banner2019
 
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Thứ tư, ngày 13 tháng 11 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 30/5
Cập nhật lúc 10:59 ngày 30/05/2016
Trong ngày 30 tháng 5 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Vấn đề trộn đất vào móng bêtông đường dây 200kV ở Nam Định; Cửa hẹp với doanh nghiệp ngoại trong bán lẻ xăng dầu; Điện mặt trời ngóng giá mua; Lo ngại “nhập khẩu” ô nhiễm; Triển khai lộ trình xăng E5: Cần giảm giá sâu; Phó Thủ tướng yêu cầu xem lại cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu; Phân bón giả gây thiệt hại 2 tỷ USD mỗi năm; Gas giả, mỗi nơi xử lý một kiểu.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Vấn đề trộn đất vào móng bêtông đường dây 200kV ở Nam Định.


Tiếp một loạt bài viết về vấn đề trộn đất vào móng bêtông đường dây 200kV Trực Ninh, Nam Định được Báo Lao động đưa tin thời gian gần đây, các cơ quan thông tấn báo chí ngày hôm nay 30/5 đưa tin, phản ánh dày đặc về vấn đề này. Thông tin cập nhật được các cơ quan báo chí phản ánh: Công ty cổ phần Sông Đà 11, đơn vị thi công, đã lập đoàn kiểm tra chất lượng vị trí có phản ánh sai phạm trong quá trình thi công. Ngày 27/5, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) - đơn vị chủ đầu tư công trình đã gửi thông cáo báo chí cho rằng các công trình nêu trên đã được chủ đầu tư yêu cầu dừng thi công từ tháng 3, nhưng đến nay, nhà thầu vẫn cho tiến hành thi công là thuộc trách nhiệm của nhà thầu, đội xây lắp.

Đáng chú ý là bài viết “Vụ trụ điện 220kV làm bằng bêtông trộn đất ở Nam Định: Xuất hiện nhiều điều vô cùng “lạ lùng”” trên báo Lao động ngày 30/5 có nêu thông tin ngày 26/5 ông Nguyễn Văn Đương (Chỉ huy trưởng công trình, người vừa bị đình chỉ công việc) cùng giám sát thi công Vũ Văn Thụy muốn “mua chuộc” anh Vũ Ngọc Hồi (một trong những người đứng ra tố cáo), tuy nhiên anh Hồi không chấp nhận. Bài viết cũng nêu ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Viên (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội), chuyên viên Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước về công trình xây dựng. Theo đó, ông Viên cho rằng Sông Đà 11 vốn là nhà thầu lâu năm, dày dạn kinh nghiệm, họ không thể tự ý làm trái lệnh của chủ đầu tư, tự bỏ tiền túi ra thi công, sau này chủ đầu tư hoàn toàn có quyền từ chối thanh toán. PGS Viên cũng cho rằng cần kiểm tra lấy mẫu ở nhiều nơi, cả cột, cả dầm, cả trụ, đáy...; thậm chí lấy mẫu kiểm chứng hơn 30 cột móng đã hoàn thiện để đảm bảo chất lượng toàn tuyến công trình. 

2. Cửa hẹp với doanh nghiệp ngoại trong bán lẻ xăng dầu.

Trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), phân  phối xăng dầu là lĩnh vực được Việt Nam bảo lưu, không cho phép nước ngoài tham gia. Chuyện Công ty Idenmitsu Kosan (IKC) và Công ty Kuwait Petroleum International (KPI) nhận được Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp để thành lập liên doanh 100% vốn nước ngoài, tham gia phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam thoạt nghe có vẻ ấn tượng. Tuy nhiên, việc Công ty TNHH Xăng dầu Idemitsui Q8 – doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đầu tiên hiện diện trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ xăng dầu không có nghĩa rằng lĩnh vực nhạy cảm này đã được mở cửa với tất cả các nhà đầu tư ngoại.

Bài báo dẫn nhận xét của một chuyên gia dầu khí, cho biết, sẽ có những thời điểm Công ty Xăng dầu Idemitsui Q8 được phép nhập sản phẩm. Muốn nhập khẩu được, Công ty còn phải đáp ứng các điều kiện của Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu như có kho bãi, cầu cảng.... 

3. Điện mặt trời ngóng giá mua.

Giá bán lẻ điện thấp đang là rào cản chính đối với phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời, bởi các nguồn năng lượng tái tạo có chi phí đầu tư ban đầu khá cao.

Việt Nam được cho là có tiềm năng phát triển điện mặt trời, đặc biệt với khu vực miền Trung và miền Nam, trong điều kiện bức xạ mặt trời ở Việt Nam khá lớn. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khuyến nghị hỗ trợ tài chính cho các hệ thống quang điện mặt trời độc lập cũng như hòa lưới ở các vùng sâu và hải đảo, đồng thời có chính sách ưu đãi nhằm giảm chi phí đầu tư vào các nhà máy quang điện mặt trời, hệ thống điện mặt trời trên nóc nhà và các hệ thống quang điện mặt trời cộng đồng.

Đại diện Bộ Công Thương, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo (Tổng cục Năng lượng), cho biết Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam có mục tiêu giảm lượng thải khí nhà kính và các hộ gia đình được tiếp cận các dịch vụ năng lượng tin cậy, bền vững và hiện đại với giá phải chăng vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu, Bộ Công Thương đang xây dựng chính sách theo hướng thành lập quỹ phát triển năng lượng bền vững sử dụng các nguồn từ ngân sách nhà nước, phí môi trường với nhiên liệu hóa thạch và các nguồn khác; chính sách giá điện và đảm bảo đầu tư... 

4. Lo ngại “nhập khẩu” ô nhiễm.

Sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam đối với một số ngành như dệt nhuộm, thuộc da... vốn là những ngành công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao đang đặt ra những vấn đề, thách thức, rủi ro môi trường đòi hỏi cần có biện pháp để giảm tối đa. Các chuyên gia cho rằng chính sách quản lý môi trường của Việt Nam còn tồn tại nhiều lỗ hổng dẫn đến những rủi ro về môi trường khi tiếp nhận đầu tư từ những ngành có nguy cơ ô nhiễm cao. 

5. Triển khai lộ trình xăng E5: Cần giảm giá sâu.

Để triển khai đúng lộ trình, theo một số chuyên gia, cần gỡ "nút thắt" bằng việc giảm giá sâu xăng E5, đồng thời quyết liệt "khai tử" xăng A92 trên thị trường.

Từ ngày 1/6/2016, tất cả các điểm kinh doanh xăng dầu tại 8 tỉnh, thành phố lớn gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam sẽ phải đạt 100% bán xăng E5. Tuy nhiên, tính tới thời điểm này, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Quảng Nam là ba tỉnh đầu tiền trong toàn quốc hoàn toàn sử dụng xăng sinh học E5 thay thế cho xăng A92. Năm tỉnh, thành phố còn lại mới có 50% cây xăng bán xăng E5. Vì vậy, để đảm bảo đúng lộ trình đề ra, cần có những giải pháp đồng bộ và tích cực. 

6. Phó Thủ tướng yêu cầu xem lại cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu.

Ngày 28/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá lại việc áp dụng thuế nhập khẩu bình quân trong phương thức tính giá, đưa ra các phương án điều chỉnh để sớm trình Chính phủ cho ý kiến; xây dựng lộ trình điều chỉnh giá xăng dầu với các bước giá cụ thể và đánh giá tác động tới chỉ số giá tiêu dùng - CPI.Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kiểm soát các chi phí hao hụt trên nền tảng áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật; thực hiện tốt truyền thông trong điều hành giá xăng, dầu.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Quyết định số 9 của Thủ tướng ngày 19/11/2013 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; sửa đổi, bổ sung Quyết định số 88 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

7. Phân bón giả gây thiệt hại 2 tỷ USD mỗi năm.

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, phân bón giả gây thiệt hại cho nền kinh tế tới 2 tỷ USD mỗi năm.Nạn phân bón giả không chỉ gây ảnh hưởng tới kinh tế cho bà con nông dân mà còn gây tác hại cho cây trồng, làm rối loạn thị trường phân bón, ảnh hưởng đến thương hiệu các nhà sản xuất, kinh doanh mặt hàng này.

8. Gas giả, mỗi nơi xử lý một kiểu.

Theo thống kê của Hiệp hội Gas Việt Nam, khoảng 30%-40% gas trên thị trường hiện nay là giả kém chất lượng. Đây là một con số đáng lo ngại, khi mà vấn nạn gas giả, gas nhái không chỉ phương hại đến các doanh nghiệp kinh doanh chân chính mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khủng khiếp.Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ vấn nạn gas giả, gas nhái vẫn chưa được xử lý triệt để, các điểm sang chiết gas lậu vẫn có đất sống là bởi chế tài vẫn chưa nghiêm, thiếu sự đồng bộ trong cách xử lý các đối tượng vi phạm. Việc  tịch thu các vỏ bình gas của các đối tượng vi phạm thì mỗi địa phương lại xử lý theo cách khác nhau. Cùng một loại hành vi vi phạm nhưng có vụ việc thì xử lý hình sự, có vụ việc lại xử phạt hành chính, có vụ trả lại bình gas cho chính đối tượng vi phạm, có vụ lại đem đi tiêu hủy.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)