Thông tin cụ thể như sau:
1. Mỹ hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn
Thượng viện Mỹ ngày 25-5 đã thông qua nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn vốn đã bị chỉ trích là lãng phí và không cần thiết.
Nghị quyết được thông qua sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa hoàn thành chuyến công du tại Việt Nam – một nước xuất khẩu số lượng lớn cá da trơn sang thị trường Mỹ. Tính đến hết tháng 4/2016, Mỹ vẫn là đối tác lớn nhất về cá tra Việt Nam với giá trị xuất khẩu đạt 115,1 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
2. Thép cuộn cán nguội Việt Nam bị Malaysia áp thuế 5 năm.
Malaysia đã chính thức áp thuế chống bán phá giá từ 3,06 - 13,68% lên sản phẩm thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam. Thời hạn áp dụng mức thuế này là 5 năm kể từ ngày 24/5. Như vậy, đây là mặt hàng thép thứ 2 của Việt Nam đối mặt với thuế chống bán phá giá của Malaysia, sau sản phẩm tôn phủ màu.
Cũng theo thông báo của phía Malaysia, các sản phẩm thép tấm đen (hoặc tôn đen), các sản phẩm thép cuộn cán nguội sử dụng cho ngành cơ khí tự động sẽ được loại khỏi danh sách sản phẩm bị áp thuế.
3. Dệt may VN bị cạnh tranh từ láng giềng.
Kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may năm 2015 đạt khoảng 27 tỉ USD và kế hoạch đưa ra năm nay sẽ tăng khoảng 10%. Tuy nhiên thời gian gần đây, ngoài sự trỗi dậy của các thị trường mới nổi như Bangladesh, Campuchia, việc dịch chuyển đơn hàng xuất khẩu lan sang Lào, Campuchia khiến các doanh nghiệp lo lắng.
4. Hợp tác đầu tư thương mại Việt Nam - Liên bang Nga nhiều khởi sắc.
Sau 2 năm suy giảm trong quan hệ kinh tế thương mại, những tháng đầu năm nay, hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có nhiều phát triển tích cực. Kim ngạch thương mại hai chiều có xu hướng tăng và hình thức hợp tác, đầu tư cũng ngày càng đa dạng. Đặc biệt, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam dốc vốn đầu tư sang Liên bang Nga nhằm tìm kiếm và mở rộng thị trường.
5. Sabeco vẫn không tự quyết được việc “lên sàn”.
Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 của Tổng CTCP Bia rượu NGK Sài Gòn tổ chức ngày 27-5 tại TP.HCM đã thông qua hàng loạt nội dung, nhưng nội dung quan trọng nhất, được cổ đông, giới đầu tư chờ đợi trong suốt thời gian dài vừa qua, là lộ trình thoái vốn nhà nước để doanh nghiệp tiến tới việc niêm yết trên sàn chứng khoán, vẫn tiếp tục không được đề cập trong tờ trình lấy ý kiến cổ đông.
Ông Võ Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Sabeco - thừa nhận dù Sabeco rất ý thức việc thoái vốn là chủ trương đúng đắn, nhưng lộ trình thoái vốn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của Nhà nước.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)