Trong ngày 06 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Lần tăng giá xăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm; Hàng nghìn tấn dược liệu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam; Sản lượng mía đường liên tục tụt giảm; Thoái vốn tại Sabeco nghiêng về phương án bán theo lô; Kết thúc đàm phán hợp đồng thuê đất dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2.
Thông tin cụ thể như sau:
1. Lần tăng giá xăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm. Từ 15h ngày 4/6, sau khi giá xăng RON 92 và xăng E5 lần lượt tăng 680 đồng và 668 đồng/lít sẽ có mức giá mới là 16.500 đồng và 15.978 đồng/lít. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2016, giá xăng vượt mốc 16.000 đồng/lít. Giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua là do giá dầu trên thế giới đã có xu hướng tăng và trong 15 ngày qua giá thành phẩm xăng dầu đã tăng gần 4-8 USD/thùng. Trong lần điều chỉnh này Liên bộ Công Thương - Tài chính vẫn tiếp tục được sử dụng quỹ bình ổn các mặt hàng xăng dầu.
2. Hàng nghìn tấn dược liệu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam. Việt Nam từng là nước xuất khẩu dược liệu những năm 1960-1970, nhưng đến nay thì hoàn toàn lệ thuộc vào phía Trung Quốc. Thậm chí nhiều loại dược liệu quý còn bị chảy sang Trung Quốc, sau đó nhập sản phẩm kém chất lượng về.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, Việt Nam chi khoảng 113 triệu USD mua các loại nguyên dược liệu, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường chính.
3. Sản lượng mía đường liên tục tụt giảm. Niên vụ mía đường 2015-2016 này, khả năng sản lượng đường chỉ đạt gần 1,2 triệu tấn. Con số này tụt giảm so với niên vụ trước đó là 1,4 triệu tấn. Đây cũng là niên vụ thứ hai liên tiếp lượng đường sản xuất trong nước giảm.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam (Vssa) cho biết, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu 200 nghìn tấn đường để đảm bảo tiêu thụ trong nước do sản lượng tụt giảm. Theo Vssa, đây là lượng đường ngoài hạn ngạch thuế quan khoảng 85.000 tấn đường Việt Nam nhập khẩu theo cam kết WTO.
4. Thoái vốn tại Sabeco nghiêng về phương án bán theo lô. Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, phương án thoái phần vốn thuộc sở hữu nhà nước tại Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) do Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt đang nghiêng về việc bán cổ phần theo lô, dù các phương án khác như chọn cổ đông chiến lược, hoặc bán đấu giá công khai cũng đã được tính đến.
Nguồn tin này cho biết Sabeco vẫn đang chờ quyết định cuối cùng do Thủ tướng phê duyệt.
5. Kết thúc đàm phán hợp đồng thuê đất dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2. Ngày 3/6, Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã cùng với Tổ hợp nhà đầu tư Marubeni – Kepco tiến hành ký kết bản xác nhận kết thúc nội dung đàm phán hợp đồng thuê đất Dự án NMNĐ Nghi Sơn 2.
Dự kiến, việc xây dựng tổ máy đầu tiên với công suất 600MW sẽ được hoàn tất vào tháng 9/2019 và tổ máy thứ hai với công suất 600MW sẽ được hoàn tất vào tháng 3/2020. Sau khi hoàn thành xây dựng, đấu nối 1.200MW điện vào lưới điện quốc gia, Công ty sẽ vận hành Nhà máy trong thời hạn 25 năm trước khi bàn giao cho Chính phủ Việt Nam.
Dự án được Bộ Công Thương trao thầu cho Liên danh Marubeni – Kepco vào tháng 3/2013, với hình thức BOT.
LQH (Nguồn VP Bộ Công Thương)