cạnh tranh. Dạo quanh các chợ, siêu thị, cửa hàng, các quầy NGK không cồn có hàng trăm sản phẩm khác nhau nhưng các thương hiệu nước ngoài chiếm thị phần áp đảo.
2.Xuất khẩu dệt may bị “hàng xóm” lấy đơn hàng.
Mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD trong năm 2016 của ngành dệt may đang vấp phải những nỗi lo khá thực tế từ sự suy giảm đơn hàng và giá xuất khẩu. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), ông Vũ Đức Giang phải thừa nhận rằng, các doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các đối thủ láng giềng, tiêu biểu như Lào, Campuchia, Bangladesh… Khách hàng đã chuyển bớt đơn hàng sang Campuchia, Myanmar và Lào bởi các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ, vốn là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.
3. Trung Quốc kiểm soát ngặt gạo Việt Nam.
Vừa qua, Bộ NN&PTNT phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tổ chức công bố nghị định thư xuất khẩu gạo và cám sang thị trường Trung Quốc. Nghị định thư này vừa được Bộ NN-PTNT ký kết với Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) hôm 30-5 và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Nghị định thư được ký kết giúp tháo gỡ về mặt kỹ thuật, giảm phiền hà cho DN, là một hành lang pháp lý rõ ràng, giúp DN xuất khẩu và tạo “thế” cho gạo Việt Nam ở những thị trường khác.
Đáng chú ý, trong dự thảo, phía Trung Quốc đưa ra yêu cầu nếu phát hiện bất kỳ lô gạo nào vi phạm về dịch hại sẽ dừng ngay hoạt động nhập khẩu nhưng Việt Nam đã đàm phán để AQSIQ chỉ gửi cảnh báo để phía DN Việt khắc phục. Cũng theo nghị định thư, trong năm nay, AQSIQ sẽ cử người kiểm tra vùng trồng, cơ sở vật chất của DN xuất khẩu.
4. Đủ cơ sở áp thuế tự vệ với bột ngọt nhập khẩu.
Việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với bột ngọt nhập khẩu là có cơ sở pháp lý, không chấp thuận kiến nghị hủy bỏ quyết định này của một số doanh nghiệp. Nếu không đồng ý với quyết định này, doanh nghiệp có quyền khởi kiện ra tòa. Đây là một trong những nội dung tại văn bản vừa được Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Công ty CJ Cheil Jedang (CJ) đã khiếu nại Quyết định 920 áp dụng biện pháp tự vệ một năm đối với bột ngọt nhập khẩu, và đề nghị Bộ Công Thương hủy quyết định nói trên, thay vào đó là áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Ngoài ra, một số công ty nhập khẩu còn cho rằng quyết định áp thuế tự vệ đối với bột ngọt nhập khẩu của Bộ Công Thương là đi ngược lại với cam kết hội nhập.
5. Sabeco và Habeco 8 năm trốn niêm yết.
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có công văn gửi đến Bộ Công Thương. Trong đó, VAFI cho rằng “cần chấm dứt ngay lập tức tình trạng trốn niêm yết tại Sabeco & Habeco”.
Nói về thực trạng hiện nay của hai công ty này, VAFI cho rằng hiện nay Bộ Công Thương đang đại diện tới gần 90% và 82% vốn điều lệ của Sabeco và Habeco. Mặc dù đã thực hiện việc cổ phần hóa được hơn 8 năm, nhưng Sabeco và Habeco đã nhiều lần tìm cách trốn tránh việc niêm yết.
VAFI đề xuất Bộ Công Thương nhanh chóng đề nghị Chính phủ cho phép bán toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco và Habeco theo hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán. nếu bán hết cổ phần nhà nước tại Sabeco và Habeco, số tiền thu được dự tính trên 3 tỉ USD.
6. Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương phối hợp kiểm soát chất cấm.
Bộ NNPTNT gửi công văn số 4416/BNN-QLCL đến Bộ Công Thương đề nghị phối hợp kiểm soát việc nhập khẩu, sử dụng sau nhập khẩu các hóa chất dùng trong công nghiệp.
Nhằm đảm bảo ATTP nông lâm thủy sản, Bộ NNPTNT đã ban hành danh mục 3 chất cấm dùng trong nông nghiệp, gồm: Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong thú y và sản xuất, kinh doanh thủy sản; danh mục hóa chất, kháng sinh cấm NK, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam; danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)