Thông tin cụ thể như sau:
1. 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt hơn 4 tỷ USD.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, tháng 5 ước kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố đạt 897 triệu USD, tăng 2,7% so với tháng trước nhưng giảm 1,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu tháng 5 trên địa bàn thành phố đạt 1.913 triệu USD, tăng 6,5% so với tháng trước và giảm 12,4% so với cùng kỳ. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 ước đạt 173.315 tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ. Ước tính 5 tháng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố đạt 855.291 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2015.
2. Việc cấp điện cho miền Nam ngày càng trở nên căng thẳng.
Để đảm bảo điện cho miền Nam, hệ thống đường dây siêu cao áp 500kV luôn phải truyền tải với công suất lớn. Trong điều kiện phải truyền tải với công suất cao, nếu xảy ra sự cố trên một đường dây 500kV thì truyền tải trên những đường dây còn lại sẽ tăng lên tương ứng, khi đó, việc cấp điện cho miền Nam sẽ càng trở nên căng thẳng.
Để hạn chế các sự cố, TCT Truyền tải điện Quốc gia đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp tăng cường trong quản lý, tăng cường công tác kiểm tra đường dây, qua đó sớm phát hiện các nguy cơ vi phạm để kịp thời ngăn ngừa.
3. Vitas kiến nghị Chính phủ cấp phép các KCN dệt may quy mô tới 1.000 ha.
Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) vừa có Công văn số 63/CV-HHDMVN gửi Thủ tướng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Đánh giá tình hình doanh nghiệp dệt may và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Để giúp doanh nghiệp dệt may tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, Vitas kiến nghị Nhà nước điều chỉnh chiến lược, quy hoạch phát triển ngành dệt may đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 36/2008/QĐ-TTg ngày 30/3/2008 và Quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11/4/2014 của Bộ Công Thương, cho phù hợp với tốc độ hội nhập sâu, rộng của Việt Nam và theo hướng dài hạn hơn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2040, do nhiều mục tiêu trong các Quyết định trên cho đến nay đã quá lạc hậu.
4.Quy hoạch chợ Kim Biên.
Ngày 23/5, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã làm việc với lãnh đạo các sở ban ngành chức năng về các giải pháp quản lý tình trạng mua bán các loại hoá chất độc hại khu vực chợ Kim Biên (quận 5, TpHCM). Sở Công Thương TP.HCM được giao chậm nhất là đến ngày 20/6 phải trình đề án xã hội hoá theo hướng giao cho một doanh nghiệp xây dựng, kinh doanh và quản lý chợ hoá chất theo các tiêu chí quốc tế để xin chủ trương đầu tư từ các cơ quan có thẩm quyền.
5.Kéo dài thời gian điều tra chống bán phá giá mặt hàng thép mạ nhập khẩu.
Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định gia hạn thời gian ra kết luận sơ bộ thêm 60 ngày vụ điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào VN.
LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)